Dữ liệu cũ
Thứ tư, 02/05/2018, 20:00 PM

Người Việt mất 15 tỷ USD trong 4 phiên

(NTD) - Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam mất hơn 15 tỷ USD chỉ trong 4 phiên giao dịch, cho thấy kinh tế tốt không có nghĩa đầu tư chứng khoán sẽ an toàn.

thi-truong-chung-khoan
Sàn TP.HCM mất 15 tỷ USD chỉ trong 4 phiên giao dịch. (Ảnh minh họa)

Thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động mạnh trong tháng 4 với xu hướng chính là giảm sâu. Chỉ trong 3 phiên giao dịch “đen tối”, vốn hóa thị trường của chỉ riêng sàn TP.HCM đã “bốc hơi” tới hơn 12 tỷ USD.

Chuỗi ngày “đen tối”

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 11/4, VN-Index giảm 31 điểm, tương đương 2,59% xuống 1.167 điểm. VN-Index khiến vốn hóa thị trường sàn TP.HCM “bốc hơi” 83.529 tỷ đồng (3,68 tỷ USD). So sánh với một loạt các thị trường trong khu vực, mức giảm của VN-Index đã vượt xa mặt bằng chung.

Đúng 1 tuần sau đó, vào ngày 18/4, VN-Index lại khiến nhà đầu tư hoảng hốt khi tiếp tục “rơi tự do”. Chốt phiên, VN-Index dừng ở mức 1.138,53 điểm sau khi giảm 14,75 điểm, tương ứng 1,24%. Toàn sàn ghi nhận 103 mã tăng giá và có tới 184 mã giảm. Trong ngày 18/4, vốn hóa thị trường Hose giảm 39.671 tỷ đồng (khoảng 1,75 tỷ USD).

Chuỗi ngày “đen tối” chưa dừng lại ở đó. Đóng cửa phiên giao dịch 19/4, VN-Index giảm 43,9 điểm (3,86%) xuống 1.094,63 điểm. Việt Nam trở thành thị trường hiếm hoi trong khu vực giảm điểm và cũng là thị trường giảm mạnh nhất châu Á. Vì vậy, trong ngày 19/4, vốn hóa thị trường Hose “đánh rơi” 100.710 tỷ đồng (khoảng 4,44 tỷ USD).

VN-Index đã giảm quá sâu trong tháng 4 nên nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sớm phục hồi trước kỳ nghỉ lễ. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra. Vào ngày 23/4, VN-Index một lần nữa khiến nhà đầu tư “đứng tim” khi giảm 43,08 điểm, tương đương 3,85% xuống 1.076,78 điểm. Kết quả là nhà đầu tư trên sàn TP.HCM mất 117.842 tỷ đồng (khoảng 5,19 tỷ USD).

Như vậy, trong 4 phiên giảm sâu nhất của tháng 4, vốn hóa thị trường Hose đã “bốc hơi” 15,06 tỷ USD. Còn tính gần hết tháng 4, nhà đầu tư Việt chứng kiến 231.861 tỷ đồng (khoảng 10,25 tỷ USD) rời khỏi tài khoản.

Đà giảm sẽ tiếp diễn

Các chuyên gia tài chính, chứng khoán gặp khá nhiều khó khăn khi lý giải đà lao dốc này. Các cổ phiếu đua nhau rơi tự do trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu khả quan, GDP quý 1/2018 đạt mức cao kỷ lục. Nội tại các doanh nghiệp được cải thiện nhiều khi đa số đều công bố báo cáo tài chính năm 2017 và quý 1/2018 với những khoản lợi nhuận tăng vọt.

Công ty chứng khoán FPTS bình luận về mặt thông tin, các thông tin công bố về kết quả kinh doanh và đại hội cổ đông của nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành đang dần lộ diện nhưng phản ứng thị trường lại khá mờ nhạt với những thông tin mang tính chất hỗ trợ. Điều này phản ánh sự nhạy cảm đối với rủi ro xu hướng vẫn đang ở mức cao.

FPTS “bế tắc” khi giải thích nhưng vẫn dự báo đà giảm sẽ tiếp diễn. FPTS khẳng định: “Diễn biến thị trường tiếp tục cho thấy những đặc điểm rõ nét của xu hướng giá xuống ngắn hạn. Trong đó, tín hiệu bán tăng cường tại các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán là nguyên nhân khiến chúng tôi không quá kỳ vọng vào khả năng đảo chiều sớm của các chỉ số thị trường”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), bình luận kinh tế vĩ mô đang có nhiều tín hiệu tốt. Thế nhưng chỉ số VN-Index vẫn giảm chóng mặt.

Ông Hải đánh giá thời gian dài qua, VN-Index đã tăng quá mạnh, chinh phục hết đỉnh này tới đỉnh khác. Kết quả của nó là nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu ngành tiêu dùng lên quá cao. Theo quy luật, khi lên quá cao thì cổ phiếu sẽ sụt giảm. Những mã này có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường nên kéo cả thị trường đi xuống.

Nhận xét thời gian qua, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng quá mạnh. Đây chỉ là cục bộ. Còn lại, trên thị trường, rất nhiều mã khác giao dịch dưới mệnh giá, ở những mức hấp dẫn khoảng 6.000 đồng/CP. Thế nhưng, theo ông Hải, nghịch lý ở chỗ cổ phiếu giá rẻ nhưng ít người quan tâm vì dòng tiền thường “đánh” theo phong trào, tạo ra rất nhiều rủi ro.

Vì vậy, với kinh nghiệm của mình, ông Hải khẳng định: “Năm 2016, 2017 có thể tạo ra nhiều lợi nhuận nhưng tình hình trở nên khó khăn hơn nhiều trong năm 2018. Kinh tế tốt không có nghĩa là an toàn. Ngay những cổ phiếu tốt cũng không an toàn vì giá đã tăng quá cao, có thể suy giảm bất cứ lúc nào”.

Còn công ty chứng khoán FPTS khuyến cáo nhà đầu tư nên kiên trì với chiến lược hạ tỷ trọng cổ phiếu và bám sát diễn biến giá trong bối cảnh chưa có tín hiệu nào cho thấy vùng đáy của nhịp hiệu chỉnh hiện tại. Với các chiến lược dài hạn thì cũng nên có sự sàng lọc lại danh mục cổ phiếu nắm giữ, giảm tỷ trọng đối với các mã đang vi phạm nguyên tắc bán kỹ thuật.

 Tùng Lâm

_NTD_So 427_In_Page_19
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.