Rau quả sẽ là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng?

(NTD) - Trong khi xuất khẩu gạo đang gặp khá nhiều khó khăn, thì giá trị xuất khẩu rau quả có khả năng lần đầu tiên sẽ vượt gạo và cán mốc 2,5-2,6 tỷ USD/năm và nếu tận dụng hết cơ hội hoàn toàn có thể thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả gấp đôi so với hiện nay.

Xuất khẩu rau quả vượt mặt gạo?

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong vòng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu rau quả nói chung, đặc biệt là mặt hàng trái cây có sự gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, năm 2005, rau quả đã xuất khẩu và có mặt ở 36 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt kim ngạch trên 235 triệu USD. Đến năm 2015, số thị trường thâm nhập được đã tăng lên hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu hơn 1,8 tỷ USD, tăng 123% so với năm 2014 và tăng 782% so với năm 2005.

Thanh long
Xuất khẩu rau quả vẫn còn nhiều dư địa để vươn xa trên thị trường thế giới. 

Vẫn trên đà đi lên, đến hết tháng 10/2016, xuất khẩu trái cây đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu vẫn là Trung Quốc, chiếm trên 70% thị phần. Đến thời điểm này kim ngạch xuất khẩu rau quả được ghi nhận đã vượt qua kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gạo với giá trị dự kiến cả năm đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Đây là một con số bất ngờ nhưng thực tế việc đồng bộ kỹ thuật và nghiên cứu thị trường đã đem lại hiệu quả.

Điều đáng chú ý là, trong khi kim ngạch xuất khẩu trái cây liên tục gia tăng khả quan trong thời gian qua thì một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng bậc nhất của Việt Nam là gạo lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo chỉ đạt 4,2 triệu tấn với giá trị 1,9 tỷ USD, giảm trên 21% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trên thực tế, không phải tới tháng 10 mà ngay từ tháng 9 năm nay, kim ngạch xuất khẩu trái cây đã vượt mặt hàng gạo.

Trong hội thảo mới đây, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nhận định, tốc độ xuất khẩu rau quả có tín hiệu rất tốt. Bình quân chung, tăng trưởng xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay khoảng 37%/tháng. Trong năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả có khả năng lần đầu tiên sẽ vượt gạo và cán mốc khoảng 2,5-2,6 tỷ USD/năm, góp phần bù đắp cho mức tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp trong những tháng đầu năm nay.

Đánh giá đà tăng trưởng của mặt hàng này, đại diện ngành nông nghiệp cũng cho rằng, xuất khẩu rau quả tăng trưởng không những trở thành động lực thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư mà còn giúp nông dân tăng thêm thu nhập và thay đổi nhận thức trong tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Bên cạnh những thị trường truyền thống, thời gian qua ngành rau quả cũng tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường "khó tính" đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand... Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, vải thiều, xoài của Việt Nam đã đến được thị trường Úc, Mỹ và sắp tới thanh long Việt Nam cũng sẽ có mặt tại Úc.

Theo các chuyên gia trong ngành, đây là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và áp dụng đồng bộ về yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất cũng như cập nhật về các yêu cầu kiểm dịch ở các nước xuất khẩu trái cây.

Vú sữa lò rèn
Thanh long, vú sữa là một trong những mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu.

Vẫn còn nhiều dư địa để phát triển

Không dừng ở đây, theo đánh giá thì xuất khẩu ngành rau quả vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Cụ thể, trong khi gạo sẽ ngày càng đối mặt với những khó khăn. Cụ thể, gạo tiếp tục chịu sự cạnh tranh từ các thị trường cung ứng như Thái Lan, Campuchia, Malaysia... Trong khi nhờ có khí hậu đặc biệt, các loại trái cây của ta mang bản sắc riêng nên không rơi vào tình cảnh tương tự. Với thị trường rộng mở, nếu nỗ lực giải quyết thấu đáo các bất cập, xuất khẩu trái cây trong tương lai hoàn toàn có thể nâng lên mức 5 tỷ USD/năm chứ không chỉ là con số 2,5 tỷ USD.

Theo Ban Chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), việc khơi thông những thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada... đã mang lại lợi ích kép vừa giúp nông dân thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, vừa tránh cho trái cây Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường như trước. Tuy nhiên, muốn giữ được điều này một cách bền vững, việc cần làm còn khá nhiều, đặc biệt là cần có chiến lược đầu tư bài bản khâu hậu cần. Hiện nay, Việt Nam rất thiếu hệ thống bảo quản rau quả phục vụ xuất khẩu như kho lạnh, xe tải lạnh, các đơn vị logistics... Doanh nghiệp nào tìm kiếm được đơn hàng xuất khẩu đều phải chủ động tìm cách đầu tư.

Một vấn đề nữa mà ngành rau quả Việt Nam cần phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại như quy mô canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng an toàn thực phẩm chưa cao... Muốn vậy, ngành hàng trái cây cần được sản xuất theo những mô hình hợp tác xã kiểu mới, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng như nghiên cứu phát triển trái cây hữu cơ hướng tới xuất khẩu cũng là điều mà các doanh nghiệp phải nghiêm túc tính đến.

Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất đối với ngành rau quả hiện nay là những quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Do đó, các chuyên gia cũng nhận định, để xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh, song song với kiểm soát chất lượng trồng trọt rau quả trong nước, các doanh nghiệp cần bám sát những quy định nhập khẩu của các thị trường.

Vân Lam 

NTD So 75 (280)_Page_15
 

Bình luận

Nổi bật

Xót xa cảnh học nhờ ở nơi 20 năm chưa từng có trường mầm non

Xót xa cảnh học nhờ ở nơi 20 năm chưa từng có trường mầm non

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 14:46

(CL&CS) - Đường đến điểm trường Hoàng Lan, huyện Quảng Bạ, tỉnh Hà Giang hiểm trở, gập ghềnh, càng vào sâu càng khó di chuyển. Nhưng ở nơi sâu thẳm giữa núi rừng ấy 50 em bé mầm non vẫn hằng ngày đến lớp dù cho hơn 20 năm qua nơi đây chưa từng có trường mầm non.

Câu chuyện khi nào bất động sản nghỉ dưỡng “thôi nghỉ dưỡng” vẫn còn nan giải?

Câu chuyện khi nào bất động sản nghỉ dưỡng “thôi nghỉ dưỡng” vẫn còn nan giải?

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:28

Mặc dù không thể phủ nhận những điểm tích cực đối với bất động sản nghỉ dưỡng sau hàng loạt những động thái vào cuộc của chính phủ, đặc biệt là nỗ lực tháo gỡ khó khăn về pháp lý. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

[Inforgraphic] 5 huyện vùng ven Hà Nội sắp tổ chức đấu giá đất trong tháng 5/2024

[Inforgraphic] 5 huyện vùng ven Hà Nội sắp tổ chức đấu giá đất trong tháng 5/2024

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:25

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các huyện ven Hà Nội đã tổ chức nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở và thu được số tiền lớn cho ngân sách nhà nước. Đầu tháng 5, gần 100 lô đất tại các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên cũng sẽ được đem ra đấu giá, trong đó lô cao nhất có giá khởi điểm là 75,4 triệu đồng/m2.