Sau tái cơ cấu, Beton 6 lâm nguy

(NTD) - Với lý do tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp, CTCP Beton 6 hủy niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào năm 2016. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây công ty đã lỗ hàng trăm tỷ đồng, mất gần hết vốn chủ sở hữu khiến nhiều cổ đông sắp trắng tay.

1

Biểu đồ: Doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Beton 6 giai đoạn 2012-2018 (Đơn vị tính: Tỷ đồng).

Hủy niêm yết để tái cơ cấu

CTCP Beton 6 là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đưa cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán với mã BT6. Cổ phiếu BT6 được giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 18/4/2002.

Beton 6 cũng là doanh nghiệp xây dựng lâu đời của Việt Nam khi xuất hiện vào năm 1958 với tên gọi Công trường đúc đà tiền áp Châu Thới thuộc Công ty RMK của Hoa Kỳ chuyên sản xuất các loại cấu kiện bê tông cốt thép tiền áp để xây dựng trên các tuyến xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, quốc lộ và liên tỉnh lộ tại miền Nam.

Năm 2000, đơn vị này được cổ phần hóa thành CTCP Bê tông 620 Châu Thới, nay là CTCP Beton 6. Công ty dẫn đầu thị trường phía Nam về sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn như cọc váng chiếm 40% thị phần, dầm chiếm 25% thị phần, cọc ống chiếm 16% thị phần, cọc vuông chiếm 12% thị phần.

Với lý do tập trung việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp, ngày 27/11/2015, công ty đã hủy niêm yết cổ phiếu tại HOSE. Một năm tái cơ cấu, công ty đưa cổ phiếu giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM vào ngày 6/3/2017.

Sau tái cơ cấu là chuỗi thời gian công ty có kết quả kinh doanh lao dốc không phanh. Năm 2016, doanh thu đạt 955 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa đến 9 tỷ đồng, lần lượt bằng 84% và 34% so với năm 2015.

Chưa dừng ở đó, năm 2017 và 2018 công ty đều báo lỗ lớn lần lượt -139 tỷ đồng và -323 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu chỉ đạt 134 tỷ đồng, chỉ bằng 12% so với 2015 - năm trước khi công ty thực hiện tái cơ cấu. Hiện nay, công ty lỗ lũy kế 343 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 59 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ công ty là 330 tỷ đồng.

Nguồn vốn được công ty cho các sân sau của một số thành viên HĐQT hoặc góp vốn thành lập các công ty liên doanh, liên kết mà hiệu quả mang lại gần như không có. Điều này khiến Beton 6 phải trích lập dự phòng 164 tỷ đồng từ các khoản cho vay ngắn hạn và 120 tỷ đồng từ đầu tư tài chính dài hạn.

Công ty TNHH MTV 3D - Long Hậu là cái tên ám ảnh dành cho cổ đông khi có khoản vay đã quá hạn trên 3 năm trị giá 59 tỷ đồng (lãi vay gần 30 tỷ đồng); quá hạn 1-2 năm là 14 tỷ đồng và dưới 1 năm là 51 tỷ đồng.

Khoản đầu tư 118 tỷ đồng vào CTCP 3D coi như mất trắng. Beton 6 cho rằng khoản đầu tư này không có khả năng thu hồi từ tài sản thuần hiện có của CTCP 3D nên phải trích lập dự phòng 100%.

2

Beton 6 đã thi công nhiều công trình cầu như: Phú Mỹ, Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu hay đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Ngân hàng “vạ lây”

Để thực hiện các khoản đầu tư theo kiểu “ném tiền qua cửa sổ” như trên, Beton 6 phải vay vốn ngân hàng hàng trăm tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2018, công ty có khoản vay ngắn hạn 358 tỷ đồng gần như không đổi giá trị so với khoản vay 350 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2017.

Giá trị các khoản vay từ các ngân hàng gần như không đổi trong khoảng hai thời điểm trên. Tổng giá trị vay ngân hàng là 346 tỷ đồng nên áp lực về chi phí lãi vay là một con số không hề nhỏ. Hàng năm, Beton phải chi gần 50 tỷ đồng để trả lãi từ các ngân hàng trong khi lợi nhuận gộp rất thấp, thậm chí là con số âm.

Các chủ nợ lớn nhất của công ty có: VietinBank (189 tỷ đồng), Vietcombank (65 tỷ đồng), Eximbank (65 tỷ đồng), NCB (30 tỷ đồng).

Tài sản bảo đảm cho các khoản vay không đến từ bất động sản mà là các khoản phải thu (VietinBank, Vietcombank), quyền đòi nợ (NCB) hay tín chấp (Eximbank). Tuy nhiên, đây là các tài sản mang tính rủi ro rất cao, liệu các ngân hàng có thu hồi được đồng vốn đã cho vay nếu như Beton 6 tiếp tục bế tắc như 3 năm gần đây.

Nỗi ám ảnh của nhà đầu tư

Cơ cấu cổ đông của Beton 6 khá cô đặc khi 7 cổ đông đã chiếm đến 80,29% nhưng xoay quanh ông Trịnh Thanh Huy, một thành viên HĐQT của công ty từ năm 2009 đến nay.

Ông Trịnh Thanh Huy là một doanh nhân khá nổi tiếng trên thương trường khi từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Tập đoàn Masan giai đoạn 1997-2002. Ngoài ra, ông Trịnh Thanh Huy còn từng đảm nhiệm các chức vụ Phó Chủ tịch CTCP Thương mại Đầu tư HB (HB Group), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Bình Thiên An, CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon).

Descon hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây dựng và sớm đưa cổ phiếu với mã DCC lên sàn HOSE từ năm 2007. Sau đó, Descon bị ông Trịnh Thanh Huy và Bình Thiên An thâu tóm. Descon liên tục bị HOSE cảnh cáo, tạm ngừng giao dịch và cuối cùng là hủy niêm yết vào cuối năm 2011 vì liên tục vi phạm công bố thông tin.

Còn cổ phiếu BT6 mới quay lại sàn UPCoM hơn 2 năm nhưng số ngày giao dịch tương đối thấp vì cổ phiếu này liên tục bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện hạn chế giao dịch do vi phạm công bố thông tin. Cứ đến kỳ hạn công bố báo cáo tài chính bán niên, báo cáo tài chính năm là công ty “chây ỳ” và đây trở thành “đặc sản” của Beton 6. Cổ phiếu BT6 tiếp tục tạo đáy khi chỉ còn 1.600 đồng/CP và gần như đánh mất niềm tin của nhà đầu tư.

TRÍ NGUYỄN

 

Bình luận

Nổi bật

Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI

Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:42

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 19/11 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI, tỉnh Hà Nam.

Thị trường đất nền: Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại

Thị trường đất nền: Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30

Theo các chuyên gia đánh giá, thị trường đất nền "hút khách" trở lại do chịu tác động mạnh từ hai yếu tố. Thứ nhất là xu hướng tăng giá mạnh của phân khúc căn hộ chung cư đã đẩy một bộ phần nhà đầu tư chuyển dịch sang đất nền. Thứ hai là quy định cấm phân lô bán nền sẽ làm khan hiếm nguồn cung.

Thị trường chung cư tại Hà Nội: Giá tăng nhanh nhưng chỉ là “cú sốc tạm thời”, bước đầu cho một chu kỳ mới?

Thị trường chung cư tại Hà Nội: Giá tăng nhanh nhưng chỉ là “cú sốc tạm thời”, bước đầu cho một chu kỳ mới?

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30

Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing, giá căn hộ tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian ngắn có thể gây ra phản ứng “sốc tạm thời” nhưng trong chặng đường tới năm 2030 thì đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.