Thứ sáu, 27/11/2020, 08:10 AM

Sau dịch COVID-19, thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh

(CL&CS) - Theo các chuyên gia, COVID-19 đã tạo bước nhảy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

COVID- 19 làm thay đổi thói quen dùng tiền mặt

Tại hội thảo “Vai trò dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong việc thúc đẩy số hóa nền kinh tế thời kỳ hậu COVID-19” được tổ chức mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt cho  biết, 6 tháng đầu năm 2020, số lượng khách hàng thực tế sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là internet banking, mobile banking tăng cao so với cùng kỳ năm 2019, từ 1.4-2.6 lần, và chiếm trên 40% tổng số giao dịch, cá biệt có một vài ngân hàng có tỷ lệ trên 80% tổng giao dịch.

Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt có sự dịch chuyển mạnh trong cơ cấu giao dịch. Theo số liệu của CTCP Thanh toán quốc gia (NAPAS), giao dịch chuyển mạch của khách hàng qua NAPAS từ chỗ chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt từ ATM (chiếm gần 90% tổng giao dịch), đến năm 2020 giảm xuống còn 26.6%, trong khi tổng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 tăng từ chỗ chỉ chiếm 1.1% (năm 2015) đã đạt 66.6% số lượng giao dịch vào năm nay.

Giá trị giao dịch cũng dịch chuyển tương ứng tỷ trọng tổng giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM, giảm từ 84.4% năm 2015 xuống chỉ còn 5.4% năm 2020, lượng giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 tăng 11 lần, từ 6.3% năm 2015 lên 93.5% năm 2020.

Chưa dừng lại ở đó, dịch COVID-19 đã tạo bước nhảy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và các con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra điều này. Trong 6 tháng đầu năm 2020, có 200 triệu giao dịch thanh toán qua Internet với giá trị khoảng 12.9 triệu tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ. Số lượng giao dịch qua điện thoại di động lên tới 472 triệu giao dịch (bằng 178% năm 2019) với giá trị giao dịch khoảng 4.9 triệu tỷ đồng (bằng 177% năm 2019).

Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã xử lý khoảng 69.2 triệu giao dịch, giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ. Hệ thống chuyển mạch tài chính bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch, đạt 3.9 triệu tỷ đồng, tăng 72.4% về số lượng và tăng 102.8% về giá trị so cùng kỳ.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, trong năm 2021 và những năm tới, khi dịch COVID-19 được khống chế tốt hơn, kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, ngành ngân hàng cần có sự bứt phá để góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tiến trình số hóa nền kinh tế.

unnamed

 Số liệu cho thấy tại Việt Nam, 63% số người được khảo sát sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch (Ảnh: BP)

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chỉ ra 2 xu hướng trong hoạt động ngân hàng bán lẻ. Thứ nhất, các ngân hàng tiếp tục tập trung phát triển mảng bán lẻ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. Cùng với đó là việc các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại hơn. Đồng thời, các ngân hàng đều chú ý gia tăng các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và tài sản cho khách hàng trong các giao dịch trực tuyến.

Xu hướng thứ hai là, sự hợp tác giữa ngân hàng và các fintech cũng được đẩy mạnh, giúp việc ứng dụng, phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại được nhanh hơn rất nhiều so với vài năm trước.

Các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số

Ông Trần Đình Cường – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước CN TP.HCM  cho biết hiện nay, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ mới - điều này đã đem lại sự thay đổi rõ rệt về phương thức thực hiện giao dịch; nhờ số hóa các quy trình, nghiệp vụ ngân hàng, khách hàng có thể thực hiện hầu hết giao dịch ngân hàng cơ bản như gửi tiền tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền... bằng hình thức trực tuyến.

Cùng theo ông Cường, một số ngân hàng  (VPBank, TPBank, HDBank, Bản Việt,...) được phép triển khai thí điểm áp dụng phương thức định danh điện tử (eKYC), là nền tảng để xây dựng mô hình ngân hàng số toàn diện, đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Về phía người tiêu dùng, do tác động của dịch COVID-19 vừa qua, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến của nhiều người dân, điều này tạo thuận lợi cho các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cung ứng sản phẩm mới trên nền tảng ngân hàng số.

Ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định các loại rủi ro (tín dụng, thị trường, hoạt động, thanh khoản, pháp lý…) đều tăng. Khẩu vị rủi ro về tín dụng và đầu tư của các ngân hàng thay đổi theo hướng thận trọng hơn. Ngoài ra, tâm lý, hành vi nhu cầu về tiêu dùng, đầu tư và vay mượn của khách hàng thay đổi, đòi hỏi các ngân hàng phải thay đổi theo. Số liệu cho thấy tại Việt Nam, 63% số người được khảo sát sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chia sẻ, trong 10 năm tới, ngân hàng vẫn đóng vai trò là xương sống của nền kinh tế. Do đó, nếu không nhanh chóng chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng thì chiến lược chuyển đổi số của nền kinh tế cũng không thể thành công.

Theo đó, ông Ngoạn kỳ vọng thời gian tới, hệ thống chính sách, khuôn khổ chính sách và hạ tầng cứng, hạ tầng mềm phục vụ chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa để tạo điều kiện xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh cho tiến trình chuyển đổi số của ngân hàng.

Bảo Phương

Bình luận

Nổi bật

Đắk Lắk: Đảm bảo nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Đắk Lắk: Đảm bảo nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 14:29

(CL&CS) - Tuần lễ có chủ đề “Đảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng biến đổi khí hậu”, được tổ chức từ ngày 29/4/2024 đến ngày 6/5/2024, có thể kéo dài đến ngày Môi trường thế giới (5/6/2024) và lồng ghép với các sự kiện và ngày lễ lớn khác.

[INFOGRAPHIC] Việt Nam phấn đấu vào top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động

[INFOGRAPHIC] Việt Nam phấn đấu vào top 3 ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 14:22

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.

Bộ Công an đề xuất quy định mới về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn

Bộ Công an đề xuất quy định mới về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 15:35

(CL&CS)- Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định kiểm tra nhà nước và đánh giá sự phù hợp chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an.