Dữ liệu cũ
Thứ ba, 10/12/2013, 17:53 PM

Ông Andy Hồ: ‘Chứng khoán VN đang hấp dẫn khối ngoại’

Nguyên nhân chính là kinh tế vĩ mô đã ổn định trở lại, mức định giá doanh nghiệp niêm yết vẫn thấp hơn so với khu vực và đề xuất nới room khối ngoại có khả năng sớm được áp dụng.

Theo ông Andy Hồ – Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư tại VinaCapital, thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là nơi đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì kinh tế vĩ mô ổn định trở lại với tăng trưởng dần hồi phục. Thông tin Chính phủ đang xem xét nới room sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tại các nhà băng đang được bàn luận khá sôi nổi.

- Ông đánh giá thế nào về đề xuất nới room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán?

- Việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khởi xướng từ đầu năm. Thời gian qua, các nhà đầu tư cũng chờ đợi tích cực. Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ đề xuất mở room này. Bởi việc mở room từ 49% lên 60% sẽ tạo điều kiện cho khối ngoại gia tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được xem là nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì kinh tế vĩ mô ổn định trở lại. Đồng thời tăng trưởng dần hồi phục, mức định giá các công ty niêm yết thấp hơn so với khu vực cùng tiềm năng tăng trưởng cao của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều công ty hiện đã hết room và hạn chế khả năng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư mới. Theo thống kê, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 200 triệu USD giá trị cổ phiếu Việt Nam qua 11 tháng đầu năm. Trong khi đó, dòng vốn nước ngoài lại rút ra khỏi một số thị trường trong khu vực.

- Có ý kiến cho rằng nếu áp dụng, dường như việc nới room chỉ tác động lên nhóm cổ phiếu tốt vốn đã được khối ngoại ưa chuộng trong thời gian qua. Ông bình luận thế nào về ý kiến này?

- Cũng không hẳn là vậy. Nếu quy định về nới room nước ngoài được thông qua, nhóm khoảng hơn 20 cổ phiếu với nền tảng hoạt động tốt vốn được khối nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng sẽ là lựa chọn để mua trước tiên.

 Việc này đưa các cổ phiếu này lên một mặt bằng giá mới. Các cổ phiếu khác trong cùng ngành vì thế trở nên rẻ hơn và nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài) cũng sẽ có xu hướng mua thêm trên các cổ phiếu đó. Ngoài ra, tin tức về việc mở room và  nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng sẽ tạo tâm lý tốt chung cho toàn thị trường.

- Ông đánh giá như thế nào về rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải khi nới room?

- Một tác động chính trong trung hạn là việc mở đường cho các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đối với những doanh nghiệp có ý định bán cổ phần chi phối cho nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là cổ đông trong nước, sẽ cân nhắc về khả năng thâu tóm hoặc bị thâu tóm và các lợi ích, cũng như ảnh hưởng từ việc bị thâu tóm ở phía nhà đầu tư nước ngoài trước khi biểu quyết thông qua vấn đề này.

Quyền kiểm soát tại các công ty có thể chuyển qua nhà đầu tư nước ngoài và một số ít cổ đông chiến lược ngoại nắm giữ tới 60% sở hữu công ty. Khi đó, hội đồng quản trị sẽ có hơn 50% thành viên là đại diện cho cổ đông nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ nắm quyền chi phối các quyết định tại hội đồng quản trị.

Tuy nhiên quyền kiểm soát này vẫn có giới hạn. Đối với các vấn đề cần biểu quyết tại đại hội cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ vì cần sự đồng thuận của ít nhất 65% hoặc 75% cổ đông.

- Với con số nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng lên tới hơn 140.000 tỷ đồng vừa công bố, ông đánh giá thế nào về đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu tại các nhà băng?

- Con số này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – ông Lê Minh Hưng công bố tại Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam (VBF) vừa diễn ra tại Hà Nội và cũng là mức ước lượng của cơ quan này về tổng nợ xấu còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng. Do đó, đây là số liệu chính thức hiện nay.

Một số nhà phân tích trong và ngoài nước đưa ra con số ước tính cao hơn về khối lượng nợ xấu tại các ngân hàng thương mại. Vì vậy, chúng tôi nghĩ việc triển khai Thông tư 02 có tầm quan trọng rất lớn, vì Thông tư này sẽ yêu cầu tất cả các ngân hàng sử dụng các chỉ tiêu tín dụng đồng bộ và khắt khe hơn để phân loại nợ xấu. Chúng tôi rất hy vọng rằng Thông tư 02 sẽ được đưa vào thực hiện thuận lợi trong tháng 6/2014.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy dự thảo nâng trần sở hữu nước ngoài ở các ngân hàng lên trên 30% sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực. Khi đó, hệ thống ngân hàng sẽ nhận thêm nhiều lợi ích, không chỉ từ việc có thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài mà còn là tiếp nhận thêm công nghệ phát triển, các công cụ quản lý rủi ro có chất lượng cao hơn, cũng như kinh nghiệm quản lý từ các đối tác chiến lược nước ngoài.

Theo quan sát của VinaCapital, các ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém hiện đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tái cấu trúc. Do đó, việc tăng trần sở hữu nước ngoài sẽ giúp những đơn vị này thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và nhận được rất nhiều lợi ích để hoạt động lành mạnh hơn.

Theo Diễn đàn Đầu tư

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.