Ngân hàng báo lãi lớn, cổ phiếu tăng mạnh

(NTD) - Vietcombank trở thành ngôi sao sáng trong ngành ngân hàng khi 9 tháng đầu năm 2019 báo lợi nhuận trước thuế đạt 17.613 tỷ đồng, tăng 50,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc đạt lợi nhuận cao đã giúp cổ phiếu của ngân hàng này bay xa và vốn hóa xếp thứ 2 trên thị trường chứng khoán.

Lợi nhuận tăng 29,53%

Tính đến ngày 24/10 đã có 18 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3/2019, gồm nhiều ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV, MB, VPBank, Sacombank, ACB ...

Trong 9 tháng đầu năm 2019 (9T2019), tổng lợi nhuận trước thuế của 18 ngân hàng này đạt 59.069 tỷ đồng, tăng 29,53% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật nhất là Vietcombank đạt 17.613 tỷ đồng lợi nhuận, trở thành quán quân lợi nhuận 9T2019 trong các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 3. Lợi nhuận 9T2019 của Vietcombank đã tăng 50,75% so với cùng kỳ.

Xếp vị trí á quân về lợi nhuận trong 9T2019 là MB với 7.616 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ. Vị trí thứ 3 là VPBank với 7.199 tỷ đồng, tăng 17,54% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng không phải là những ngân hàng trên. Sacombank tái cơ cấu thời kỳ “hậu Trầm Bê” đã có bước tiến vượt bậc và dẫn đầu tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận 9T2019 của ngành ngân hàng. Các mảng kinh doanh của Sacombank đều tăng trưởng tốt. Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 42,9% nhưng lợi nhuận của ngân hàng này vẫn tăng 89,5% từ 1.315 tỷ đồng lên 2.491 tỷ đồng.

Á quân tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thuộc về Saigonbank, đạt 80,9% nhưng với điểm xuất phát thấp thì lợi nhuận có được vẫn là con số rất khiêm tốn, 221 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này chỉ cao hơn PGBank, Viet Capital Bank và NCB.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận VIB trong 9T2019 ở con số 69,44% với 2.915 tỷ đồng. Điều đặc biệt xuất hiện tại ngân hàng này là khi tốc độ tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng trong 9T2019 chỉ 9,4% nhưng VIB đã tăng 28,2%, đạt 123.223 tỷ đồng. Không chỉ dư nợ tín dụng mà huy động khách hàng của VIB cũng tăng trưởng vượt bậc với 34%, đạt 113.717 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các loại giấy tờ có giá cũng được ngân hàng tích cực phát hành với tỷ lệ tăng 50,2%.

Trong nhóm các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao còn có sự xuất hiện của LienVietPostBank, một ngân hàng từng là “đứa con tinh thần” của Chủ tịch HĐQT Sacombank hiện nay, ông Dương Công Minh. Trong 9T2019, lợi nhuận của LienVietPostBank đã tăng 61,3% và đạt 1.636 tỷ đồng.

a
Biến động lợi nhuận trước thuế 9T2019 và 9T2018.

 

Niềm vui không dành cho tất cả

Trái ngược với số chung thì Viet Capital Bank, PGBank, BIDV đều có lợi nhuận tăng trưởng âm.

So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận 9T2019 của BIDV giảm 226 tỷ đồng, tương đương 3,1%. Lợi nhuận của MB và VPBank đã qua mặt BIDV. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư là điểm trừ của ngân hàng này khi giảm 907 tỷ đồng lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Các hoạt động khác của BIDV đều tăng trưởng tốt, thậm chí chi phí hoạt động cũng được siết chặt nên lợi nhuận thuần tăng 8,8% nhưng chi phí dự phòng cũng tăng 14,9% lên 16.502 tỷ đồng đã xóa hoàn toàn sự tăng trưởng của những hoạt động dịch vụ khác.

Tại ngày 30/9, nợ xấu của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm. Nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 giảm nhưng nợ nhóm 5 (nhóm có khả năng mất vốn) tăng tới 70% lên 12.194 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,90% vào ngày 1/1 lên 2,09% vào ngày 30/9.

PGBank - ngân hàng có tỷ lệ góp vốn 40% của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và đang có kế hoạch sáp nhập với HDBank có kết quả kinh doanh khá ảm đạm khi lợi nhuận giảm 7,3% xuống còn 133 tỷ đồng.

Viet Capital Bank là một trong những ngân hàng hiếm khi công bố báo cáo tài chính ra công chúng. Tuy nhiên thời gian gần đây, ngân hàng này đã hướng đến sự minh bạch với việc thường xuyên cập nhật kết quả kinh doanh để chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM. Dù vậy, Viet Capital Bank vẫn chưa sẵn sàng khi thiếu công bố thuyết minh báo cáo tài chính. Trong 9T2019, lợi nhuận của Viet Capital Bank giảm 41,1% và chỉ còn 84 tỷ đồng. Tội đồ của ngân hàng này là hoạt động kinh doanh ngoại hối khi lợi nhuận giảm 83,3% so với cùng kỳ và chỉ còn vỏn vẹn 19 tỷ đồng.

Cổ phiếu bay cao

Trong 18 ngân hàng có cổ phiếu đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán có 7 cổ phiếu giảm giá trong khoảng thời gian từ đầu năm đến ngày 24/10. Đó là cổ phiếu của các ngân hàng Vietbank (mã VBB), LienVietPostBank (LPB), Sacombank (STB), SHB (SHB), Techcombank (TCB), NCB (NVB), HDBank (HDB).

Trong nhóm cổ phiếu này chỉ Vietbank, LienVietPostBank, Sacombank và NCB là đã công bố kết quả kinh doanh. Cổ phiếu VBB có sự giảm giá mạnh nhất do mới lên sàn UPCoM, cổ phiếu này đang tìm về giá trị thật.

Sacombank, NCB đang nằm trong diện tái cơ cấu nên giá cổ phiếu STB, NVB giảm là điều không bất ngờ nhưng cổ phiếu LPB của LienVietPostBank khiến nhà đầu tư “bàng hoàng” nhất khi lợi nhuận 9T2019 tăng trưởng 61,3% nhưng cổ phiếu giảm giá 19,6%.

Với mức tăng 62,4%, cổ phiếu VCB của Vietcombank dẫn đầu nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Vốn hóa Vietcombank đạt 322.301 tỷ đồng (13,9 tỷ USD) vươn lên vị trí á quân trên thị trường chứng khoán.

Kết quả kinh doanh ấn tượng của MB, VIB đã giúp cổ phiếu 2 ngân hàng này tăng lần lượt 30,9% và 25,1%. BIDV có kết quả kinh doanh đi xuống nhưng nhà đầu tư kỳ vọng vào sự tham gia 15% vốn điều lệ của đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) và việc cổ phiếu BID vừa góp mặt trở lại trong chỉ số VN30.

 Trí Nguyễn

 

Bình luận

Nổi bật

Ngân hàng số phát triển “thần tốc” trong kỷ nguyên công nghệ

Ngân hàng số phát triển “thần tốc” trong kỷ nguyên công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 09:11

(CL&CS) - Hơn bao giờ hết, làn sóng công nghệ đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động tài chính - ngân hàng, khi người dân ưu tiên phương thức thanh toán không tiền mặt.

Bất động sản An Gia bầu HĐQT mới

Bất động sản An Gia bầu HĐQT mới

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 07:41

(CL&CS) - CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia) của doanh nhân Nguyễn Bá Sáng từng hào hùng với tầm nhìn “Tập đoàn bất động sản Việt Nam danh tiếng toàn cầu”.