Thứ ba, 06/08/2024, 15:48 PM

Phát hiện thủ đoạn mới hòng nhập khẩu hàng vi phạm sở hữu trí tuệ

(CL&CS) - Nộp hồ sơ để đăng ký nhãn hiệu (cho hàng giả mạo) để nhập khẩu hàng hóa có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về Việt Nam, tuy nhiên, hành vi này đã được lực lượng Hải quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Đại diện Đội 4 trong buổi làm việc với Công ty TNHH Blum Việt Nam ngày 31/7/2024. Ảnh: Đội 4

Đại diện Đội 4 trong buổi làm việc với Công ty TNHH Blum Việt Nam ngày 31/7/2024. Ảnh: Đội 4

Chiêu phù phép cho hàng hóa vi phạm

Thực hiện Kế hoạch 1244/KH-TCHQ ngày 26/3/2024 của Tổng cục Hải quan về việc kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024, Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) đã chủ động nắm tình hình và triển khác các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ vi phạm. Đặc biệt, đơn vị tập trung vào đối tượng trọng điểm, mặt hàng trọng điểm và tuyến đường trọng điểm theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan.

Về kết quả đấu tranh, từ đầu năm đến nay, Đội 4 đã phát hiện 16 vụ việc có liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ. Điển hình ngày 20/6/2024, Đội 4 đã chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 (Cục Hải quan Hải Phòng) kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có dấu hiệu nghi vấn.

Theo thông tin khai báo của doanh nghiệp nhập khẩu (có trụ sở tại Yên Bái), hàng hóa là bản lề dùng cho tủ bếp hiệu BLUMaxi.

Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa và kết luận giám định cho thấy toàn bộ hàng hóa là bản lề dùng cho tủ bếp hiệu BLUMaxi đã xâm phạm nhãn hiệu BLUM – đây là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Tổng số hàng hóa vi phạm lên đến 117.200 sản phẩm.

Đáng chú ý, quá trình xử lý vụ việc, Đội 4 phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu đã nộp hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam cho hàng hóa là bản lề dùng cho tủ bếp nhãn hiệu “BLUMAXI”. Hồ sơ của doanh nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, cơ quan này chưa cấp Giấy chứng nhận bảo hộ cho nhãn hàng “BLUMAXI”.

Theo đại diện Đội 4, đây là một trong những thủ đoạn mới của các đối tượng vi phạm liên quan đến lĩnh vực nhập khẩu hàng hoá về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Bởi, nhãn hiệu “BLUMAXI” (toàn bộ các chữ đều viết hoa thì không vi phạm sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu đã được bảo hộ là BLUM). Tuy nhiên, thực tế trên sản phẩm hàng hóa nhập khẩu lại thể hiện chữ “BLUMaxi” (3 chữ a, x và i viết thường trong nhãn hiệu này lại vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ là BLUM).

Do đó, quá trình xử lý, nếu cơ không nghiên cứu cụ thể, tỉ mỉ quy định và căn cứ thực tế hàng hóa sẽ rất khó để phạt hiện ra thủ đoạn che giấu hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý theo quy định.

Thời gian tới để thực hiện Kế hoạch 1244/KH-TCHQ đạt kết quả cao hơn nữa, Đội 4 sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cũng như vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan nói chung.

Hàng vi phạm gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chân chính

Trước việc cơ quan Hải quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nêu trên, ngày 31/7/2024 vừa qua, ông Albrecht Bartolein, Tổng giám đốc Công ty TNHH Blum Việt Nam, chủ thể quyền nhãn hiệu BLUM đã có buổi gặp mặt với Cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 4) để trao đổi, cảm ơn cơ quan Hải quan đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu BLUM tại Việt Nam.

Chia sẻ thêm với phóng viên, bà Hoàng Bích Ngọc, Trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH Blum tại Hà Nội cho hay, vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền sở hữu trí tuệ của hãng Blum đối với hàng hóa và thương hiệu của hãng trên thị trường; gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa của hãng trên thị trường Việt Nam; ảnh hưởng tới thị phần và doanh thu của hãng trên thị trường trong một số trường hợp với hàng buôn lậu.

Vì vậy, vụ việc bắt giữ lô hàng nhãn hiệu BLUMaxi - xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của hãng BLUM đã đóng góp vào việc nâng cao kiểm soát và thu giữ hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của BLUM tại thị trường Việt Nam. Qua đó, từng bước giảm dần những vi phạm lặp lại tương tự trong tương lai của các đối tượng chuyên kinh doanh mặt hàng này trên thị trường.

Vụ bắt giữ vừa qua cũng giúp hãng tin tưởng hơn vào tính hiệu quả và năng lực chuyên môn của cơ quan chức năng trong quá trình phối hợp điều tra bắt giữ các trường hợp vi phạm. Đồng thời tạo thuận lợi cho hãng trong quá trình kinh doanh tại thị trường Việt Nam khi vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dần được các cơ quan chức năng lưu tâm xử lý, giúp giảm hàng hóa kém chất lượng trên thị trường...

Bà Hoàng Bích Ngọc, Trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH Blum tại Hà Nội:

Cần có quy định xử phạt nghiêm minh hơn nữa đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng lậu

Cơ quan Hải quan có vai trò rất quan trọng trong quá trình đấu tranh với các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ. Bởi hầu hết hàng hóa đưa vào thị trường Việt Nam đều thông qua 2 con đường chính (nhập khẩu chính ngạch và nhập tiểu ngạch). Cơ quan Hải quan là hàng rào đầu tiên bảo vệ thị trường Việt Nam khỏi hàng hóa kém chất lượng thông quan vào thị trường và thu giữ những lô hàng kém chất lượng, giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu lớn trên thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam.

Qua quá trình làm việc với các cơ quan chức năng nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng, chúng tôi nhận thấy việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam khá phức tạp về hành vi, phương thức, thủ đoạn và mô hình… của các cá nhân, công ty đang kinh doanh loại hình hàng hóa này.

Để đấu tranh hiệu quả, chúng tôi kiến nghị cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các cơ quan chức năng bao gồm: Hải quan, Quản lý thị trường, Công an và cả doanh nghiệp là chủ thể sở hữu các nhãn hiệu chính hãng.

Về phần giám định hàng hóa hoặc giám định nhãn hàng vi phạm, cần có sự đồng bộ hơn giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan giám định quyền sở hữu trí tuệ và cơ quan đăng kí bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ. Thực tế có sự thiếu đồng bộ về ý kiến phê duyệt đăng kí quyền sở hữu trí tuệ giữa các cơ quan chức năng liên quan khiến thời gian giám định và xử lý sự việc bị kéo dài.

Ngoài ra, chúng tôi đề nghị cần có quy định xử phạt nghiêm minh hơn nữa đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, như: tăng hình thức xử phạt bằng tiền cho mỗi lần vi phạm, rút giấy phép kinh doanh sản phẩm cùng chủng loại nếu tiếp tục vi phạm lần 2.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Bị chiếm quyền điều khiển điện thoại khi truy cập vào đường link do shipper gửi

Bị chiếm quyền điều khiển điện thoại khi truy cập vào đường link do shipper gửi

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:14

(CL&CS) - Thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng (shipper) gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng với nhiều phương thức tinh vi hơn.

Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng

Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 18:08

(CL&CS)- Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành 03 văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm này cũng đã bị Bộ Y tế thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc.

Thu hồi, tiêu hủy mỹ phẩm kém chất lượng của Công ty mỹ phẩm Nhật Việt

Thu hồi, tiêu hủy mỹ phẩm kém chất lượng của Công ty mỹ phẩm Nhật Việt

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:08

(CL&CS)- Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ban hành công văn số 3718/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Công ty TNHH một thành viên sản xuất và thương mại mỹ phẩm Nhật Việt.