Văn hóa và Đời sống
Thứ bảy, 28/09/2024, 12:52 PM

Nỗi đau Tây Bắc

“Con đường 20km 'đổ đứ đừ' dẫn thẳng vào Bản Liền đã vĩnh viễn bị xóa sổ”, một phóng viên người Mông đen tại Bắc Hà nói trong nỗi đau của vết thương thiên tai khó lòng liền sẹo.

Tháng 9 hàng năm là mùa vàng của Tây Bắc. Những bản làng nép mình dưới chân núi, những cánh đồng bậc thang mùa lúa chín vàng rực trải dài theo triền đồi và những con đèo uốn lượn qua các dãy núi đẹp như tranh  từng là nguồn cảm hứng của biết bao thế hệ thi sĩ. Tây Bắc cũng là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ trên hành trình "săn mây". Giới trẻ từ khắp nơi trên cả nước và du khách nước ngoài thường tìm đến vùng đất này check-in để tạm quên đi những lo toan của cuộc sống đô thị. 

Siêu bão Yagi quét qua. Cảnh đẹp tưởng chừng như vĩnh viễn đó bỗng chốc đổi tông. Những bản làng vẫn nép mình dưới chân núi nhưng giờ đây nước lũ, đất đá sạt lở đã che lấp nhiều mái nhà. Những cánh đồng vàng ươm bỗng chốc bị xóa sổ nhường chỗ cho dòng nước lũ ngút ngàn. Gương mặt người dân chất phác tô thêm nỗi đau, họ khắc khoải tìm lại bóng dáng người thân, hình bóng ngôi nhà quen thuộc. Đám trẻ con không còn nô đùa được nữa, nhiều em bỗng chốc thành mồ côi.

"Tất cả các quán ăn ở đây đều từ chối bán hàng"

Đêm Bắc Hà se lạnh. Đoàn chúng tôi xuất phát từ Hà Nội vào buổi chiều cùng với những cơn mưa rả rích, đến Bắc Hà cũng đã ngấm mệt nên quyết định nghỉ lại một đêm trước khi lên đường vào bản. Đến với Lào Cai khoảng chục ngày sau cơn bão lịch sử, chúng tôi mang theo hành trang là những gửi gắm, yêu thương của những người phương xa, mong chia sẻ một phần nỗi đau, mất mát với những đồng bào nơi đây. Điểm đến là Bản Liền, một trong những bản chịu thiệt hại nặng nề sau lũ quét tại Lào Cai.

Đoàn cứu trợ đồng bào bão lụt của chúng tôi xuất phát từ Hà Nội

Đoàn cứu trợ đồng bào bão lụt của chúng tôi xuất phát từ Hà Nội

Lạ thay, khi chúng tôi dừng chân, tất cả quán ăn tại đây đều từ chối bán hàng. Họ chỉ cho chúng tôi chỗ ngồi và nói: "Chúng em xin phép phục vụ miễn phí cho các đoàn đến hỗ trợ đồng bào vùng lũ. Các anh chị thông cảm, bão lũ nên rau cỏ, thực phẩm tại đây đang rất khó khăn, hôm nay có gì mình dùng nấy nhé!"

Nói là có gì dùng nấy, nhưng cơm canh, rau thịt vẫn nóng hổi và đủ đầy. Vì đói, và cũng vì điều gì đó khó có thể diễn tả bằng lời, bữa ăn hôm đó trở nên ngon lạ lùng! 

Trung tâm huyện Bắc Hà ít thiệt hại hơn những bản làng chỉ cách đó chừng vài chục km. May mắn hơn những người đồng hương nên dân Bắc Hà chọn cách chia sẻ nỗi đau Tây Bắc bằng hành động khiến cả đoàn chúng tôi ngỡ ngàng. Dùng xong bữa, chúng tôi cố gắng dúi vào tay chủ quán tiền cơm: “Anh, chị để dành nguồn lực hỗ trợ các đoàn khác, đoàn em chi trả được bữa ăn này”.

Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây miền Bắc Việt Nam, gồm 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Địa hình Tây Bắc hiểm trở, có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Dãy Hoàng Liên Sơn dài tới 180km, rộng 30km, với một số đỉnh núi cao từ 2.800 đến 3.000m; dãy núi Sông Mã dài 500km, có những đỉnh cao trên 1.800m. Giữa hai dãy núi này là vùng đồi núi thấp lưu vực sông Đà. Ngoài sông Đà là sông lớn, vùng Tây Bắc chỉ có sông nhỏ và suối gồm cả thượng lưu Sông Mã. 

Những thông tin ngắt quãng, những bức ảnh vội vàng trong bão lũ cho thấy, nhiều làng bản ở Lào Cai bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão. Nước lũ tràn vào cuốn theo mọi thứ, từ cánh đồng vàng ươm, đàn gia súc, cho đến kỷ vật quý giá của các hộ gia đình. Nước lũ cũng cuốn đi cả bố, mẹ của những đứa trẻ thơ, để lại nỗi đau ngơ ngác của Tây Bắc. Những người may mắn sống sót sau thiên tai phải sống tạm bợ trong trạng thái không có lời nào có thể diễn tả. Những ánh mắt thất thần không vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm… mà vì người thân thất lạc, nhà cửa - tài sản tích lũy cả đời không còn nữa.

Con đường 20km "đổ đứ đừ" đến bản liền vĩnh viễn bị xóa sổ

Sáng hôm sau, điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi là một điểm tập trung của thị trấn Bắc Hà. Nơi đây, ngôi nhà của một số người trong bản và cả trung tâm văn hoá xã đang được dùng làm nơi tạm trú của 77 hộ dân của các bản làng bị sạt lở. 

Khó khăn đầu tiên của đoàn thiện nguyện xuất hiện. Xe tải chở hàng hóa cứu trợ đến bà con mất đà không thể lên dốc. Đoàn chúng tôi nhanh chóng chuyển một phần sang xe bán tải để có thể linh động trên đường đèo. Khó khăn nhỏ không làm chùn bước, đoàn nhanh chóng tiếp tục hành trình đến điểm tạm trú của nhân dân thôn Sán Sả Hồ.

Đoàn cứu trợ tại thôn Sán Sả Hồ

Đoàn cứu trợ tại thôn Sán Sả Hồ

Ký sự chuyến đi của một người trong đoàn viết: “Có người đã nói với mình đừng bao giờ xem nhẹ sức mạnh của một hành động nhỏ nhặt, vì biết đâu nó có thể mang lại sự thay đổi lớn lao cho cuộc sống của người khác". 

Đoàn thiện nguyện của chúng tôi gồm nhiều nhóm từ các đơn vị, cá nhân khác nhau. Tại công ty chúng tôi, số tiền quyên góp được từ anh em cán bộ công nhân viên và của vài mạnh thường quân không ít, không nhiều. Chúng tôi mong rằng những suất quà, những khoản tiền như vài viên gạch nhỏ giúp người dân xây lại tương lai của Tây Bắc. 

77 suất quà cùng với 77 triệu đồng được trao gửi tận tay bà con thôn Sán Sả Hồ.

Các suất quà được vận chuyển, trao tới tận tay bà con

Các suất quà được vận chuyển, trao tới tận tay bà con

Chia tay những người dân thôn Sán Sả Hồ, đoàn thiện nguyện tiếp tục di chuyển vào Bản Liền. Đây là nơi chúng tôi cảm nhận được thế nào là “chạm đáy nỗi đau” khi hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ. Để đến được Bản Liền, chúng tôi phải đi đường vòng với quãng đường dài hơn 60km thay vì cung đường 20km quen thuộc lâu nay. 

Một phóng viên người Mông đen tại Bản Liền dẫn đoàn chúng tôi đi. Anh ngậm ngùi chia sẻ: "Anh chị ơi, con đường đẹp như tranh vẽ chỉ hơn 20km dẫn vào Bản đã chính thức vĩnh viễn bị 'xóa sổ' sau đợt mưa bão này".

4 xe tải chở hàng hóa cứu trợ thường phải dừng nghỉ để làm mát phanh vì đổ đèo liên tục. Con người thật sự quá nhỏ bé trước thiên nhiên, cứ 50-100m là một điểm sạt lở. 

Nên làm gì là tốt nhất cho dân Tây Bắc khi sự mất mát về mọi phương diện là quá lớn? Bão Yagi đổ bộ khiến nhiều tỉnh miền Bắc cũng phải gánh chịu hậu quả, trong đó quan trọng nhất, việc đi lại không còn thuận tiện như những ngày bình yên.

Chúng tôi không thể tham gia cứu nạn ngay lập tức khi lũ quét đến bởi những cánh tay xung phong lúc này phải là những người được đào tạo bài bản nhằm nhanh hết sức để đưa được đồng bào đến nơi an toàn - lúc này, tính mạng là trên hết. Chúng tôi chọn ở hậu phương với hy vọng góp sức giúp đồng bào kiến thiết lại cuộc sống sau lũ.

Khi chúng tôi huy động xong nguồn lực thì nhận ra rằng tình đồng bào chan chứa nên thực phẩm cứu đói, tấm áo khô cứu lạnh từ nhiều mạnh thường quân đã kịp gửi về bà con. Phương án quà là những thực phẩm có thể ăn dè trong dài ngày được đoàn lựa chọn. Chúng tôi không biết có ai, đoàn thiện nguyện nào cần chút kinh nghiệm thực phẩm cho dân vùng lũ không nên cứ theo mạch cảm xúc, viết lên đây, ai cần thì lấy, ai không cần cứ hoan hỉ bỏ qua bởi chúng tôi cũng không nhận mình chuyên nghiệp. 

Trước chuyến đi, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương để hiểu được nên làm gì là tốt nhất. Chính vì thế, khi chúng tôi đến Bản Liền, chính quyền địa phương đã giúp tập trung 100 hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Đoàn tặng mỗi người 1 suất quà. Riêng 28 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất thêm mỗi hộ dân 1 triệu đồng. Suất quà của đoàn gồm: 1 lốc (10 hộp cá hộp), 1 gói mì chính, 5 gói gia vị, 1 thùng mì tôm, 1 lít nước mắm Phú Quốc, 2 lít dầu Cái Lân, 1 gói thuốc các loại, 1 cân cá nục ướp kho và sấy khô, 1kg cá chi chi, 1kg lạc rang muối… đều là những thực phẩm có thể ăn dài lâu, gói gém cả tấm lòng chúng tôi trong đó.

Đồ cứu trợ là thực phẩm có thể ăn dài lâu, thuốc men...

Đồ cứu trợ là thực phẩm có thể ăn dài lâu, thuốc men...

Trong nỗi đau Tây Bắc, chúng tôi không chỉ biết đến người dân gánh chịu nỗi đau mà còn cảm nhận được nhiều điều hơn thế. Câu chuyện của anh phóng viên người Mông đen cho chúng tôi biết những cống hiến thầm lặng của lực lượng an ninh địa phương. Dù họ cũng cùng chung nỗi đau như bà con dân bản nhưng buộc phải mạnh mẽ hơn tất cả. Những người lính thầm lặng băng tạm vết thương trong tim mình, lội bùn đất giúp bà con dựng nhà, cứu hoa màu…

Những đứa trẻ không có nhà để về

Đoàn tiếp tục di chuyển qua điểm trường PTDT nội trú C1+2 xã Bản Liền. Bão lũ đã khiến nhiều em học sinh không có nhà để về! Thầy cô giáo trở thành người bố, người mẹ hiền ở lại trường trong suốt nhiều ngày nay để đồng hành cùng các học sinh thân yêu của mình.

5

Chúng tôi không đủ lòng dũng cảm để hỏi liệu gia đình những thầy cô đang ngày đêm dành tâm, dành sức có ai thiệt hại nhiều không. Ở đâu cũng mất mát, cũng đau thương, có trừ ai đâu mà hỏi? Lựa chọn của từng người là lúc đó dồn sức chăm cho ai thôi. 

1,4 tấn gạo và lương thực, gia vị, bánh kẹo... đã được chất đầy kho sau khoảng 1 giờ đồng hồ. Chúng tôi muốn rằng chút chân tình nho nhỏ có thể tiếp thêm một chút động lực, cho hành trình đi tìm con chữ của các em học sinh. 

Những đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi sau cơn bão trong danh sách chúng tôi nhận được hôm đó là 19 em. 19 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi vĩnh viễn mất đi bố mẹ và nhiều em đang mong ngóng thông tin khi bố, mẹ đang là những người mất tích chưa tìm thấy…

Nỗi đau chồng chất, khi trong 19 em đó có những hoàn cảnh không thể cầm lòng: Một em chỉ còn ông bà nội không còn sức lao động, thuộc diện bảo trợ của Nhà nước - nhưng ông bà vẫn một mực muốn giữ em bên mình “bởi đây là người thân duy nhất còn lại”... Chỉ nghe thôi, tim chúng tôi đã thắt lại.

Chúng tôi không thể cầm lòng khi lắng nghe những hoàn cảnh của các em học sinh

Chúng tôi không thể cầm lòng khi lắng nghe những hoàn cảnh của các em học sinh

Cũng biết, một vài đồng tiền nhỏ không thể hỗ trợ lâu dài cho các em, cũng như ông bà già cả không thể lo cho các em đủ đầy. Đoàn chúng tôi tính đến phương án dài lâu hơn, nhờ ngân hàng chính sách và chính quyền xã hỗ trợ phối hợp, mở cho các em 1 sổ tiết kiệm 10 triệu (2 em đặc biệt khó khăn hơn lập sổ 25 triệu đồng). Chúng tôi cũng đề nghị ngân hàng, phối hợp chính quyền, tạo điều kiện mang tiền lãi hàng tháng đến cho gia đình, người bảo trợ các em, để có thể lo cho cuộc sống sau này. Đây cũng là cách chúng tôi “để ngỏ”, hy vọng lúc nào đó, huy động được thêm nguồn lực, cuốn sổ 10 hay 25 triệu sẽ được tăng thêm, để các em được ổn định cuộc sống hơn.

Trong nhá nhem tối se lạnh của đêm Bắc Hà, khi công tác phối hợp để mở sổ tiết kiệm đã hoàn tất, chúng tôi lại một lần nữa nhói lòng: Một cô giáo địa phương kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh khác, ở xã khác - Bảo Yên. 

Bảo Yên là vùng không thiệt hại quá lớn vì lũ quét như các xã/thôn khác của Lào Cai và vì thế, ít mạnh thường quân nghĩ đến Bảo Yên khi đi hỗ trợ đồng bào tái thiết. Trong cảnh toàn Bảo Yên không bị thiệt hại nhiều thì “sao Thái Bạch” vô tình chiếu thẳng vào một hộ gia đình, cuốn trôi toàn bộ nhà cửa. Mảnh đất của gia đình đó - theo chính quyền địa phương - cũng không thể quay về tái thiết.

Trụ cột của gia đình 4 thành viên đó còn bị u não, mới mổ, sức lao động không còn nhiều. Tương lai là thứ ở thì tương lai, là thứ chưa xảy ra. Nhưng, tương lai nếu xây từ nền móng của hiện tại thì hiện tại với gia đình đó là “không nhà cửa dung thân phải ở tạm ở xã, 2 con nhỏ đang độ tuổi ăn học, người bố là trụ cột gia đình không còn nhiều sức lao động sau khi mổ khối u…”. Chúng ta có thể có vô vàn lý luận như cho cần câu, đừng cho con cá nhưng nếu ở hoàn cảnh đó, chúng ta sẽ hiểu cả con cá lẫn cần câu đều vẫn ít để một gia đình có thể trụ được.

Vòng tay của chúng tôi không đủ lớn để hỗ trợ nhiều cho một gia đình đã bị lũ cuốn toàn bộ 2 từ tương lai nhưng chút tấm lòng thì có. Người chị cả của đoàn - chị Đinh Hiền - đã quyết định trích quỹ hỗ trợ gửi tặng 70 triệu đồng, với hi vọng có thể chia sẻ phần nào những khó khăn của gia đình nhỏ trong tháng ngày sắp tới…Tâm nguyện của đoàn chúng tôi là mong các mạnh thường quân biết đến gia đình này, đừng vì không biết mà để lại ai ở lại phía sau. 

Hãy trở lại Tây Bắc

Khép lại chuyến hành trình cũng là khi đồng hồ đã điểm canh 3. Người ta nói rằng, đêm có 5 canh và canh 3 là lúc mọi vật nên dành cho sự tĩnh lặng, những chú trâu sẽ “nhai lại” vào thời điểm này để dành sức cho một ngày làm việc mới sắp đến. 

7

Chúng tôi rời Bảo Yên vào canh 3 khi cảm nhận được màn đêm đang cố gắng vỗ về, xoa dịu một phần nỗi đau Tây Bắc. Chúng tôi quyết định trở về Hà Nội ngay trong đêm bởi ai cũng còn những công việc dang dở của riêng mình. Chúng tôi đi cung đường đèo từng đẹp như mơ nhưng sạt lở đang vùi lấp nhiều điểm trong tĩnh lặng. 

Sức người nhỏ bé trước thiên nhiên, chúng tôi mong rằng mưa ngừng rơi và đất đá đừng sạt lở để những đoàn người mọi miền Tổ quốc có thể đến Tây Bắc, hướng về Lào Cai và những vùng vừa bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Giờ đây, chỉ còn cách lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều thì cuộc sống dân Tây Bắc mới có thể ổn định trở lại! 

Thanh xuân này nhất định bạn phải một lần đặt chân đến Tây Bắc. Nếu chưa đến được ở thời điểm này, hãy quay lại vào một ngày Tổ quốc cùng đồng sức giúp nơi đây bớt đi nỗi đau thương. Lúc đó, hãy mua cho người dân dăm ba quả trứng nóng hổi, thuê giúp họ những homestays tái thiết sau bão lũ và rồi, chúng ta sẽ lại có những bức ảnh đẹp như tranh.

BBT

Bình luận

Nổi bật

Nỗi đau Tây Bắc

Nỗi đau Tây Bắc

sự kiện🞄Thứ bảy, 28/09/2024, 12:52

“Con đường 20km 'đổ đứ đừ' dẫn thẳng vào Bản Liền đã vĩnh viễn bị xóa sổ”, một phóng viên người Mông đen tại Bắc Hà nói trong nỗi đau của vết thương thiên tai khó lòng liền sẹo.

Tỉnh được mệnh danh là 'quê vua đất chúa' liên tục 'bùng nổ' du lịch, vượt chỉ tiêu cả năm

Tỉnh được mệnh danh là 'quê vua đất chúa' liên tục 'bùng nổ' du lịch, vượt chỉ tiêu cả năm

sự kiện🞄Thứ bảy, 28/09/2024, 09:46

Năm 2024 có thể xem là năm "bùng nổ" của du lịch Thanh Hóa khi địa phương này liên tục đạt được những con số ấn tượng.

Tìm thấy hợp chất gây ung thư từ những vật dụng quen thuộc trong gian bếp của nhiều gia đình Việt

Tìm thấy hợp chất gây ung thư từ những vật dụng quen thuộc trong gian bếp của nhiều gia đình Việt

sự kiện🞄Thứ bảy, 28/09/2024, 09:46

Chị em nội trợ nên nắm rõ các vật dụng này để giảm tiếp xúc với các hóa chất gây hại tới sức khỏe.