Văn hóa và Đời sống
Thứ sáu, 04/10/2024, 14:47 PM

Nhà giáo U80 nhận nuôi 22 trẻ em còn sống sót của Làng Nủ: Từng là học sinh lứa chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam, đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho giáo dục vùng cao

Thầy cho biết, bản thân bây giờ là người "ham sống" nhất, mong sống ít nhất 15 năm nữa để thấy tất cả các con trưởng thành.

"Ông nội" của 22 trẻ em Làng Nủ

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng kiêm Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), đã chính thức nhận nuôi 22 trẻ em ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Ngay sau khi quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em còn sống sót sau trận lũ, dù là mồ côi hay còn bố mẹ, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang đã lập tức triển khai các công việc cần thiết.

Các học sinh Làng Nủ đón nhận những chia sẻ, động viên từ các bạn ở Trường Marie Curie. Ảnh: Trần Tùng/Báo Thanh Niên

Các học sinh Làng Nủ đón nhận những chia sẻ, động viên từ các bạn ở Trường Marie Curie. Ảnh: Trần Tùng/Báo Thanh Niên

Từ ngày 30/9-1/10, ông Khang đã cử một nhóm cán bộ của trường đến Làng Nủ để thăm hỏi các gia đình có trẻ em may mắn sống sót sau trận lũ kinh hoàng, đến bệnh viện nơi các em đang điều trị và đến từng trường nơi học sinh Làng Nủ đang học để gửi gắm sự chia sẻ và yêu thương từ thầy trò Trường Marie Curie. Đoàn công tác cũng tiến hành khảo sát, lập danh sách các em thoát nạn trong trận lũ để đưa ra kế hoạch chăm sóc.

Chiều ngày 1/10, danh sách mà ông Nguyễn Xuân Khang chờ đợi đã hoàn thành với 22 em, được xếp theo thứ tự tuổi từ nhỏ đến lớn. Hai bé nhỏ nhất đều đang học lớp mẫu giáo 3 tuổi; 3 em lớn tuổi nhất đều đang học lớp 12 tại huyện Bảo Yên.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang chia sẻ: "Có đầy đủ, cụ thể và chính xác thông tin cần thiết của các con rồi, tôi chính thức nhận nuôi các con từ nay đến hết 18 tuổi. Mỗi tháng, tôi sẽ gửi cho mỗi em 3 triệu đồng để trang trải chi phí ăn học. Dự án này bắt đầu từ tháng 10/2024 và kéo dài đến năm 2039, trong 15 năm".

Thầy Khang quyết định nhận nuôi đến năm 18 tuổi các trẻ em thoát nạn trong vụ lũ quét Làng Nủ. Ảnh: Sưu tầm

Thầy Khang quyết định nhận nuôi đến năm 18 tuổi các trẻ em thoát nạn trong vụ lũ quét Làng Nủ. Ảnh: Sưu tầm

Theo tính toán của vị lãnh đạo Trường Marie Curie, 15 năm nữa dự án mới có thể kết thúc là vì những bé nhỏ tuổi nhất trong danh sách sẽ tròn 18 tuổi, còn ông thì bước vào tuổi 90. "Bây giờ tôi là người ham sống nhứt! Ông nội của 22 bé Làng Nủ mong sống ít nhất 15 năm nữa để thấy tất cả các con trưởng thành", ông Khang nghẹn lời chia sẻ.

Nhưng ông cũng nói ngay: "Dù ông nội phải đi xa thì các con vẫn được ấm no và học hành tử tế như mong muốn của ông khi quyết định nhận nuôi các con. Gia đình ông và Trường Marie Curie sẽ tiếp tục thực hiện tâm nguyện ấy".

Đối với nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, nhận nuôi các em không chỉ đơn thuần là mỗi tháng gửi một khoản tiền cho các em trang trải việc học mà còn là theo dõi và hỗ trợ kịp thời trong suốt quá trình các em trưởng thành. Vì vậy, danh sách này không chỉ gồm tên, tuổi, trường lớp, thông tin người thân và người bảo trợ của mỗi đứa trẻ mà còn có cả tên, thông tin liên lạc của giáo viên chủ nhiệm của các em.

Ông Khang cho biết, ngoài gia đình, giáo viên chủ nhiệm là người mà ông sẽ "dựa vào" để biết được sự phát triển và quá trình học tập của các em. "Các thầy cô là những người gần gũi và sát sao nhất khi các em ở trường", ông chia sẻ.

Phòng làm việc không bằng khen, huân chương

Thầy Nguyễn Xuân Khang, sinh năm 1949, là một trong những học sinh của lứa chuyên Toán đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1965. Đến năm 1968, thầy theo học ngành Vật lý tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và giữ vai trò Lớp phó trong một lớp học có tới 275 sinh viên. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, lớp chỉ còn hơn 70 thành viên do nhiều người đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Vì mắt và sức khỏe không đáp ứng yêu cầu, thầy không thể tham gia chiến trường như các bạn cùng lớp. Sau khi tốt nghiệp, thầy được mời ở lại trường giảng dạy cho khối phổ thông chuyên Lý.

Sau khi nghỉ chế độ, năm 1992, thầy thành lập Hệ thống giáo dục liên cấp Marie Curie. Đến nay, hệ thống này đã phát triển thành bốn cơ sở: Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), Kiến Hưng, Văn Phú (Hà Đông), và Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên).

thay nguyen xuan khang 23
Bên trong phòng làm việc của thầy Nguyễn Xuân Khang. Ảnh: Quý Nguyễn

Bên trong phòng làm việc của thầy Nguyễn Xuân Khang. Ảnh: Quý Nguyễn

Mặc dù là Hiệu trưởng của một ngôi trường nổi tiếng với cơ sở vật chất hiện đại và từng đạt giải thưởng quốc gia về kiến trúc, phòng làm việc của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang lại giản dị đến bất ngờ.

Trong phòng không có bằng khen hay huy chương, mà chỉ có những bức ảnh thầy chụp cùng học trò và những tấm thiệp. Thầy chia sẻ: "Thầy không có gì ngoài tấm bằng Cử nhân hàng chục năm, không có học hàm, không có danh hiệu, cũng không có giải thưởng. Thầy chỉ là một nhà giáo của nhân dân".

Thầy Khang được ví như

Thầy Khang được ví như "ông nội" của nhiều thế hệ học trò. Ảnh: Sưu tầm

Thầy Nguyễn Xuân Khang là người khởi xướng nhiều dự án thiện nguyện dành cho các thầy trò và học sinh ở những vùng khó khăn. Đầu năm 2024, thầy đã khởi động dự án xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Marie Curie - Mèo Vạc tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Ngôi trường dự kiến tuyển sinh từ năm học 2026-2027.

Trước đó, vào năm 2021, thầy Khang và Trường Marie Curie đã thực hiện dự án trồng 20.000 cây sa mộc tại Hà Giang, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học ở Mèo Vạc, vào năm 2022, thầy đã khởi xướng dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho hơn 26.000 học sinh với kinh phí 2 tỷ đồng mỗi năm. Dự án này kéo dài trong ba năm và đã nhận được sự lan tỏa từ nhiều trường học khác.

Thầy Khang bên các sinh viên tại dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc. Ảnh: Vĩnh Hà/Báo Tuổi Trẻ

Thầy Khang bên các sinh viên tại dự án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho Mèo Vạc. Ảnh: Vĩnh Hà/Báo Tuổi Trẻ

Khi việc dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc bước vào năm thứ hai, thầy Khang vẫn canh cánh nỗi lo rằng sau khi dự án kết thúc, Mèo Vạc có thể lại rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Vì vậy, vào năm 2023, thầy đã đề xuất với UBND huyện Mèo Vạc việc đào tạo 30 giáo viên tiếng Anh địa phương thông qua hình thức cử tuyển, với tổng kinh phí dự tính từ 6-12 tỷ đồng. Trường Marie Curie hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho các sinh viên tham gia dự án, với mức hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng/tháng. Hiện đã có 17 sinh viên tham gia và dự kiến sẽ tuyển thêm 13 em trong năm tới.

Ngoài công tác giáo dục và đào tạo, thầy Khang còn là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thầy đã được vinh dự nhận Huy chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc" và Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 2022, thầy Nguyễn Xuân Khang được vinh danh là một trong 10 Công dân ưu tú Thủ đô.

Vĩ Hạ

Bình luận

Nổi bật

Nhà giáo U80 nhận nuôi 22 trẻ em còn sống sót của Làng Nủ: Từng là học sinh lứa chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam, đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho giáo dục vùng cao

Nhà giáo U80 nhận nuôi 22 trẻ em còn sống sót của Làng Nủ: Từng là học sinh lứa chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam, đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho giáo dục vùng cao

sự kiện🞄Thứ sáu, 04/10/2024, 14:47

Thầy cho biết, bản thân bây giờ là người "ham sống" nhất, mong sống ít nhất 15 năm nữa để thấy tất cả các con trưởng thành.

Loại quả ‘thần dược’ giá rẻ bèo ngoài chợ Việt giúp tăng cường miễn dịch, chống lại tế bào ung thư

Loại quả ‘thần dược’ giá rẻ bèo ngoài chợ Việt giúp tăng cường miễn dịch, chống lại tế bào ung thư

sự kiện🞄Thứ sáu, 04/10/2024, 14:14

Loại quả này khi sấy khô thường xuất hiện trong hầu hết các thang thuốc Đông y và là thành phần phổ biến trong các món ăn thực dưỡng.

‘Vua cà phê’ Đặng Lê Nguyên Vũ: Lãnh đạo giỏi là ít can thiệp, nói 1 câu mà người dưới hiểu hết chứ không phải 'đầu tắt, mặt tối'

‘Vua cà phê’ Đặng Lê Nguyên Vũ: Lãnh đạo giỏi là ít can thiệp, nói 1 câu mà người dưới hiểu hết chứ không phải 'đầu tắt, mặt tối'

sự kiện🞄Thứ sáu, 04/10/2024, 14:11

Ông "vua cà phê" Việt từng chia sẻ quan điểm về một nhà lãnh đạo giỏi: Ít can thiệp, nói 1 câu mà người bên dưới hiểu hết, đừng quản lý kiểu 'đầu tắt, mặt tối'.