NHNN: Tích cực triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản

(CL&CS) - Tại buổi làm việc với các hiệp hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

NHNN đã giảm lãi suất điều hành, thời gian tới tiếp tục chi đạo các NHTM chia sẻ lợi nhuận để hạ lãi suất. (Ảnh: SBV)

NHNN đã giảm lãi suất điều hành, thời gian tới tiếp tục chi đạo các NHTM chia sẻ lợi nhuận để hạ lãi suất. (Ảnh: SBV)

Doanh nghiệp kiến nghị xem xét lại điều kiện vay vốn

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp ngành gỗ đều là khách hàng lớn của các ngân hàng và cũng không có “kêu ca” gì về tín dụng hay lãi suất của các ngân hàng”.

Với việc hoãn giãn nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, các doanh nghiệp trong ngành gỗ có kiến nghị NHNN xem xét lại điều kiện để các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng có thể cơ cấu lại nợ.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, các doanh nghiệp trong ngành gỗ không kỳ vọng nhiều vào các gói tiền hỗ trợ từ Chính phủ nhưng rất muốn các ngân hàng chia sẻ để doanh nghiệp được giãn hoãn lại nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản nói riêng, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) ghi nhận các chính sách được ngành ngân hàng đưa ra thời gian qua góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp vơi bớt khó khăn.

Tuy nhiên, kể từ quý 4/2022 đến nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản gặp nhiều khó khăn hơn, hàng tồn kho lớn do không xuất khẩu được đơn hàng vì sự suy giảm cầu từ các thị trường quốc tế.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, doanh số toàn ngành giảm khoảng 30% (riêng thị trường Mỹ giảm 51%; thị trường châu Âu, Trung Quốc giảm khoảng 30%...).

“Trước những khó khăn hiện nay, VASEP đã đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn. Mục tiêu của gói này là duy trì sinh kế cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoài Nam cũng tán đồng với các định hướng tín dụng của NHNN là tập trung vào sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, kiến nghị tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, trong hoạt động tín dụng, Agribank luôn chú trọng đến cho vay đối với lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp. Với thực tế các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra, bà Phùng Thị Bình kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành và hiệp hội có các giải pháp để tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp.

Về phía BIDV, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc cho biết, để đồng hành cùng doanh nghiệp, BIDV tiếp tục xem xét giảm lãi suất thêm 0,5% đối với USD và khoảng 1% đối với VND. Đồng thời, xem xét cụ thể các khó khăn của doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ.

Tại Ngân hàng Vietcombank, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Cường cho biết, mặc dù dư nợ chung toàn hàng gặp nhiều khó khăn nhưng tính đến hết quý 1/2023, dư cho vay với lĩnh vực lâm sản và thủy sản đạt trên 155.000 tỷ đồng. Hiện tại, Vietcombank đang tiếp tục thúc đẩy mở rộng tín dụng với các ngành, lĩnh vực trong đó có lâm sản và thủy sản.

Dù ngành ngân hàng đang rất nỗ lực đồng hành cùng với các doanh nghiệp, tuy nhiên, để vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Việt Cường cũng đề nghị, các doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa thị trường để chống đỡ sự sụt giảm từ các thị trường chính. Đồng thời, tăng cường các dự báo để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh tốt hơn.

 "Việc giãn nợ chỉ là cách đẩy khó khăn xa hơn một chút. Vậy nên, các doanh nghiệp cần phải tìm cách để đa dạng hóa thị trường để tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và cho ngân hàng", ông Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh.

Lâm sản, thủy sản là hai lĩnh vực được Ngân hàng VietinBank tập trung cho vay, nên lãi suất và phí luôn được ưu tiên nhất”, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc VietinBank chia sẻ.

Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung cũng cho biết, trong quá trình làm việc với doanh nghiệp trong hai lĩnh vực này chưa nhận được kiến nghị hay thông tin gì về việc ngân hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định lại, đây là hai lĩnh vực kinh tế rất quan trọng. Do đó, lâm nghiệp và thủy sản cần có được cơ chế ưu đãi từ Chính phủ.

Trước mắt, cần có những chính sách khẩn cấp, để hỗ trợ hai ngành nghề này giữ vững được thị trường, không thể để doanh nghiệp đình đốn sản xuất, hay phá sản, lao động thất nghiệp gia tăng.

Đối với đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản, Phó Thống đốc cho rằng, nếu so với dư nợ tín dụng của hai lĩnh vực này thì gói tín dụng này là quá nhỏ và không giải quyết hết được những khó khăn hiện nay.

Theo Phó Thống đốc phải đặt ra cơ chế để hỗ trợ xử lý, khắc phục ngay chứ không đặt ra câu chuyện giới hạn ở con số 10 nghìn tỷ đồng, để làm sao duy trì hoạt động cho các doanh nghiệp trong hai lĩnh vực này. Đồng thời, đề nghị các NHTM cố gắng duy trì hạn mức đã cấp cho các doanh nghiệp, không cắt giảm hạn mức đối với hai lĩnh vực này. Trường hợp thiếu hạn mức tín dụng đối với hai lĩnh vực này, TCTD báo lại NHNN để có điều chỉnh.

Về vấn đề hạ lãi suất và phí, NHNN đã giảm lãi suất điều hành, thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng cân nhắc giảm thêm một số loại phí cho doanh nghiệp…

Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN; tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; Các NHTM trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần báo cáo NHNN để kịp thời chỉ đạo xử lý.

Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung và chương trình, chính sách tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị các Hiệp hội thông báo cho các thành viên về tinh thần hỗ trợ của ngành Ngân hàng, tuyên truyền chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đồng thời, trong quá trình quan hệ tín dụng với các ngân hàng có khó khăn, vướng mắc, cần phản ánh để NHNN có chỉ đạo kịp thời.

Việc hỗ trợ cho 2 lĩnh vực này không chỉ ở phía ngành ngân hàng, ngành ngân hàng chỉ liên quan đến vấn đề nguồn lực vốn mà bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề cấp thiết khác như: thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước… Những việc này thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành khác. Vấn đề ứng dụng công nghệ cũng rất quan trọng đối với hai lĩnh vực này hay như vấn đề tăng thêm khả năng dự trữ và tạm trữ….

Phó Thống đốc đánh giá cao trách nhiệm của các NHTM trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục phát triển sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lâm sản, thuỷ sản.

Phó Thống đốc tin tưởng rằng, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, toàn Ngành sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp tín dụng để hỗ trợ ngành lâm sản, thuỷ sản cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp 2 lĩnh vực này vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh trong giai đoạn hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167/TB-VPCP.

Minh Vân

Bình luận

Nổi bật

Rạng Đông kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm nhà máy

Rạng Đông kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm nhà máy

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 15:35

(CL&CS)- Mới đây tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã long trọng tổ chức Lễ Báo công, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Công ty (28/4/1964 - 28/4/2024) và 20 năm thành lập Công ty Cổ phần (15/7/2004 - 15/7/2024) với chủ đề “Khát vọng Rạng Đông - 60 năm hành trình theo chân Bác”.

Cựu Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng vừa qua đời: 15 năm làm 'thuyền trưởng' trước khi trao truyền cho con trai, từng là nhà giáo

Cựu Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng vừa qua đời: 15 năm làm 'thuyền trưởng' trước khi trao truyền cho con trai, từng là nhà giáo

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 10:38

Trên trang cá nhân của mình, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB thương tiếc báo tin người cha của mình - ông Trần Mộng Hùng đã qua đời.

Ông Kou Kok Yiow trở thành Chủ tịch Bamboo Capital thay ông Nguyễn Hồ Nam

Ông Kou Kok Yiow trở thành Chủ tịch Bamboo Capital thay ông Nguyễn Hồ Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 13:59

(CL&CS) - Ngoài kế hoạch kinh doanh ấn tượng giai đoạn 2024-2028 được Bamboo Capital đặt ra, AGM 2024 còn đánh dấu sự kiện đặc biệt khi ông Kou Kok Yiow thay thế ông Nguyễn Hồ Nam ở vị trí Chủ tịch HĐQT.