Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 17/09/2016, 06:22 AM

Ô nhiễm môi trường tại TP.HCM, khi nào nắm trách nhiệm được “ông có tóc”?

(NTD) - Ngày 14/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp đánh giá về tình trạng ô nhiễm môi trường TP.HCM... Ông Phong cũng nhấn mạnh việc làm rõ trách nhiệm từng ngành, sở, quận huyện... trước tình trạng trên.

Chỗ nào cũng ô nhiễm nặng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM, các nguồn gây ô nhiễm hiện nay là ô nhiễm do nước thải, ô nhiễm nước mặt, ô nhiễm không khí, ô nhiễm do chất thải rắn. Cũng theo Sở TN-MT, lượng nước sử dụng trên địa bàn thành phố (TP) khoảng 2,8 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, TP chỉ có 1 nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 141.000 m3/ ngày là nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng cùng hồ sinh học Bình Hưng Hòa công suất 30.000 m3/ngày. “Chính lượng nước thải sinh hoạt chưa được xử lý là nguyên nhân lớn góp phần gây ô nhiễm kênh rạch trên địa bàn TP” - lãnh đạo Sở TN-MT nêu.

Nguyên nhân gây ô nhiễm: Tuyến kênh rạch ở khu vực nội thành chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải đô thị và nước thải của các cơ sở sản xuất chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt chuẩn xả ra các tuyến kênh nội thành. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Dân số đông, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường còn hạn chế, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt còn xả trực tiếp xuống kênh rạch làm ảnh hưởng đến mỹ quan và vệ sinh môi trường đô thị. Các kênh bị ô nhiễm như: Rạch Bình Thọ (Q.9, Thủ Đức), suối Nhum - Xuân Trường - suối Cái (Q.9, Thủ Đức); kênh Ba Bò; kênh Thầy Cai - An Hạ...

Cuối tháng 8 vừa qua, Sở TN-MT TP.HCM cũng đã tổ chức Hội thảo hiện trạng môi trường TP.HCM 5 năm giai đoạn 2011-2015 do ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường chủ trì. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành, Phòng Tài nguyên và Môi trường 24 quận, huyện, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn. Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Nhiệt đới Môi trường, báo cáo và phân tích về hiện trạng môi trường tại TP.HCM giai đoạn 2011-2015 bị ô nhiễm chủ yếu là do tác động từ ô nhiễm môi trường nước thải của các khu công nghiệp thải ra, khí thải, bụi, tiếng ồn từ các hoạt động giao thông gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, TP còn bị ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm từ chất thải rắn, chất thải nguy hại, rác thải y tế. Đồng thời một số kênh, rạch tại TP bị ô nhiễm môi trường nước mặt do các tác động của con người và với sức ép từ chất thải nông nghiệp như các loại thuốc bảo vệ thực vật dùng trong trồng trọt. Ngoài các nguyên nhân trên môi trường TP còn bị ô nhiễm do áp lực từ các hoạt động xã hội gây ra và do biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, con người.

Hội thảo cũng ghi nhận được một số ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự như: Tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Các dự án công trình đầu tư xây dựng mới bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Tăng cường đầu tư, đồng thời có các cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực bảo vệ môi trường.

47
Rác thải làm nghẹt dòng con kênh Tham Lương (Q.12).

Tìm các giải pháp căn cơ

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, TP.HCM muốn khắc phục nạn ô nhiễm môi trường thì phải thực hiện một cách đồng bộ, căn cơ các giải pháp:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lí hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Mặt khác, cần xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn với con người.

Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.

Ba là, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, các đô thị, bảo đảm tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý môi trường nói riêng. Đối với các khu công nghiệp, cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, phân tích môi trường tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải, rác thải tại đó.

Bốn là, chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư. Việc quyết định các dự án đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài. Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội.

48
Rác thải tràn lan một khu dân cư tại huyện Hóc Môn.

 Quốc Định

 

_NTD_So 66_6
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.