Nhiều dự án khủng ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị “ngâm” hàng chục năm
(CL&CS) - Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) hiện nay, nhiều dự án sau khi giao đất cho các chủ đầu tư thì rơi vào cảnh bỏ hoang, chậm triển khai hoặc bị dùng làm tài sản thế chấp ngân hàng.
Một số dự án đã bị cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi đất nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ” và chưa có hướng giải quyết. Theo UBND tỉnh BR-VT, thời gian qua, các sở, ngành chức năng đã tiến hành rà soát, xử lý nhiều dự án không triển khai, chậm triển khai, thu hồi nhiều diện tích đất.
Trước tiên là dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise, theo báo cáo của UBND tỉnh, có chủ đầu tư là Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise. Đây là liên doanh giữa Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Investment - Đài Loan (Trung Quốc). Tháng 4/1991, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã cấp Giấy phép đầu tư dự an Khu du lịch Vũng Tàu Paradise cho Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise.
Năm 1993, dự án đã được khởi công, mục tiêu là xây dựng và kinh doanh khách sạn 1.500 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế 3 sao và các công trình dịch vụ kèm theo, khu thể thao dưới nước, công viên giải trí, các dịch vụ nghỉ dưỡng, công viên nước, sân golf 27 lỗ. Tổng diện tích đất thực hiện dự án là 220 ha, trong đó diện tích đất sử dụng cho sân golf 130ha.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 97,2 triệu USD, trong đó phía đối tác Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất 220 ha (tương đương 15,45 triệu USD); vốn nước ngoài là 46,35 triệu USD. Đến năm 2018, phía đối tác Việt Nam đã góp đủ vốn, trong khi phía đối tác Đài Loan chỉ mới góp được 26,5 triệu USD.
Mới đây, UBND tỉnh BR-VT có công văn gửi Bộ KH&ĐT về đề xuất giải pháp để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc chấm dứt dự án vì đã hết thời hạn hoạt động và sử dụng đất. Theo đó, tỉnh đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, trình cấp thẩm quyền quyết định phương án xử lý, hỗ trợ tỉnh giải quyết số tiền thuê đất phát sinh theo kiến nghị của UBND tỉnh.
Dự án này dù đã hết thời hạn nhưng tỉnh vẫn quyết không cho gia hạn thêm. UBND tỉnh BR-VT cho rằng, quy mô dự án có diện tích đất được giao 220ha nhưng nhà đầu tư chỉ đưa vào sử dụng khoảng 140ha, trong đó có phần diện tích sân golf và khu nhà rông, còn lại 80ha quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc sử dụng không hiệu quả và không sử dụng trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai. Thời hạn hoạt động của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise đã hết theo quy định tại giấy phép đầu tư, công ty không đăng ký lại hoạt động theo quy định.
Tiếp đến là dự án Khu du lịch Trung Sơn - Hồ Tràm do CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Sơn (Công ty Trung Sơn) làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích hơn 11ha nằm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc được giao đất từ năm 2003 với thời hạn sử dụng đất là 50 năm, cho thuê đất trả tiền sử dụng đất hàng năm nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống, dự án bị bỏ hoang, không triển khai.
Đến năm 2014, tỉnh BR-VT ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư về dự án nhưng không thu hồi dự án. Năm 2017, UBND huyện Xuyên Mộc tiếp tục có văn bản đề xuất thu hồi dự án vì chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, chưa thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng...
Thế nhưng, tháng 4/2019, tỉnh này giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ hồ sơ của dự án, tham mưu UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy về việc giãn tiến độ dự án. Sau đó, Chi cục Thuế khu vực Xuyên Mộc - Châu Đức có thông báo việc nộp tiền sử dụng đất và chậm nộp đối với diện tích hơn 11ha đất được giao cho Công ty Trung Sơn, với nghĩa vụ tài chính là 7,6 tỷ đồng.
Ngày 27/5/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh BR-VT có văn bản số 1587 nêu rõ: “Từ khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty Trung Sơn chưa hoàn tất các thủ tục tiếp theo để triển khai”.
Một dự án khác là Khu liên hiệp thương mại văn phòng thể thao trường học và nhà ở tại phường 10, TP Vũng Tàu có diện tích hơn 13ha do Công ty TNHH Khang Linh làm chủ đầu tư, cũng được tỉnh BR-VT phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 lần đầu vào năm 2004. Sau đó được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh mở rộng đến 7 lần.
Tuy nhiên, theo quy hoạch được phê duyệt lần đầu thì chủ đầu tư phải bố trí 24.111m2 để xây trường phổ thông cơ sở nhưng qua 7 lần phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh mở rộng và thực hiện dự án, đến năm 2013 chủ đầu tư lại bàn giao đất để Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Vũng Tàu thực hiện đầu tư xây dựng trường tiểu học thì diện tích bàn giao chỉ còn 11.082m2. Khu thể thao kết hợp vui chơi trẻ em được hoàn thành chỉ có diện tích 5.340m2, giảm 14.123m2 so với quy hoạch được phê duyệt ban đầu, trong khi dự án lại được mở rộng.
Trải qua 16 năm triển khai dự án, ngày 31/8/2020, Công ty Khang Linh có văn bản đề nghị tỉnh BR-VT cho phép công ty được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền với lý do việc huy động vốn từ ngân hàng rất khó khăn nên doanh nghiệp không thể triển khai xây dựng đồng bộ công trình nhà ở.
Mặc dù chưa được tỉnh BR-VT cho phép nhưng Công ty Khang Linh vẫn triển khai xây dựng hạ tầng dự án, các công trình công cộng, phân lô bán nền không đúng với quy định dẫn đến không thể thực hiện các thủ tục cấp sổ hồng cho các hộ dân đã mua nền đất và tự xây dựng nhà. Hiện nhiều hộ dân mua đất phản ứng, gửi nhiều đơn thư đến cơ quan chức năng đề nghị Công ty Khang Linh thực hiện thủ tục cấp sổ hồng.
Ngoài các dự án trên, tỉnh BR-VT cũng có văn bản gửi Sở Tư pháp phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Du lịch và các cơ quan có liên quan rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý dự án Safari của CTCP Đầu tư Vườn thú hoang dã Safari và Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu Việt Nam. Các cơ quan này cũng được giao phải có ý kiến về cơ sở pháp lý của dự án nêu trên có bảo đảm theo quy định của pháp luật hay không.
Dự án Safari được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2005. Năm 2009, tỉnh BR-VT đã cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc.
Trước tình trạng hàng loạt dự án “khủng” chậm triển khai dù đã bàn giao đất hàng chục năm, lãnh đạo tỉnh BR-VT cho rằng, việc các dự án chậm tiến độ đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài việc làm lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thì tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội là không nhỏ.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở TN&MT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phối hợp với các sở, ngành và địa phương tiếp tục xử lý dự án chậm triển khai theo kế hoạch đã được phê duyệt; tiến hành rà soát tiến độ xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở TN&MT kịp thời đôn đốc, xử lý đối với những dự án chậm triển khai; hậu kiểm các dự án đã được UBND tỉnh giãn tiến độ để nhắc nhở chủ đầu tư đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ đã cam kết hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tấn Lợi
Bình luận
Nổi bật
Chuyên gia mách nước “3 tiêu chí vàng” đầu tư BĐS vừa an toàn, vừa tối đa lợi nhuận
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 18:57
(CL&CS) - Nhà thấp tầng Vinhomes được giới chuyên gia “chọn mặt gửi vàng” khi thỏa mãn 3 tiêu chí tiên quyết trong đầu tư BĐS, giúp nhà đầu tư lãi ngay khi vừa mua và thảnh thơi hưởng lợi nhuận tích sản dài lâu.
Cơ hội vàng cuối năm: Vốn vài tỷ đồng vẫn có thể đầu tư nhà phố Vinhomes Global Gate
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 18:57
(CL&CS) - “Bom tấn” Vinhomes Global Gate tiếp tục tạo sóng cho thị trường bất động sản Hà Nội khi Vinhomes tung ra chính sách “Mua chung” độc đáo, giúp các nhà đầu tư bội thu mà chỉ cần bỏ ra một phần vốn từ vài tỷ đồng với phân khúc nhà thấp tầng giàu tiềm năng.
The Komorebi: Biệt thự phong cách Nhật “3 trong 1” trên “đảo tỷ phú”
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 18:08
(CL&CS) - Là siêu phẩm “3 trong 1”, vừa ở sướng, vừa kinh doanh hiệu quả, vừa có triển vọng tăng giá cao, phân khu chuẩn Nhật The Komorebi (Vinhomes Royal Island, Hải Phòng) đang được các nhà đầu tư quan tâm săn đón.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.