Dữ liệu cũ
Thứ ba, 16/07/2019, 09:43 AM

Người Ethiopia đã để mất “bản quyền” những món ăn quý như thế nào?

(NTD) - Vào đầu thập niên 1980, hình ảnh những em bé chết đói trong cảnh hạn hán đã làm cả thế giới xúc động và các tổ chức cứu trợ kêu gọi giúp đỡ hàng triệu người Ethiopia bị đói. Hình ảnh đó quá sốc đến mức nhiều người vẫn thấy khó tin khi biết rằng quốc gia này là quê hương của những loại “siêu thực phẩm” đang được chào bán rộng rãi ở thế giới phương Tây.

Một loại ngũ cốc không chứa gluten, giàu protein, giàu sắt và chất xơ, tên là hạt teff, đã được thu hoạch ở Ethiopia và nước láng giềng Eritrea trong ít nhất là 2.000 năm qua.

nguoi2
Bột teff được chào bán rộng khắp phương Tây là siêu thực phẩm thế hệ tiếp theo. (Ảnh: New Ethiopia Tours).

Hạt teff là loại “siêu thực phẩm”

Trong những căn lều đắp bằng đất trên cao nguyên hay những nhà hàng sang trọng ở thủ đô Addis Ababa, hạt teff được nghiền thành bột và là nguyên liệu để làm ra món lương thực chính của nước này - món injera trứ danh. Loại bánh mì lên men giống bánh kếp này cực kỳ thích hợp để ăn kèm với thịt và rau củ hầm thấm đẫm nước sốt. Người Ethiopia hầu như ai cũng ăn nó ít nhất một lần mỗi ngày.

Nhiều du khách yêu thích kết cấu giống như miếng bọt biển và hơi xốp của loại bánh này, liên tục gọi món hết lần này đến lần khác khi họ du lịch vòng quanh Ethiopia. Món này thường được đặt trong mâm tròn lớn với nhiều món pha chế đầy màu sắc, trong đó có đậu lăng, cải rổ, đậu vàng, thịt cừu, bò và gà. Bẻ từng miếng bánh và ăn bằng cách bốc tay khiến trải nghiệm với món ăn này thêm phần thú vị.

Thật khó tin là dù món injera cực kỳ phổ biến trên khắp cả nước, nhưng bằng sáng chế quyền chế biến bột teff và các sản phẩm liên quan đến hạt teff cuối cùng lại rơi vào tay một công ty ở Hà Lan.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2003: Khoảng một chục biến thể của hạt teff được gửi cho nhà nông học Hà Lan tên Jans Roosjen thông qua quan hệ hợp tác với Học viện về Bảo tồn đa dạng sinh học Ethiopia để nghiên cứu và phát triển. Bốn năm sau, Văn phòng cấp bằng Sáng chế châu Âu cấp bằng sáng chế cho công ty của Roosjen chuyên về thực phẩm cho sức khỏe trong thể thao, tên Health and Performance Food International (HPFI).

Dù Roosjen đã đánh giá quá cao tiềm năng của loại hạt này vào thời đó và công ty của ông bị phá sản, nhưng ông vẫn tiếp tục quảng cáo và chào bán các sản phẩm từ hạt teff.

nguoi
Teff là loại hạt không có gluten, giàu protein và chất xơ dùng để làm bánh. (Ảnh: Getty Images).

Xung đột quyền sở hữu

Xung đột quanh chuyện ai là người sở hữu hạt teff đã xuất hiện trên các trang báo quốc tế đầu năm 2019, sau khi Roosjen cố gắng kiện một công ty Hà Lan khác đang quảng cáo các sản phẩm nướng từ bột teff vì tội vi phạm bản quyền và bản quyền của ông bị công bố là không có giá trị ở Hà Lan.

Khi hạn chót kháng cáo kết thúc vào tháng 2/2019, rất nhiều người Ethiopia trên mạng xã hội coi đây là chiến thắng. Nhà ngoại giao người Ethiopia tên là Fitsum Arega viết trên Twitter coi đây là tin tốt lành: “Tôi hy vọng là ta có thể học được từ sự kiện này, rằng tài sản quốc gia của chúng ta phải được người Ethiopia và bạn bè của #Ethiopia bảo vệ”.

Nhưng bởi bằng sáng chế của Roosjen vẫn còn có tác dụng ở nhiều nơi khác khắp châu Âu, cho nên cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Vào tháng 2, Tổng Chưởng lý của Ethiopia là Berhanu Tsegaye, viết trên Twitter rằng chính phủ quyết định sẽ bảo vệ quyền hợp pháp của Ethiopia đối với hạt teff.

“Ethiopia đã chỉ định một công ty luật tham gia tranh tụng về vụ án hạt teff ở tầm quốc tế” - ông viết.

Đây không phải là lần đầu tiên Ethiopia phải bảo vệ một trong những sản phẩm quan trọng nhất của mình. Trước đây, họ đã từng đối đầu với Starbucks về việc sử dụng tên ba loại cà phê cao cấp.

nguoi1
Món ăn trứ danh được làm từ bột teff mà người Hà Lan bị tố đã chiếm của người Ethiopia. (Ảnh: Getty Images).

Tiến sĩ Bula Wayessa - chuyên gia về cây trồng bản địa, tin rằng bằng sáng chế của Hà Lan đã tước bỏ quyền của hàng triệu nông dân Ethiopia. Tiến sĩ Wayessa là phó giáo sư thỉnh giảng tại Đại học New Paltz, New York. Ông sinh trưởng trong một gia đình trồng cây teff ở khu vực Oromia, một trong chín vùng sắc tộc của Ethiopia.

Ông nói hạt teff không chỉ là một loại cây trồng, mà còn là một phần di sản văn hóa của Ethiopia: “Bánh injera từ hạt teff là dấu ấn danh tính chung của hơn 80 nhóm sắc tộc đang sống trong quốc gia này. Nó định hình văn hóa ẩm thực bản địa của người Ethiopia và thể hiện danh tính quốc gia và xã hội của họ thông qua việc mọi người tập trung quanh mâm và cùng chia sẻ thức ăn với nhau”.

Sofonias Melese - trưởng bộ phận điều hành của công ty du lịch New Ethiopia Tours, nói: “Vấn đề bằng sáng chế thực sự khiến tôi buồn. Teff là món chủ đạo trong bếp của chúng tôi. Chúng tôi ăn món này mỗi ngày - đôi khi ba lần mỗi ngày - ở hầu hết các vùng và trong mọi bộ tộc”.

Dù tuổi đời chính xác của món này vẫn chưa được biết rõ, nhưng các nhà khảo cổ học tin rằng hạt teff có nguồn gốc và được thuần hóa ở cao nguyên Ethiopia khoảng 2.000 năm trước, mặc dù lò nướng injera có thể có tuổi đời 2.500 năm.

Hạt teff có hai màu đỏ và trắng. Loại màu trắng theo truyền thống được coi là giá trị hơn, là biểu tượng cho sự giàu có và thường dùng để mời những vị khách quan trọng. Bánh injera màu đỏ rẻ hơn và thường được sử dụng làm thực phẩm hàng ngày.

Thủy Tiên (Theo BBC News)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.