Những công trình giao thông góp phần đưa ĐBSCL phát triển trong thời gian tới
(CL&CS) - Mặc dù đã được Trung ương “rót” hơn 29.400 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên chừng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng. Vì vậy trong giai đoạn tới, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần được đầu tư nhiều hơn nữa để giúp vựa lúa của cả nước phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Những năm gần đây, bộ mặt giao thông tại ĐBSCL dần được cải thiện. Nhiều công trình cầu, đường đã được xây dựng, khởi công và hoàn thành, nối liền các địa phương bị chia cắt lâu nay, mang lại niềm phấn khởi cho hàng triệu người dân miền sông nước như cầu Cao lãnh, cầu Vàm Cống, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ...
Công trình trước tiên phải kể đến là cầu Cao Lãnh dài hơn 2 km. Sau 4 năm khởi công với tổng kinh phí trên 3.000 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á và đối ứng của Chính phủ Việt Nam, cầu được hoàn thành năm 2018. Đây là cây cầu dây văng lớn thứ 3 bắc qua sông Tiền, nối liền TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Hai cây cầu lớn qua sông Tiền khác là cầu Rạch Miễu nối tỉnh Tiền Giang - Bến Tre và cầu Mỹ Thuận nối tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long. Cầu thay thế phà Cao Lãnh hoạt động hơn 100 năm, kết nối tạo điều kiện cho người dân từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TP.HCM.
Tiếp đến là cầu Vàm Cống, cầu có chiều dài gần 3 km, nối liền đôi bờ sông Hậu giữa quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), được khánh thành năm 2019, khi được đưa vào sử dụng giúp người dân không còn phải sử dụng phà như trước kia.
Sau khi thông xe, 2 cầu Cao Lãnh và Vàm Cống sẽ giúp rút ngắn hơn 20 km và tiết kiệm gần 2 tiếng di chuyển cho người dân từ An Giang, Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười, lên TP. HCM.
Công trình tiếp theo phải kể đến là cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, sau 4 năm thi công đã được thông xe vào tháng 1/2021, có chiều dài 51 km, điểm đầu tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, điểm cuối tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tuyến đường giúp thời gian di chuyển từ Kiên Giang qua Đồng Tháp chỉ còn 60 phút thay vì 1 giờ 30 phút như trước kia. Ngoài ra, tuyến này còn kết nối trực tiếp với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (Đồng Tháp) và tuyến cao tốc N2 (Đức Hòa - Long An đến Mỹ An) để tạo thành tuyến đường liền mạch dài hơn 150 km xuyên suốt các tỉnh miền Tây.
Ngoài cầu Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2 cũng được thi công xây dựng vào tháng 8/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước. Cây cầu và đường dẫn 2 đầu cầu là dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Ngoài các cây cầu thì dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc Vĩnh Long khi hoàn thành sẽ tạo thành tuyến giao thông huyết mạch từ TP.HCM đi Cần Thơ, giảm tải cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu.
Đầu năm 2021, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đã được khởi công xây dựng, kết nối với tuyến TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, có chiều dài gần 23 km, điểm đầu tại TP Vĩnh Long (Đồng Tháp) còn kết thúc tại thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản vào năm 2022 và đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn một vào năm 2023.
Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn Trung tương đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL hơn 29.400 tỷ đồng. Nhiều dự án giao thông lớn đã hoàn thành giai đoạn này như tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cầu Rạch Miễu 2, các cầu Vàm Cống, Cao Lãnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi... Tuy nhiên trong quá trình triển khai, việc đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn chưa có sự tương xứng với tiềm năng của vùng. Toàn vùng có hơn 100 km đường cao tốc đưa vào sử dụng, bằng khoảng 10% tổng chiều dài cao tốc cả nước.
Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có ý nghĩa rất lớn đối với vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Cụ thể, người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và ĐBSCL hiện nay rất khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hoá đi về TP.HCM hoặc các tỉnh phía Bắc sông Tiền, vì vậy, tuyến cao tốc này sẽ làm cho điều kiện đi lại, sinh hoạt của người dân cũng như các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, làm cho tốc độ phát triển của vùng ĐBSCL ngày một nhanh hơn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng hạ tầng giao thông chậm phát triển, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và con người hàng chục năm qua đang là cản trở lớn nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL và TP.HCM.
Giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đặt quyết tâm tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu cho khu vực ĐBSCL. Tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL được xác định theo 2 khía cạnh: "Nơi sống tốt" khi nhìn từ bên trong vùng và "Nơi đáng đến" khi nhìn từ ngoài vùng.
Chi Lê
Bình luận
Nổi bật
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11
(CL&CS) - Vừa qua, tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn nông nghiệp chủ đề: “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00
(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu
sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04
(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.