Dữ liệu cũ
Thứ tư, 22/04/2015, 14:00 PM

Nông sản Việt ế ẩm, Hàng Trung Quốc ngập chợ

(NTD) - Trong khi nông sản Việt như dưa hấu, hành tím... ế ẩm, rớt giá thì tại nhiều chợ đầu mối và các siêu thị, hàng Trung Quốc lại tiêu thụ tốt, giá cả đắt hơn nông sản Việt Nam.

Nông sản Việt ế ẩm vì mẫu mã, chất lượng không đồng đều

Mới đây, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Kiểm dịch thực vật vùng VII (Cục Bảo vệ Thực vật) tại Lạng Sơn, cho biết: Nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc qua Lạng Sơn giảm dần từng năm. Đồng thời, nông sản Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này lại tăng mạnh. “Năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 600 nghìn tấn rau củ quả từ Trung Quốc, nhưng xuất khẩu tới gần 2 triệu tấn. Vụ dưa hấu vừa rồi, giá trị nông sản xuất khẩu gấp 20 lần nhập khẩu, mặc dù lượng dưa năm nay thấp hơn năm ngoái”, bà Hà nói.

Theo cơ quan Kiểm dịch thực vật vùng VIII (Cục Bảo vệ Thực vật) tại Lào Cai, trước đây, rau quả nhập từ Trung Quốc qua Lào Cai khoảng 10-20 xe/ngày, nhưng gần đây trong cảnh đìu hiu.

Tuy nhiên, con số thống kê này lại ngược lại với thực tế. Qua khảo sát của phóng viên, hàng nông sản Việt ế ẩm, dưa hấu đổ đống cho trâu bò ăn, hành tím ủ làm phân... trong khi đó, nông sản Trung Quốc vẫn tràn ngập chợ đầu mối, siêu thị.

nong san trung quoc2
Hành tây Việt (trái) và hành Trung Quốc (phải). Ảnh: Hồng Châu.

Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), mỗi ngày có hàng chục xe tải chở các loại nông sản khô từ biên giới về tiêu thụ. Đây cũng là thủ phủ tập kết hàng Trung Quốc, tỏa đi các chợ dân sinh ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh... Các quầy hàng chất đống những bao tải chứa nông sản vẫn còn nguyên tem xuất xứ từ Trung Quốc.

Chị Ngô Bình, chủ sạp hàng nông sản khô ở chợ Long Biên cho biết: “Hành, tỏi Trung Quốc to, đều, dễ bóc, còn hành, tỏi của mình bé, gừng xù xì, xấu mã, không ai hỏi”. Chỉ vào hơn chục bao gừng, tỏi và hành (20kg/bao), có chữ Trung Quốc, chị Bình nói, số hàng này chuẩn bị được chuyển đi Bắc Ninh tiêu thụ.

Trước đây, mỗi ngày sạp hàng chị Bình tiêu thụ hàng trăm bao hành, tỏi, gừng, nay số lượng giảm đi một nửa. “Bây giờ các chợ đầu mối đều buôn hàng Trung Quốc. Mặt hàng này tăng giá từng ngày. Hiện, tỏi Trung Quốc giá 30.000 đồng/kg, hành 35.000 đồng/kg, gừng 20.000 đồng/kg, gấp đôi năm ngoái”, chị Bình nói. Vậy mà hành ta đang vào mùa, giá chỉ có 15.000/kg. Còn tỏi, gừng của ta, giá cao hơn hàng Trung Quốc không đáng kể.

Các mặt hàng nông sản khác như hành tây, hành củ, tỏi, súp lơ Trung Quốc bán tràn lan dù nhiều mặt hàng có giá cao hơn hàng Việt Nam. Tại chợ Gia Lâm, hành tây Trung Quốc có giá 10.000 đồng một kg, còn Việt Nam là 8.000-10.000 đồng. Súp lơ xanh Trung Quốc 40.000 đồng một kg, đắt hơn hàng Việt 5.000 đồng.Hành tím Việt Nam đang rớt giá chỉ còn 15.000 đồng một kg, trong khi hành Trung Quốc 25.000 đồng một kg và tỏi 30.000 đồng.

nong san trung quoc1
Tỏi Trung Quốc củ to đều, dễ bóc vỏ. Ảnh: Hồng Châu.

Chị Hoa, tiểu thương tại chợ Văn Thánh cho biết thường lấy hành tây, súp lơ, tỏi của Trung Quốc nhiều hơn hàng trong nước, do giá cả ổn định, ít lên xuống hơn. “Hành Đà Lạt chỉ có theo mùa (tháng 3-4 đầu năm) giá lúc thì cao chót vót, khi rẻ như cho. Năm nào nông dân trồng ít thì thiếu hàng, năm nào trồng ồ ạt lại tồn đọng nên giá cả không ổn định. Trong khi đó, hàng lấy về nếu không bán hết rất dễ bị hỏng”, chị Hoa giải thích.

Chị biết thêm, súp lơ trắng và xanh ở chợ đa phần là hàng Trung Quốc vì hình dáng đẹp. Ngược lại, súp lơ xanh Việt Nam cọng dài, nhỏ lại dễ dập, khó giữ lâu.

Bà Lan, một tiểu thương khác cho biết hành tây Việt củ nhỏ, thiếu đồng đều, hay bị ướt nên khi vận chuyển dễ bị dập nát. Trong khi đó hàng Trung Quốc củ to tròn, mẫu mã đẹp lại được sấy khô nên để được lâu. Còn đối với tỏi, tép tỏi miền bắc nhỏ, khó bóc giá lại cao chót vót, trong khi đó, tỏi Trung Quốc giá chỉ bằng một phần ba, củ to tròn.

Anh Hòa, thương lái chuyên buôn hành tỏi ở chợ đầu mối  cho hay "đánh hàng" Trung Quốc lời hơn không chỉ vì giá và lượng hàng ổn định, mà khách mua chủ yếu là nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp với số lượng lớn. Trong khi lượng giao đối với tỏi, hành tây Trung Quốc lên tới hàng tấn, anh Hòa cho biết chỉ bán được vài chục kg, cùng lắm là 2-3 tạ hàng Việt. Các sạp hàng khi thu gom hàng nội cũng rất kén chọn, chỉ lọc những loại ngon vì sản phẩm thiếu đồng đều.

Giải pháp nào cho nông sản Việt Nam?

Tới đây, thông tư 12 của Bộ NN&PTNT (có hiệu lực từ ngày 5/5 sẽ tăng cường “siết” chặt an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rau củ quả nhập khẩu. Trước đây, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, chỉ áp dụng biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn. Nhưng nay, một mặt hàng nếu 3 lần vi phạm (không cần xác định Cty nào xuất, nhập) sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra chặt toàn bộ mặt hàng đó của nước xuất khẩu. Nếu vi phạm, phải chờ kết quả kiểm nghiệm an toàn mới được thông quan. Thậm chí, khi vi phạm tới 5 lần, có thể sẽ bị cấm nhập khẩu.

Về vấn đề nông sản ách tắc tại cửa khẩu, Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giải quyết câu chuyện này cũng cần thiết, nhưng việc điều tiết đầu ra cho nông sản ở thị trường trong nước còn quan trọng hơn. “Nông sản vượt đường xa, chờ đợi nửa tháng ròng ở cửa khẩu, giá xuất sang vẫn chỉ 3-7 nghìn đồng/kg, trong khi ở trong nước bán rẻ nhất cũng 10 nghìn đồng/kg. Vậy tại sao, chúng ta không giải bài toán kéo dài nhiều năm này ngay trên “sân nhà”?”, ông Long đặt vấn đề.

Theo ông Long, chuyện nông sản cứ được mùa là mất giá, phải đổ bỏ là điệp khúc đã tồn tại bao năm nay. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề tổ chức các kênh phân phối hàng nông sản chưa tốt. “Nông sản từ ruộng tới chợ hoặc siêu thị hiện nay phải qua quá nhiều kênh trung gian, người dân vì thế thường bị ép giá ở mức thấp nhất, lợi ích thuộc về nhà buôn, thương lái. Điều này cho thấy kế hoạch phát triển và tiêu thụ hàng nông sản của quốc gia chưa chuẩn”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ với báo Tiền Phong: dưa hấu, thanh long ùn tắc tại cửa khẩu, hành tím, hành tây, ớt, tỏi… của nông dân ê hề, phải đổ bỏ luôn là câu chuyện nóng bỏng.

Nhưng cuối cùng chẳng ai lo, chẳng ai chịu trách nhiệm mà để mặc cho nông dân gánh hậu quả. Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT giống như đang đứng ngoài cuộc. “Trong khi đó, chương trình xúc tiến thương mại hằng năm “ngốn” không ít tiền... Vậy tiền đó đi đâu”, ông Ngọc nêu vấn đề.

Theo ông Ngọc, việc chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước phải có địa chỉ, rõ trách nhiệm, từ sản xuất đến tiêu thụ. “Phải khuyến khích doanh nghiệp nhảy vào liên kết với nông dân, rồi công nghệ, giống chế biến, đóng gói... Các địa phương cũng cần định hướng, khuyến cáo nông dân chủ động, không thể cứ trồng được là trồng, đầu ra không biết ở đâu”, ông Ngọc cho hay.

Thông tin chi tiết về người tiêu dùng, độc giả có thể tham khảo tại đây

HG

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.