Dữ liệu cũ
Thứ ba, 07/06/2016, 15:32 PM

Ngân hàng “méo mặt” vì trích dự phòng rủi ro cao

(NTD) - Bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2016 của nhiều ngân hàng sẽ có nhiều gam màu sáng hơn nếu không vì trích lập dự phòng rủi ro.

Thời điểm này, hàng loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2016 với nhiều tên tuổi bật lên tuy nhiên chi phí dự phòng vẫn đang là một nỗi ám ảnh lớn, “rút ruột” lợi nhuận của đa số các ngân hàng.

Tăng trưởng tốt

Trong quý 1/2016, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt mức tăng trưởng rất khả quan. Cụ thể, tín dụng tăng 6,7%; nợ xấu giảm còn 1,76%; lợi nhuận trước trích lập dự phòng đạt 3.600 tỷ đồng. Mặc dù quý 1/2016 thường là quý có tăng trưởng thấp nhất, song Vietcombank đã đạt 30% lợi nhuận cả năm.

Tương tự, trong quý 1, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) huy động được 163.666 tỷ đồng, tăng 3,91% so với cuối năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt trên 300 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong 3 tháng đầu năm cũng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng hợp nhất đạt 4.068 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) có mức tăng trưởng khá tích cực với huy động vốn tương đương đầu năm, tăng trưởng dư nợ khoảng 2,3%, tương đương tăng trưởng ngành, nợ xấu ở mức 1,61%, so với 1,62% cuối năm trước, lợi nhuận 862 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 6.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 377 tỷ đồng, tăng mạnh 39% so với cùng kỳ năm trước.

ngân hàng
Tại MB, do giảm trích lập dự phòng xuống còn 239 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm trước, nên đã đẩy lợi nhuận trước thuế của MB trong quý 1/2016 lên 882 tỷ đồng.

 Khoản dự phòng “bào mòn” lợi nhuận

Tuy lợi nhuận tăng nhưng có nhiều ý kiến cho rằng trong năm nay không chỉ có ngân hàng nhỏ phải lo lắng với các khoản trích lập dự phòng, mà ngay cả các ngân hàng lớn cũng vậy.

Kết quả lợi nhuận của “ông lớn” BIDV có phần “lao đao” ở ngay quý 1 khi bất ngờ giảm 10% so với cùng kỳ. Mặc dù, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng của BIDV là hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng đột biến lên gần 2.000 tỷ đồng, gấp đôi quý 1/2015 khiến BIDV chỉ còn hơn 2.077 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và sau thuế là 1.682 tỷ đồng, giảm gần 10%.

Tương tự, SHB trích lập dự phòng 168 tỷ đồng trong quý 1/2016, gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2015. Vì vậy, dù ngân hàng này ghi nhận 473 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã kéo lợi nhuận xuống còn 244 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2016, SHB mới thực hiện được gần 23% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Hay tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chi phí dự phòng tăng đã “bào mòn” gần hết lợi nhuận quý 1/2016. Lợi nhuận sau thuế của Eximbank chỉ đạt vỏn vẹn 24 tỷ đồng, tương đương gần 6% cùng kỳ năm trước.

Riêng tại MB, do giảm trích lập dự phòng xuống còn 239 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm trước, nên đã kéo lợi nhuận trước thuế của MB trong quý 1/2016 lên 882 tỷ đồng, tăng 10,6%. Sau thuế, MB ghi nhận mức lợi nhuận 706 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng năm trước.

Theo dự báo của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chi phí trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và trái phiếu VAMC sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn ngành ngân hàng năm 2016. Do nắm giữ lượng trái phiếu VAMC lớn, nhóm ngân hàng chưa niêm yết sẽ còn chịu nhiều áp lực đối với lợi nhuận.

BVSC tính toán trích lập dự phòng của các ngân hàng trong năm 2016 có thể tăng mạnh lên khoảng 91.374 tỷ đồng, cao hơn hẳn mức 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014. Trong đó, dự phòng nợ xấu trong năm 2016 là 53.098 tỷ đồng, trái phiếu VAMC khoảng 38.276 tỷ đồng.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, áp lực dự phòng đối với các ngân hàng còn lớn, do quá trình xử lý nợ xấu chưa thể đẩy nhanh hơn. Trong năm 2016, nhiều ngân hàng hy vọng thị trường bất động sản ấm lên sẽ là cơ hội để phát mãi, thu hồi nợ xấu, nhưng dự thảo sửa đổi Thông tư 36 có thể dập tắt hy vọng này.

Phân tích hoạt động của các ngân hàng hiện nay, đại diện của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, năm nay sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ về lợi nhuận. Đối với nhóm ngân hàng niêm yết, VCBS đánh giá VietinBank và BIDV khó có chuyển biến lớn. Trong khi đó, những ngân hàng thương mại đã tích cực tái cơ cấu, chất lượng tài sản được quản trị chặt chẽ và khả năng sinh lời trên đà cải thiện, như Vietcombank sẽ có triển vọng tích cực.

 Mai Trinh

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.