Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 14/11/2015, 11:00 AM

“Nam quốc sơn hà” và bản dịch mới nhiều tranh cãi

(NTD) - Việc áng hùng văn “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, vốn được nhiều người xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, có bản dịch mới khá trục trặc và khó hiểu trong SGK Ngữ văn lớp 7, tập 1 khiến dư luận phản ứng dữ dội.

nam quốc sơn hà1
Phiên bản chữ Hán và phiên âm Hán Việt của “Nam quốc sơn hà”.

Mất tinh thần của nguyên tác

So với bản dịch cũ thì bản dịch mới chỉ giữ nguyên câu đầu tiên, còn lại đã bị “biến thể: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”. Ba câu dịch sau theo đánh giá của nhiều chuyên gia là vừa sai về ngữ nghĩa, lại vừa đánh mất tinh thần của nguyên tác. Theo nhà thơ Nguyễn Duy, ngay ở câu thứ 2 cách sử dụng từ “vằng vặc” đã thấy sai lệch với bản gốc “Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư”: ““Tuyệt nhiên” là một trạng từ nhấn mạnh sự tuyệt đối, ý nói địa phận của từng quốc gia đã được phân định rõ ràng, sao giặc dữ lại cố tình xâm phạm. Từ “rành rành” trong bản dịch cũ đã truyền tải ý tứ này rất chuẩn mực. Trong khi đó, “vằng vặc” là một tính từ chỉ ánh sáng, đặc biệt là ánh trăng, do đó dùng để chỉ một sự thật hiển nhiên là không phù hợp. Ánh trăng dù có sáng mấy cũng không thể thấy mọi thứ “rành rành” được”.

Tương tự, nếu câu thứ 3 của bản dịch trước hùng tráng hơn và có dụng ý rõ ràng nhắm vào kẻ thù ngoại bang cụ thể (“Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm”), thì hai câu cuối của bản dịch sau lại có ý né tránh, chỉ nói kẻ thù chung chung (“Giặc dữ cớ sao phạm đến đây”). Đặc biệt, cách sử dụng từ “tan vỡ” ở câu cuối cùng được Nguyễn Duy nhận xét là đã làm “tan vỡ” hoàn toàn tinh thần oai hùng, quyết chiến, quyết thắng của bản gốc: “Từ “tan vỡ” thường dùng để diễn tả sự tan rã của tình cảm đôi lứa, gia đình, và không thể hiện sự tan rã đó do sự tác động nào. Dùng từ này để diễn tả sự thất bại của giặc ngoại xâm không thể hiện được sức mạnh của dân tộc. Câu cuối của bản dịch cũ “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” thể hiện khí thế mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhiều”.

“Đến nguyên tác còn có dị bản”

Theo GS. Trần Đình Sử (thành viên nhóm biên soạn cuốn SGK Ngữ văn lớp 7, tập 1) thì bản dịch vần trắc sử dụng trong sách đã được xuất bản từ năm 1977 trong cuốn “Thơ văn Lý - Trần” chứ không phải là bản dịch mới do nhóm biên soạn thực hiện. Ông Sử cho biết việc thay đổi, chỉnh sửa nguyên tác cho phù hợp với nhiều thế hệ độc giả khác nhau là hết sức bình thường: “Không chỉ nước ta, các tác phẩm kinh điển thế giới của Shakespeare hay Goethe cũng có nhiều thay đổi để độc giả hiện đại dễ tiếp cận hơn. Ngay cả nguyên bản Hán văn của “Nam quốc sơn hà” cũng có rất nhiều dị bản”. Một thành viên biên soạn khác là PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống cũng đồng tình: “Từ ngữ của bài thơ không giống như trước, nhưng ý nghĩa của bài thơ không có gì thay đổi. Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được.”

nam quốc sơn hà2
Bản dịch “lạ” in trong sách “Ngữ văn lớp 7”, tập 1.

Bản cũ không sai, dịch lại làm gì?

Tuy nhiên, dường như cả hai GS. Sử và PGS.TS. Thống đã quên, sở dĩ có sự thay đổi trong truyện Shakespeare là vì ngôn ngữ trong nguyên tác đã quá cổ, nhiều từ thời nay không còn được sử dụng nên chỉnh sửa để học sinh dễ tiếp thu hơn. Còn bản thân “Sông núi nước Nam” vốn dĩ đã là một bài dịch từ nguyên tác “Nam quốc sơn hà”, ngôn ngữ sử dụng vì vậy rất thuần Việt, dễ hiểu, không hề lỗi thời, vậy tại sao lại cần phải thay đổi, trong khi bao nhiêu thế hệ người đọc chưa thấy ai phàn nàn?

Tương tự, trong những dị bản của “Nam quốc sơn hà”, chỉ có đúng một bản tiếng Hán được lưu hành rộng rãi vì đó chính là bản hay nhất, được các sử gia thời Lê chọn lọc kỹ càng từ nhiều dị bản và đưa vào cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” để lưu truyền cho hậu thế đời sau. Vậy nếu bản dịch năm 1977 thực sự hay thì tại sao lúc trước lại không được đưa vào giáo trình giảng dạy? Nếu bản dịch cũ không phát hiện sai sót nào về mặt ngôn ngữ, ý nghĩa mà vẫn miễn cưỡng thay đổi sang bản mới thì chẳng phải nói bao thế hệ đi trước đã thuộc nằm lòng một bản dịch kém chất lượng hay sao? Hay nếu các giáo sư thực sự cảm thấy bản dịch cũ đã không còn phù hợp với thời hiện đại, thì nên chăng các bác nên biên soạn hẳn một bản dịch mới, hơn là sử dụng lại một dị bản cách đây 40 năm?

 Vân Ca

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.