Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 14/11/2015, 06:07 AM

Sân khấu TP.HCM đang thoái trào

(NTD) - Việc hệ thống sân khấu xã hội hóa mà TP.HCM gây dựng nhiều năm qua đang rơi xuống gần đáy của sự thoái trào, cả về chất lượng nghệ thuật vở diễn, đạo đức nghề nghiệp diễn viên và sự thờ ơ của công chúng... là một thực trạng đáng buồn với đội ngũ nghệ sĩ còn tâm huyết với nghề.

Vở mới nhiều nhưng tuổi thọ ngắn

Trong thời kỳ hoàng kim của sân khấu kịch TP.HCM cách đây mười năm, hàng loạt vở diễn thành công cả về doanh thu lẫn chất lượng đã giúp kịch nói trở thành một loại hình giải trí được công chúng yêu thích không kém phim ảnh và ca nhạc. IDECAF và Kịch Phú Nhuận khi đó là hai sân khấu “quyền lực” nhất với những “Quả tim máu”, “Người vợ ma”, “12 bà mụ” và series “Ngày xửa ngày xưa” diễn 3 suất một ngày mà vẫn chật cứng khán giả.

Thế nhưng, sau một thời gian hoạt động, các sân khấu dần bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh nên đã buông trôi những biểu hiện tích cực ban đầu để nương theo thị hiếu dễ dãi của số đông. Nếu trong quá khứ có những tác phẩm kinh điển như “Dạ cổ hoài lang” hay “Lôi vũ” diễn mấy chục năm vẫn có người xem, thì nhiều vở diễn hiện nay nhiều nhất cũng chỉ “sống” được 6 tháng đến 1 năm. Còn đâu những vở kịch để đời cả nội dung và diễn xuất như “nhân dang công lý”, “tôi và chúng ta”... ??? “Các sân khấu vì muốn giành khán giả nên chấp nhận chạy theo trào lưu, thấy đề tài nào đang hot thì bắt chước làm đề tài đó. Khán giả thích nội dung kinh dị thì đua nhau làm kinh dị, thích đồng tính thì đua nhau làm đồng tính. Nhiều tác phẩm chỉ được dựng một cách qua loa để nhanh công diễn kiếm tiền khiến khán giả mau chán, chỉ xem một lần rồi không bao giờ quay lại”, bà Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Sân khấu TP.HCM cho biết.

sân khấu tphcm đang thoái trào1
Kịch ma, kinh dị đang bị lạm dụng đến nhàm chán. Ảnh: một cảnh trong vở “Lầu hoang” của Kịch Phú Nhuận.

Diễn viên mê chạy sô bên ngoài

Việc các diễn viên mải mê chạy sô truyền hình, gameshow, quảng cáo khiến nhiều kịch bản phải hoàn thành nhanh để chạy theo giờ giấc của diễn viên cũng gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng của vở diễn. “Diễn kịch thường chỉ được lĩnh lương cố định, khoảng vài trăm cho đến vài triệu một suất tùy vai diễn. Còn đi “làm thêm” bên ngoài có khi chỉ một mẩu quảng cáo mà nhận catse gấp mấy lần tiền diễn kịch cả năm; Cho nên không khó hiểu khi một số diễn viên có chút tiếng tăm là tách sân khấu để đi hoạt động riêng. Đạo đức, lương tâm nghề bị bỏ qua vì sức hút của đồng tiền, cho nên chất lượng tác phẩm ngày càng giảm”, NSND Hồng Vân, Giám đốc Sân khấu kịch Phú Nhuận chia sẻ. Ngay cả khi muốn dựng lại những vở kịch kinh điển, các sân khấu cũng gặp khó khăn khi số lượng diễn viên giỏi nghề chỉ có giới hạn. Như trường hợp của cụm sân khấu IDECAF và Trần Cao Vân gần như “sống” nhờ vào những vở kịch có sự tham gia của NSƯT Thành Lộc. Khi nghệ sĩ Thành Lộc không có sức để chạy sô giữa hai sân khấu thì xem như một bên phải “chịu chết”. “Việc chia quân cho hai sân khấu ngày càng bất khả thi. Thế hệ diễn viên đàn anh thì đã có tuổi mà các bạn trẻ thì chưa đủ lực. Anh Thành Lộc ưu tiên diễn cho IDECAF, nên hôm nào sức khỏe anh không được tốt là xem như bên Trần Cao Vân “ế” vì vở người khác diễn không ai xem”, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc IDECAF cho biết.

sân khấu tphcm đang thoái trào2
 IDECAF là một trong những sân khấu đầu tư nghiêm túc cho chất lượng vở diễn. Ảnh: Một cảnh trong vở “Vua thánh triều Lê” với sự tham gia của NSƯT Thành Lộc.

Thiếu địa điểm, thiếu cả nội lực

Vấn đề điểm diễn ngày càng bị thu hẹp cũng là một nỗi bức xúc lớn khiến các ông, bà bầu sân khấu phải đau đầu. Hầu hết hệ thống sân khấu TP.HCM hiện nay đều phải đi thuê hội trường của các trung tâm văn hóa quận làm nơi diễn. Trong đó, rất nhiều nơi đã bị xuống cấp nặng nề như Sân khấu 5B, Sân khấu Nụ Cười Mới, Sân khấu Trần Cao Vân… Một số nơi đầu tư một địa điểm khang trang như Sân khấu Hoàng Thái Thanh thì lại ở khá xa, không thuận lợi cho khán giả đến xem.

Cạnh đó, sự phát triển về số lượng sàn diễn đôi lúc lại không đi đôi với sự đầu tư về nội lực cho kịch bản và chuyên môn của diễn viên. Các sân khấu có thương hiệu mở thêm chi nhánh cũng đồng nghĩa với việc phải san sẻ diễn viên. Kết quả là thay vì đầu tư để tạo dấu ấn riêng cho từng điểm diễn thì nhiều nơi lại chọn cách diễn cùng một vở ăn khách từ điểm này sang điểm khác, khiến diễn viên chạy sô đến “đuối”. Các vở diễn vì vậy phải liên tục thay diễn viên, thêm bớt tình tiết một cách chắp vá, tùy tiện, khiến chất lượng vở ngày càng đi xuống.

“Gốc rễ của kịch nghệ là giá trị nghệ thuật trong tác phẩm và tài năng của người diễn viên. Thời xưa, ông cha có khi chỉ mượn cái sân đình để diễn mà vẫn làm say mê biết bao thế hệ khán giả. Kiếm tiền không sai nhưng không nên mờ mắt vì nó mà hy sinh chất lượng của vở diễn. Đừng để đến một lúc công chúng quay lưng với kịch nói TP.HCM thì sẽ chẳng còn đường để quay trở lại”, bà Nguyễn Hồng Dung chia sẻ.

 Vương Giang

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.