Dữ liệu cũ
Thứ năm, 24/05/2018, 19:31 PM

Mỹ-Trung “tháo ngòi nổ chiến tranh thương mại” – nước nào chịu thiệt?

(NTD) - Ngày 24/5, đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tham gia Đối thoại Kinh tế Toàn diện Trung-Mỹ Lưu Hạc, nói đàm phán mới nhất giúp "không gây ra cuộc chiến thương mại, đình chỉ áp thuế quan lẫn nhau".

 

Sau khi hai bên “giảm nhiệt” căng thẳng mậu dịch, quốc gia nào trên thế giới chịu thiệt?

Mỹ - Trung nhất trí từ bỏ chiến tranh thương mại

Sau cuộc thương lượng kết thúc tại Washington hôm 19/5 (giờ Mỹ), ông Lưu Hạc tuyên bố cuộc họp diễn ra "tích cực, thiết thực". Ông cho hay rằng hai nước "đạt được nhận thức chung, không gây ra cuộc chiến thương mại, đồng thời đình chỉ áp thuế quan lẫn nhau". Trung Quốc đồng ý sẽ mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ, giảm bớt thâm hụt mậu dịch.

ChinaUSA2b

ChinaUSAWar
 Hai chính phủ Mỹ-Trung nhất trí tăng thêm xuất khẩu hàng nông sản và năng lượng của Mỹ (Ảnh: Getty)

Washington thì tuyên bố kết quả đạt được sẽ "giảm đáng kể" thâm hụt 335 tỷ USD mỗi năm với Bắc Kinh. Tuyên bố chung sau cuộc họp đề cập đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trung Quốc cam kết sẽ sửa đổi các pháp luật và pháp quy liên quan, trong đó có "Luật Sáng chế phát minh".

Cũng theo ông Lưu Hạc, hai chính phủ đồng ý tăng thêm xuất khẩu hàng nông sản và năng lượng của Mỹ, đồng ý khuyến khích đầu tư hai chiều, sẽ nỗ lực kiến tạo môi trường cạnh tranh và kinh doanh "công bằng". Ông nhấn mạnh rằng hai nước sẽ tăng cường hợp tác thương mại trên các lĩnh vực năng lượng, nông sản phẩm, y tế, sản phẩm công nghệ cao, tài chính....

Ông nói, việc không đối đầu với Mỹ trong thương mại vừa có thể thúc đẩy kinh tế Trung Quốc chuyển sang phát triển chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, vừa có lợi cho Mỹ cắt giảm thâm hụt mậu dịch. Ông Lưu Hạc vui vẻ gọi đây là "sự lựa chọn cùng thắng".

ChinaUSA1b
Sản phẩm chăn nuôi của Trung Quốc sẽ không bị áp thuế nặng khi xuất vào Hoa Kỳ (Ảnh: AFP)

Được biết, trước cuộc họp, khi ông Lưu Hạc đến Washington hôm 17/5, đích thân Tổng thống Donald Trump đã tiếp để bày tỏ thiện chí. Trước đây, khi hai bên bùng nổ chiến tranh thương mại, ông Trump đã từng đe dọa áp đặt thuế quan trị giá tới 150 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc.

Theo phóng viên CNN, khoản thâm hụt thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ lên tới hơn 370 tỷ USD. Theo tuyên bố chung, hai nước sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang liên quan tới mức thuế quan và nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động”.

Trước đó, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cho biết Trung Quốc đã đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhằm giảm mạnh thâm hụt mậu dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc mua từ Mỹ vào năm ngoái là 130 tỷ USD, Trung Quốc khó có thể đạt được con số này nhằm đáp ứng mục tiêu mà Tổng thống Trump đề ra trước vòng đàm phán đầu tiên diễn ra hai tuần trước tại Bắc kinh.

Nước nào chịu thiệt?

Theo các phân tích gia, một số quốc gia xuất khẩu lớn tới Trung Quốc sẽ chịu nhiều thiệt thòi nếu Bắc Kinh muốn thay đổi để khiến Washington vừa lòng, tức là Mỹ-Trung cùng  “giảm nhiệt” chiến tranh thương mại. Tờ South China Morning Post (SCMP - Hong Kong, Trung Quốc) dẫn nhận định của một số nhà phân tích đánh giá những quốc gia đó là các đối tác xuất khẩu cho Trung Quốc như Brazil, Australia và một số nước tại châu Á, châu Mỹ.

ChinaUSA1d
Theo thỏa thuận “giảm nhiệt”, rượu Mỹ khi xuất vào Trung Quốc không bị áp thuế nhập khẩu trên mức bình thường (Ảnh: Reuters)

Ngày 20/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Washington và Bắc Kinh đã "đình chiến" chiến tranh thương mại. Theo ông, Mỹ dự tính xuất khẩu nông sản tới Trung Quốc sẽ tăng từ 34-40% trong năm 2018, và trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu gấp đôi năng lượng từ Mỹ.

Trung Quốc được coi là “nhà tiêu dùng” năng lượng tiềm năng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2017, năng lượng từ Mỹ chỉ chiếm 2,9% trong tổng lượng xuất khẩu đến Trung Quốc. Ông Bai Jun tại Viện Năng lượng Quốc tế đánh giá rằng, kể cả khi Trung Quốc có nhập khẩu thêm nhiều năng lượng từ Mỹ, thì điều này cũng không ảnh hưởng tới những nhà xuất khẩu vốn đã hợp tác lâu năm với họ.

Nông sản mới là điều khiến một số đối tác thương mại của Trung Quốc băn khoăn. Mỹ đã đề nghị Trung Quốc giảm 220 tỷ USD chênh lệch nhập siêu song phương và lĩnh vực mà Mỹ muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc chính là nông sản.

Trong năm 2017, 20% nông sản Trung Quốc nhập khẩu có nguồn gốc từ Mỹ, giá trị vào khoảng 21 tỷ USD, chiếm 2/3 trong số này là đậu tương. Trung Quốc là nhà nhập khẩu mạnh đậu tương nhiều nhất thế giới với 60% giao dịch trên toàn cầu trong năm 2017. Theo tờ SCMP, 1/2 lượng đậu tương xuất khẩu vào Trung Quốc có nguồn gốc từ Brazil. Do vậy, nếu Mỹ được rộng cửa xuất khẩu đậu tương vào thị trường Trung Quốc, thì nhiều nông dân tại Brazil ít nhiều cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

ChinaUSA2a
Về phía Mỹ, cũng không áp thuế nhập khẩu trên mức bình thường đối với xe hơi sản xuất tại Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Trong trường hợp Bắc Kinh chấp nhận giảm nhiệt, chịu nhượng bộ Washington, thì Australia sẽ phải chia sẻ thị phần xuất khẩu thịt bò vào Trung Quốc với các nhà sản xuất Mỹ. Hiện nay, 90% thịt bò đông lạnh xuất khẩu đến Trung Quốc có nguồn gốc từ Australia.

Ông Larry Hu và bà Irene Wu tại Quỹ Macquarie Capital (Australia) nhận định rằng, nhiều khả năng Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu thêm năng lượng và nông sản từ Mỹ với điều kiện “Bánh ít đi, bánh quy lại”, là Hoa Kỳ phải giảm thuế nhập khẩu với những mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc – và điều nhạy cảm này chắc chắn sẽ xảy ra.

Trong thời gian qua, mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng khi hai nước liên tục đưa ra các đòn trả đũa lẫn nhau liên quan đến mức thuế quan áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu của hai nước làm bùng nổ một cuộc chiến thương mại, không chỉ gây nên những tổn thất nặng nề cho cả hai bên, mà còn làm ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới. Nay, “ngòi nổ” chiến tranh mậu dịch đã được tháo gỡ phần nào, thiết thực giúp nền kinh tế toàn cầu khởi sắc trở lại.

 Lê Miên Tường

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.