Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 22/12/2017, 17:39 PM

Sài Gòn – những giấc ngủ “tạm bợ”

(NTD) - Khi màn đêm buông xuống, đèn đường bắt đầu lóe lên những tia sáng đầu tiên cũng là lúc người Sài Thành tìm về với gia đình, với giấc ngủ để vơi đi nỗi mệt nhọc sau một ngày hối hả chạy đua với tất bật cuộc sống. Khi cả thành phố say giấc cũng là lúc hình ảnh những người vô gia cư, lao động nghèo lầm lũi lê bước trên hè phố hay tranh thủ chợp mắt trước cổng các cửa hàng đã đóng cửa, trạm xe buýt, vỉa hè… lại hiện lên một cách rõ nét nhất.

Người phụ nữ trạc 30 tuổi, một tay chống cằm, mắt lim dim, tay kia vẫn đặt lên chiếc gối “bảo vệ” giấc ngủ của đứa trẻ đang nằm trước mái hiên một cửa hàng đã đóng cửa. Tiếng máy ảnh của phóng viên nháy lên, chị giật mình thức giấc. Tâm sự với chị, người viết lại không khỏi ngậm ngùi. Chị tên là Nguyễn Đặng Hồng Nhung (34 tuổi, quê Bình Thuận), đang làm lao công ở khu vực đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình). Tuy đã có chồng và 3 đứa con, nhưng hai vợ chồng chị vẫn chưa có nhà ở. Người chồng dẫn theo hai đứa lớn ban ngày đi phụ quán cơm gần bệnh viện, đến đêm thì ba cha con ngủ nhờ lại Bệnh viện Thống Nhất, còn chị hàng ngày bồng bế cô con gái út Thiên Kim (5 tuổi) đi khắp nơi kiếm việc, ai thuê gì làm đó để kiếm vài đồng mua sữa và đủ tiền ăn hai bữa. Đến khuya thì hai mẹ con ngủ, nghỉ ở vỉa hè hay ở cổng những quán nước đã đóng cửa, đến sáng sớm chị quét rác, dọn dẹp vệ sinh kiếm thêm thu nhập…

25353409_1958969454426312_1921006892_o
Bé Thiên Kim "say sưa" trong giấc ngủ

Câu chuyện của người viết và người phụ nữ bị ngắt quãng bởi tiếng khóc thức giấc của bé Thiên Kim - con gái chị. Dường như cô bé bị đánh thức bởi tiếng rao bán bánh bao. Cô bé ngồi phắt dậy, mắt đưa theo chiếc xe bán bánh. Chiếc xe khuất dạng, chẳng nói chẳng rằng cô bé khẽ ngả đầu vào đầu gối mẹ, lại bắt đầu chìm ngủ…

Qua đoạn đường Tôn Đản (quận 4), người đàn ông tóc hoa râm, trầm ngâm ngồi trên chiếc xe xích lô, tay cầm điếu thuốc rít dài từng hơi tâm sự với chúng tôi: “Nhà bác ở quận 5, bác vừa chở khách sang đoạn đường này, mệt mỏi nên ngồi lại nghỉ và cũng đang có ý định nằm đây ngủ để sáng sớm chạy thêm vài ba cuốc kiếm thêm ít đồng rồi về, đợi sáng bầy nhỏ đi làm sẽ về ngủ sau chứ giờ này về, nhà đông người, chật chội lắm”.

25353532_1958970831092841_1050412386_o (1)
Người đàn ông tranh thủ chợp mắt trên chiếc xe xích lô  


Đậu xe ở một góc tối ngã 3 đường Ngô Tất Tố – Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bình Thạnh), bác Nguyễn Đình Thanh tâm sự: “Bác tranh thủ giấc khuya này chạy kiếm thêm dăm ba đồng phụ tiền học cho con gái chứ công việc bảo vệ ban ngày chỉ đủ trang trải ăn uống và sinh hoạt của 2 cha con. Nhà có hai cha con, nên khổ cách mấy bác cũng phải lo cho nó ăn học tới nơi, tới chốn. Giờ nó đang học lớp 11, qua năm sang 12 rồi. Bác tranh thủ khi còn khỏe, chạy thêm, tích góp lại đợi sau này nó vào đại học còn có cái để lo”.

vgc8
Dường như việc ngả lưng nằm ngủ trên chiếc xe máy đã trở thành thói quen của bác Thanh

2h sáng, nặng nề dựng chiếc xe đạp chở đầy ve chai lên hè đường, chú Nguyễn Phi Hùng (ngụ quận 10) vội ngả lưng vào một góc tường. Vừa rít một hơi thuốc dài, người đàn ông gầy gò đưa mắt nhìn theo làn khói trắng. Thế rồi, không biết từ lúc nào chú Hùng ngủ thiếp đi, bỏ lại bao mệt nhọc và gánh nặng mưu sinh, bỏ hết những xô bồ lo toan cuộc sống. “Ngày trẻ chú ăn chơi, phá phách, bán hết nhà, hết đất theo bạn bè lang thang khắp nơi. Đến năm 34 tuổi, nhìn lại mình chẳng còn thứ gì. Mà nghề nghiệp chẳng có, đất đai bán hết rồi, đành ngậm ngùi 20 năm nay mưu sinh bằng nghề lượm ve chai. Nghĩ lại thấy hối hận quá!” – chú Hùng bùi ngùi.

25353393_1958969421092982_95723240_o
Chú Hùng hối hận về tuổi trẻ của mình

Chạy dọc các tuyến dường trên địa bàn quận 10, không khó để phát hiện dưới các hiên nhà, quán ăn, siêu thị đã đóng cửa có những mảnh đời đang thân trần chống lại cái rét những ngày đầu đông. Hình ảnh người chạy xe ôm úp chiếc mũ che hết khuôn mặt, nằm ngủ say sưa trên chiếc xe gắn máy dường như đã quá quen thuộc. Thế nhưng, mấy ai biết được vì gánh nặng mưu sinh nên giấc ngủ của họ cũng “chông chênh” như thế. 

vgc1
Còn rất nhiều người vô gia cư lang thang giữa đường phố Sài Gòn

Ngẫm: Người khác đến với Sài Gòn là để tìm kiếm sự sang giàu và nhộn nhịp, còn người vô gia cư tìm đến Sài Gòn lại khác, vì ở quê họ không có một “tấc đất cắm dùi”, tìm đến đây để trú ngụ qua ngày. Với họ, đến với mảnh đất này, cuộc sống dường như đã mất đi màu hồng, không có chỗ cho những tháng ngày vui cười, mà chỉ toàn trăn trở với "cơm áo gạo tiền". Trong cái rét lạnh đến thấu xương của những ngày cận Noel, nhiều người vô gia cư vẫn phải lang thang trên các tuyến phố, tìm một nơi chợp mắt qua đêm, để rồi sáng sớm hôm sau lại tất bật, hối hả trong nhịp sống mưu sinh, cùng với câu hỏi thường trực trong đầu: “Ngày mai có gì để bỏ vào bụng hay lại nhịn đói? Chợp mắt ở đâu giữa cái “khách sạn ngàn sao” này?”.

Quang Linh – Sông Trường

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.