Dữ liệu cũ
Thứ hai, 27/07/2015, 06:41 AM

Nới room khối ngoại: Thời cơ lớn của Vinamilk?

(NTD) - Sau khi Bộ Tài chính ban hành Nghị định 60 liên quan đến việc nới room cho khối ngoại, một vấn đề được đặt ra là liệu rằng CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) có tận dụng được cơ hội này để từng bước giảm tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại đây.

Vinamilk sữa
Vinamilk là một trong số các doanh nghiệp niêm yết có vốn Nhà nước lớn đang hoạt động khá hiệu quả.

Nghị định số 60/2015/NĐ-CP liên quan đến tỷ lệ tham gia sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp khối ngoại gia tăng sở hữu các công ty đại chúng tại Việt Nam, tỷ lệ sở hữu có thể lên đến 100%.

Theo đó, hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều được nới room tối đa 100%, ngoại trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.

Mặc dù hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng kỳ vọng về nới room cho khối ngoại đã giúp giao dịch trên thị trường diễn ra khá khởi sắc, nhất là đối với nhóm cổ phiếu kín room và các cổ phiếu ngành chứng khoán.

Phạm vi bài viết này đề cập tới một doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành sữa tại Việt Nam là Vinamilk cùng cơ hội mà DN này có thể tận dụng từ nghị định nói trên trong thời gian tới.

Kết thúc quý 1/2015, Vinamilk tiếp tục đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Doanh thu tăng 13% so với quý 1/2014, đạt 8.716 tỷ đồng. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp tăng 28% và đạt 3.109 tỷ đồng. Kết quả này là do công ty thay đổi tỷ trọng và cơ cấu các nhóm sản phẩm bán ra theo hướng tập trung vào các nhóm có hiệu quả cao hơn. Thêm vào đó mức thuế suất của công ty mẹ cũng giảm so cùng kỳ.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên, cổ phiếu Vinamilk luôn khá “hot” đối với các nhà đầu tư nội lẫn ngoại. Riêng đối với khối ngoại, việc tăng tỷ lệ sở hữu tại đây là không thể vì đã hoàn toàn kín room. Hiện trong cơ cấu cổ đông của Vinamilk, cổ đông tổ chức nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu lớn nhất là SCIC với 45,08%. Tỷ lệ này mang lại khoản cổ tức lên tới hàng ngàn tỷ đồng cho SCIC hàng năm, thế nên Vinamilk vẫn thường được ví như “con bò sữa” quý giá của SCIC.

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk.

“Chúng tôi đang chờ những thông tư hướng dẫn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Sữa cũng không phải ngành hàng gì đặc biệt, và nó cũng không bị hạn chế về kinh doanh. Các nhà đầu tư nước ngoài thường đầu tư 100% vốn giúp xây dựng các công ty tại Việt Nam, đặc biệt là những công ty niêm yết thì tôi thấy việc mở room 100% cũng không có vấn đề gì”, bà Liên chia sẻ.

Vì vậy, nếu Vinamilk được chấp nhận mở room cho khối ngoại, điều mà nhiều người quan tâm nhất có lẽ là động thái từ SCIC. Cụ thể hơn, liệu đơn vị đại diện phần vốn Nhà nước này có chịu thoái dần vốn khỏi Vinamilk để mở đường cho khối ngoại có thể tăng vốn đầu tư tại đây. Khả năng xảy ra điều này là rất khó vì SCIC không thể dễ dàng buông “con bò sữa” của mình.

Tất nhiên, là cổ đông tổ chức lớn nhất tại Vinamilk, tiếng nói của SCIC có tầm ảnh hưởng lớn và họ luôn muốn “lái con bò sữa” này theo cách mà họ muốn. Tuy là chuyện nội bộ của Vinamilk, nhưng không ít người ngoài cuộc đều biết rõ cuộc đối đầu giữa SCIC và các cổ đông nhỏ lẻ luôn âm ỉ trong suốt thời gian qua.

Còn nhớ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2015 của Vinamilk, các cổ đông đã phủ quyết toàn bộ đề xuất của SCIC, nhưng lại thông qua các nội dung quan trọng khác như kế hoạch doanh thu 2015 là 38.424 tỷ đồng (tăng 9,9%); lãi ròng 6.830 tỷ đồng (tăng 12,6%); cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế.

Và điều dễ dàng nhận thấy nhất, 2/3 nội dung đề xuất của SCIC tại ĐHCĐ 2015 đều ít nhiều nhắm vào bà Liên khi thời điểm nghỉ hưu của bà dự kiến sẽ diễn ra trong năm sau (bà Liên sinh năm 1953).

Cụ thể, 40,89% số cổ phần có quyền biểu quyết đã không thông qua đề xuất thứ nhất của SCIC đối với trường hợp đương nhiệm sẽ mất tư cách thành viên HĐQT khi thành viên đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông tổ chức. Tại ĐHCĐ 2015, bà Liên cũng cho biết, sẽ không tiếp tục đại diện phần vốn Nhà nước mà SCIC đang quản lý gồm 75.146.400 cổ phiếu (7,51%) sau khi nghỉ hưu. SCIC đã đưa ra đề xuất mà ai cũng hiểu là gần như muốn bà Liên từ bỏ tư cách thành viên HĐQT Vinamilk trong năm tới. Chưa hết, mâu thuẫn giữa SCIC với các cổ đông nhỏ lẻ còn được thể hiện thông qua quyết định

Của SCIC nhằm ngăn chặn việc phát hành cổ phiếu thưởng (ESOP) tại các kỳ ĐHCĐ trước đây. Năm nay, các cổ đông còn lại đã “ăn miếng trả miếng” sòng phẳng khi phủ quyết toàn bộ các đề xuất của SCIC. Chắc chắn SCIC sẽ không chấp nhận tình trạng này với vị thế là cổ đông tổ chức lớn nhất tại Vinamilk.

Hiện mức cổ tức bằng tiền mà SCIC nhận được từ Vinamilk luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của tổng công ty. Trong khi đó, SCIC không hề mất công sức gì trong việc điều hành, quản lý doanh nghiệp. Quan trọng hơn, vốn Nhà nước ở Vinamilk luôn được bảo toàn. Nhưng SCIC sẽ chưa dừng lại tại đây vì mục tiêu lớn hơn của họ nhiều khả năng sẽ tập trung vào thời điểm trước và sau khi bà Liên về hưu dự kiến sẽ diễn ra trong năm sau.

Cuộc chiến giữa SCIC và các cổ đông nhỏ lẻ vẫn đang tiếp tục. Nó dự kiến sẽ bước sang giai đoạn mới có thể gay cấn hơn sau khi vấn đề nới room cho khối ngoại tại Vinamilk được triển khai trong thời gian tới. Khi đó, thế trận giữa SCIC với các cổ đông nhỏ lẻ sẽ càng rõ ràng hơn và nó cũng sẽ có liên quan mật thiết tới quá trình tìm kiếm người kế nhiệm bà Liên có thể diễn ra trong năm sau.

Cổ phiếu VNM tiếp tục “hút hàng”

VNM luôn được đánh giá là một trong những mã cổ phiếu “hot” nhất trên thị trường chứng khoán. Trong một lần chia sẻ với các nhà đầu tư tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), vị đại diện Vinamilk cho biết, công ty mới được cấp phép đầu tư thêm 5,25 triệu NZD (gần 76,7 tỷ đồng) vào Miraka Limited, một trong những nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào chính cho Vinamilk ở New Zealand, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên mức 22,8%. Bên cạnh đó, khoản đầu tư này có tỷ suất hoàn vốn nội bộ khá cao, khoảng 20% và đã bắt đầu ghi nhận lợi nhuận dương.

Hiện có hai thông tin quan trọng giúp giá cổ phiếu Vinamilk luôn ổn định. Một là việc công ty chi trả 40% cổ tức bằng tiền mặt và 20% cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2014. Hai là triển vọng từ nhà máy Angkormilk tại Campuchia mà Vinamilk đang nắm 51% cổ phần chi phối. Báo cáo gửi đến các nhà đầu tư của các chuyên viên phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu rõ: “Mức giá hiện tại đã phản ánh tương đối đầy đủ các yếu tố cơ bản của Vinamilk. Điểm tích cực là công ty này vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về thị phần trong các phân khúc quan trọng như sữa nước (53%), sữa bột (25,2%), sữa chua (84%) và sữa đặc (80%)”. Tuy nhiên, một chuyên viên phân tích khác cũng nhìn nhận, chi phí bán hàng của Vinamilk có thể sẽ tiếp tục tăng nhanh trước sự mở rộng và cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều đối thủ như TH True Milk, Love’in Farm, Nutifood.

Ngọc Diễm

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.