Dữ liệu cũ
Thứ ba, 25/02/2014, 10:00 AM

Rủi ro cần lưu ý khi châm cứu

Châm cứu là phương pháp điều trị không thể thiếu của y dược cổ truyền, có tác dụng chữa một số bệnh. Tuy nhiên, nếu thực hành châm cứu không cẩn thận, không đúng cách thì phương pháp này có thể gây rủi ro, tai biến.

Ngày 23/2, thông tin từ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện 175, TP HCM, cho biết đang điều trị một bệnh nhân nam, 38 tuổi, ngụ ở Bình Phước, nhập viện trong tình trạng bị nhiễm khuẩn huyết và tổn thương gan nặng. Người nhà cho biết, anh đau lưng từ lâu, dịp Tết vừa rồi xuất hiện thêm tình trạng nhức mỏi chân trái. Nhiều lần đi phòng mạch tư chích thuốc giảm đau nhưng không khỏi, anh đến chữa ở một người chuyên châm cứu gần nhà. Khoảng hai giờ sau khi được châm cứu bằng kim, anh bị đau nhức dữ dội, chóng mặt, sốt cao, sức khoẻ biểu hiện nguy kịch… nên người nhà vội chuyển anh vào Bệnh viện 175.

Kết quả thăm khám, xét nghiệm phát hiện bệnh nhân bị nhiễm trùng máu kéo theo tổn thương gan nặng, sốt cao và suy kiệt do viêm xương, viêm tuỷ xương tại đầu trên xương đùi trái, nhận định do châm cứu gây ra. Sau hơn mười ngày điều trị tích cực, dùng kháng sinh mạnh, truyền máu, huyết tương và nâng đỡ thể trạng…, hiện sức khoẻ anh đã cải thiện.

Theo bác sĩ Trần Văn Năm, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM, châm cứu là tên gọi của hai hình thức khác nhau: châm (dùng kim xuyên qua da của một vùng cơ thể nhất định, gọi là huyệt), và cứu (dùng lá khô của cây ngải cứu đốt lên hơ nóng trên huyệt).

Hiện phổ biến nhiều trường phái châm cứu như: thể châm (châm các huyệt trên cơ thể); nhĩ châm (châm các huyệt trên loa tai); diện châm (châm hoặc ấn các huyệt trên mặt); túc châm, thủ châm, tỵ châm…; châm tê, trường châm, mãng châm, chôn chỉ… Mỗi loại đều có một hiệu quả nhất định trên một số dạng bệnh lý khác nhau.

Nghiên cứu của y học hiện đại đã ghi nhận châm cứu giúp phục hồi hệ kinh mạch và tăng khả năng phòng vệ của cơ thể (sức đề kháng) nên có thể phòng và trị được bệnh. Châm cứu áp dụng điều trị giảm đau trong các loại bệnh lý như: thoái hoá khớp, bệnh đĩa đệm cột sống mức độ nhẹ, đau sau chấn thương, đau đầu migrain, đau do co thắt cơ trơn…; phục hồi liệt (di chứng tai biến mạch máu não, sau chấn thương, liệt thần kinh số 7 ngoại biên…); rối loạn giấc ngủ, căng thẳng (stress); tăng cường dinh dưỡng mô, cơ, da và tổ chức dưới da (dùng trong thẩm mỹ); tăng sức đề kháng, hỗ trợ cắt cơn thiếu thuốc (thuốc lá, thuốc gây nghiện…).

“Để châm cứu có hiệu quả tốt nhất, người thầy thuốc phải được đào tạo tốt, tự tin, có sức khoẻ, tập trung khi thao tác, bảo đảm nguyên tắc vô trùng y cụ. Đối với người bệnh cũng phải tin tưởng, tâm trạng thoải mái, không quá lo sợ, không ăn quá no, quá đói”, bác sĩ Năm nói.

Dược sĩ Lê Thị Hồng Anh, thầy thuốc ưu tú, Trung ương hội Đông y Việt Nam cho biết, mặc dù châm cứu tỏ ra rất hiệu quả trong điều trị một số loại bệnh, nhưng nếu không cẩn thận dễ gây ra những rủi ro. Nếu bác sĩ châm thẳng vào dây thần kinh, có thể dẫn đến liệt, teo cơ… Giống như kim tiêm, kim châm cứu cũng có thể lây bệnh nếu dùng chung mà không được hấp, tiệt trùng đúng cách. Khi châm kim, nếu người bệnh có cảm giác rát buốt, bác sĩ phải rút kim ra ngay lập tức bởi nếu châm sai vào những huyệt nguy hiểm, châm quá sâu, có thể gây tử vong.

“Không phải ai cũng có thể chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu. Nếu thiếu hiểu biết và chưa có kinh nghiệm thì châm cứu có thể gây nhiều nguy hiểm. Để châm cứu chữa bệnh đạt hiệu quả, người bệnh chỉ nên đến bệnh viện, viện châm cứu đã có xác nhận của Bộ Y tế”, dược sĩ Hồng Anh lưu ý.

Còn theo bác sĩ Năm, những trường hợp sau cần cẩn thận hoặc chống chỉ định châm cứu: người bệnh căng thẳng, sợ kim; tránh một số huyệt nhạy cảm khi người bệnh có thai; da chai, sẹo hoặc đang viêm nhiễm; tránh các vùng có mạch máu lớn, bệnh lý rối loạn đông máu, hoặc đang dùng thuốc kháng đông máu… “Người bệnh không hợp tác cũng không nên châm cứu vì kết quả sẽ kém”, bác sĩ nói.

Theo Sài Gòn tiếp thị

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.