Nhiệm kỳ ấn tượng của Thống đốc Nguyễn Văn Bình

(NTD) - Được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình gánh vác trọng trách nặng nề trong bối cảnh hệ thống ngân hàng tồn tại nhiều bất ổn, yếu kém và tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ.

Sau 5 năm nhìn lại, bức tranh toàn cảnh của toàn hệ thống đã được đổi thay tích cực, với những thành tựu nổi bật về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của cá nhân Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

“Cây đũa thần” tăng trưởng tín dụng

Nền kinh tế bước sang năm 2011 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tín dụng cao từ 23-50%/năm, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn. Song song đó, một lượng lớn tín dụng chảy vào bất động sản và chứng khoán, thanh khoản thiếu hụt nghiêm trọng, lãi suất liên ngân hàng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống, các tỷ lệ an toàn vốn của từng ngân hàng và toàn hệ thống sụt giảm.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất quyết tâm thực hiện hiệu quả việc kiểm soát hoạt động cung tiền, đặc biệt là hoạt động tín dụng trên nguyên tắc đảm bảo sự thông suốt của thị trường hướng tới thực hiện các mục tiêu kinh tế.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2014, tín dụng tăng bình quân khoảng 12,6%/năm; năm 2015 đạt khoảng 18%, thấp hơn rất nhiều so với mức 33,3%/năm của giai đoạn 2006-2010, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt bình quân khoảng 5,7%/năm không thấp hơn nhiều so với mức bình quân 7% của giai đoạn 2006-2010 đã cho thấy chất lượng và hiệu quả tín dụng đã được nâng cao đáng kể.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI nhận xét: “Nhìn lại chính sách tiền tệ 5 năm qua, chưa bao giờ Việt Nam đạt được sự đồng thuận đến như vậy, từ Chính phủ, NHNN, các bộ ban ngành, đến các doanh nghiệp đều hưởng ứng chính sách tiền tệ giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng".

Điểm sáng tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

Nhờ có chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thống đốc Nguyễn Văn Bình mà kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ - ngân hàng được củng cố, sai phạm của tổ chức tín dụng (TCTD) được ngăn chặn, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Đề án cơ cấu lại và Đề án xử lý nợ xấu.

Việc xử lý các TCTD yếu kém được triển khai quyết liệt, triệt để theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm cả việc mua lại 0 đồng đối với các ngân hàng yếu kém không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không thực hiện thành công phương án cơ cấu lại được phê duyệt. Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD trên cơ sở tự nguyện giữa các TCTD được khuyến khích, thúc đẩy.

Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng được được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước căn bản: tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được xử lý và kiểm soát về cơ bản.

Sau hơn 4 năm triển khai xử lý nợ xấu, toàn hệ thống đã xử lý được trên 479.000 tỷ đồng nợ xấu tương đương trên 103% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. VAMC đã phát huy rõ vai trò là công cụ quan trọng xử lý nợ xấu, cải thiện thanh khoản cho các TCTD, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

Chênh lệch số liệu nợ xấu giữa các TCTD báo cáo và số liệu giám sát của NHNN được thu hẹp và trùng khớp từ tháng 3/2015. Đến 30/11/2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần quan trọng khơi thông nguồn vốn, cải thiện tăng trưởng tín dụng và kinh tế một cách vững chắc.

Chặn đứng tình trạng “đô la hóa”

Cũng trước năm 2011, tỷ giá và thị trường ngoại hối thường xuyên biến động tăng cao, tình trạng “đô la hóa” tăng và tâm lý găm giữ ngoại tệ phổ biến, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, dự trữ ngoại hối Nhà nước sụt giảm mạnh, “nguy cơ” mất giá của tiền đồng ngày càng lớn.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngân hàng nhận xét: Chính sách của NHNN đã giúp cho việc tháo gỡ các nút thắt của thị trường tiền tệ một cách thuận lợi, đem lại sự ổn định cho thị trường tiền tệ thông qua sự kết hợp đồng bộ nhịp nhàng các công cụ điều hành như thị trường mở (OMO), điều hành đồng bộ lãi suất VND và ngoại tệ…”.

PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính ngân hàng thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, một trong những thành công của NHNN giai đoạn này là đã từng bước giảm dần tình trạng “đô la hóa” thông qua biện pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ, điều chỉnh lãi suất huy động USD.

Có thể kết luận rằng, một trong những thành công nổi bật nhất của NHNN giai đoạn 2011-2015 vừa qua đó chính là những biện pháp điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối. Các giải pháp điếu hành đó đã giúp nâng cao vị thế của tiền đồng, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền và an ninh tiền tệ Quốc gia.

Dũng cảm “dẹp loạn” thị trường vàng

Nhìn lại thị trường vàng Việt Nam năm 2011 và những năm trước đó cho thấy một bức tranh với các chỉ số giá liên tục “nhảy múa”, trồi sụt đầy biến động, thậm chí đôi lúc diễn biến ngược chiều xu hướng thế giới.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/2011/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà một trong 6 nhóm giải pháp được đưa ra là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, trong đó đề cập đến định hướng kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng.

Tiếp theo đó là Nghị định số 95/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng và Nghị định số 24/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

NHNN cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai như Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012, Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012, Thông tư số 38/2012/TT-NHNN về trạng thái vàng của các TCTD và áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Với các biện pháp quyết liệt triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, công tác quản lý thị trường vàng đã cơ bản đạt được mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, loại bỏ tình trạng “vàng hóa” trong hệ thống TCTD.

Trong đó chuyển quan hệ “huy động, cho vay vốn bằng vàng” sang quan hệ “mua, bán vàng”, mặc dù thị trường vàng thế giới biến động phức tạp nhưng thị trường vàng trong nước vẫn ổn định, không còn những cơn “sốt vàng” gây ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước đánh giá: “Thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 là việc xóa bỏ tâm lý coi vàng là đồng tiền thứ 3 tại các tổ chức tín dụng. Vàng đã chính thức bị đẩy ra khỏi bảng tài sản của TCTD, giảm tác động của đầu cơ vàng, buôn lậu vàng lên tỷ giá. Đây là hành động dũng cảm của NHNN”.

Quang Tuyến

Bình luận

Nổi bật

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

sự kiện🞄Thứ bảy, 18/05/2024, 09:34

(CL&CS) - “Tôi tin rằng với chiến lược kinh doanh phù hợp, kế hoạch triển khai cụ thể, cùng với kinh nghiệm và bản lĩnh sẵn có, Gỗ Đức Thành sẽ lại “vượt bão” thành công”, đó là thông điệp của bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành trong năm 2024.

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:08

Tình trạng mất cân đối cung – cầu khiến tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ tại TP.HCM ngày càn trầm trọng hơn. Dự báo trong tương lai gần, giá nhà ở tại TP.HCM tiếp tục bị đẩy lên cao, người dân TP.HCM sẽ ngày càng khó tiếp cận nhà ở.

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:07

(CL&CS)- Vừa qua, Nutifood thông qua Quỹ Phát triển Tài năng Việt kết hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 đã trao tặng 1.000 lon sữa FAMNA với tổng giá trị hơn 450 triệu đồng cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và trẻ em khó khăn tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.