Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 26/04/2014, 10:01 AM

Mua bảo hiểm “dạo”, rước rủi vào nhà

Cụm từ bảo hiểm bán “dạo” không còn là hiếm, đi đâu người ta cũng có thể được nghe, được nhìn thấy. Năm 2013, bảo hiểm “dạo” mọc nhan nhản, từ những tuyến phố trung tâm đến những đường ven khu đô thị.

Giới truyền thông đã tốn khá nhiều giấy mực để bàn luận về vấn đề này nhưng đâu vẫn hoàn đấy, khi cơ quan chức năng cứ dẹp một thời gian là lại tái diễn, hay nói cách khác là cứ dọn nơi này thì lại mọc lên ở nơi khác.

Bảo hiểm “dạo” có an toàn?

Sản phẩm bảo hiểm được rao bán nhiều nhất trên các tuyến phố thường là bảo hiểm xe máy và bảo hiểm đối với người ngồi trên xe máy. Những người bán hàng bịt khẩu trang che kín mặt, tay “tung tăng” mấy quyển bảo hiểm đứng nhìn người đi xe máy. Trước chỗ ngồi của họ luôn có dòng chữ bảo hiểm xe máy và con số 20.000 đồng/ năm.

Lượng người bán bảo hiểm “dạo” trong khu vực nội thành đã giảm dần, họ đang dịch chuyển sang một số đường ngoại thành như huyện Đông Anh… Trên đường đi từ KCN Canon, huyện Đông Anh, về Nam Thăng Long, có khoảng 5 – 6 người bán bảo hiểm dạo ngồi san sát nhau. Mỗi người một ghế, một băng-rôn quảng cáo.

Hình ảnh cũng như câu chuyện này không còn là hiếm đối với người đi đường. Nhưng nguồn gốc cũng như lai lịch của những người bán bảo hiểm kia lại là một “ẩn số”. Không biết họ có thực sự là nhân viên của Cty hay đại lý bảo hiểm không, hay ít nhất cũng phải là cộng tác viên của một đơn vị nào đó. Hỏi ra thì trong số họ có những em là sinh viên, có những người mua về để bán chứ chẳng liên quan gì đến hãng bảo hiểm nào cả.

Điều này quả thật là khó hiểu bởi bảo hiểm là một trong những ngành đặc thù, cần có những tư vấn viên được đào tạo bài bản để tư vấn, cho dù sản phẩm bán ra chỉ là bảo hiểm xe máy trị giá vài chục nghìn đồng. Mặt khác, người bán cũng phải biết hướng dẫn cũng như giải đáp các tình huống xảy ra khi khách hàng yêu cầu. Đằng này, người bán ở đây chỉ mang mục đích kiếm lời, vậy tờ bảo hiểm đó có thực sự giá trị? Đó là chưa kể đến việc những cuốn sổ bảo hiểm đó có phải là thật hay không?

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng (NTD) khi mua sản phẩm bảo hiểm chẳng quan tâm nhiều đến công dụng mà để đối phó quy định của pháp luật khi điều khiển xe gắn máy. Do đó, sản phẩm bảo hiểm này bỗng nhiên trở thành 1 tờ giấy vô giá trị, không mang nhiều ý nghĩa với NTD.

Điểm lạ là những cuốn bảo hiểm không rõ “nguồn gốc” này vẫn “ngang nhiên” tồn tại trên các tuyến phố và được những người không rõ “lai lịch” bán trực tiếp cho NTD mà cơ quan chức năng kiểm tra cũng như biện pháp xử lý chưa hiệu quả. Thời gian tới, ngoài bảo hiểm bán “dạo” thì không biết sẽ còn bao nhiêu sản phẩm kiểu này phủ kín đường phố Thủ đô?

Bảo hiểm bán dạo “trêu ngươi” các cơ quan chức năng

Đã có quy định nhưng quản lý còn lỏng

Theo quy định của Bộ Tài chính ở các Thông tư 126/2008/TT-BTC, 103/2009/TT-BTC và 151/2012/TT-BTC, nhằm cụ thể hóa Nghị định 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp (DN) phải bán đúng mức phí bảo hiểm và không được áp dụng mọi hình thức khuyến mại đối với “sản phẩm” bảo hiểm bắt buộc. Trường hợp nào vi phạm sẽ chịu mức xử phạt vi phạm hành chính lên đến 50 triệu đồng.

Việc bán bảo hiểm “dạo” kiểu này không chỉ liên quan đến vấn đề vi phạm hành chính mà còn ảnh hưởng đến trật tự ATGT đường bộ. Những người bán hàng kiểu này đã lấn chiếm vỉa hè và gây phân tán sự tập trung của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là xe máy. Vô hình trung điều đó đã đi ngược lại với chủ trương cũng như những nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông (UBATGT) quốc gia cũng như UBATGT TP Hà Nội. Liệu tai nạn giao thông có bị tăng lên bởi hình thức bán hàng “dạo” kiểu này hay không?

Một số đại lý bảo hiểm cho biết, việc bán bảo hiểm “dạo” trên các vỉa hè gây khó khăn cho các đại lý bảo hiểm bởi mức giá bán đang “phá” giá thị trường, khiến NTD “đổ xô” mua vì giá rẻ mà bỏ qua các đại lý uy tín. “Nếu các hãng bảo hiểm không có những biện pháp mạnh tay cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng để dẹp bỏ hoàn toàn tình trạng này thì nó sẽ khiến cho sản phẩm bảo hiểm bị “xấu đi” trong mắt người dân. Và bỗng nhiên nó biến sản phẩm bảo hiểm này trở thành hàng chợ thông thường chứ không phải là sản phẩm đặc thù”, anh Hữu Quyền, nhân viên một đại lý bảo hiểm nói.

Đáng nói, việc bán bảo hiểm “dạo” cũng không nhận được sự ủng hộ của Hiệp hội bảo hiểm nhưng một số DN vẫn cố tình vi phạm. Hiệp hội bảo hiểm có công văn đề nghị xử phạt các trường hợp vi phạm, tạm dừng việc triển khai bán bảo hiểm xe cơ giới đối với một số Cty vi phạm. Vậy nhưng đến nay, người ta vẫn thấy bảo hiểm “dạo” nhan nhản.

Xét trên khía cạnh cạnh tranh, việc một số DN áp dụng hình thức bán hàng “dạo” với mức giá thấp đã khiến những DN làm ăn chân chính bị ảnh hưởng. Dù Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã yêu cầu một số DN dừng ngay hình thức bán hàng này nhưng họ vẫn cố tình vi phạm. Chẳng bị xử lý khiến họ càng tự tin mở rộng phạm vi bán hàng, không chỉ vỉa hè mà còn trên những trang mạng.

Trong khi đó, một số trường hợp còn bán bảo hiểm “trắng”, nghĩa là chẳng đề ngày, tháng, năm gì cả, để khách hàng tự lựa chọn ngày cho hợp với “mệnh” của mình. Hình thức bán hàng này chắc chắn lại càng làm khách hàng cảm thấy “ưng ý” hơn bởi họ đã ưu tiên “thượng đế” hết mức.

Chính những việc làm trên đã khiến thị trường bảo hiểm trở nên hỗn loạn, tạp nham giữa không chỉ sản phẩm mà ngay cả giữa các DN. Một số DN đã bất chấp các quy định của pháp luật để “phá giá” thị trường, tạo nên môi trường cạnh tranh kém lành mạnh, phá hỏng những nguyên tắc chung trong ngành nghề họ kinh doanh.

Đó là về phía DN, còn cơ quan chức năng thì sao? Có lẽ, chúng ta cần phải đề cập đến vai trò và trách nhiệm của họ nhiều hơn. Quy định thì đã có nhưng tại sao họ không chủ động vận dụng và sử dụng nó trong công tác quản lý cũng như kiểm soát sản phẩm bảo hiểm này trên thị trường. Những sản phẩm không nguồn gốc, những người bán “vô danh” có thể ung dung bán hàng công khai như vậy thì liệu trong thời gian tới, còn có sản phẩm nào khác ngoài bảo hiểm được bán “dạo” trên vỉa hè nữa không? Một phần lỗi khi thực trạng này vẫn diễn ra là từ tâm lý NTD, khi vẫn sính hàng… kém chất lượng giá rẻ.

Theo ông Đinh Quang Tấn, Trưởng phòng Bảo hiểm Xe cơ giới  – TCty Bảo hiểm Bảo Việt, công tác quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm trong thời gian qua nói chung là chưa chặt chẽ, phân tán. Đôi khi cũng là do sơ xuất của DN bảo hiểm hay đại lý bảo hiểm mà một số giấy chứng nhận bảo hiểm không rõ nguồn gốc đã bị phát tán trên thị trường, thậm chí có trường hợp giấy chứng nhận bảo hiểm bị làm giả.

Nếu người dân ham rẻ mua phải giấy chứng nhận này thì sẽ gặp khó khăn, thậm chí không được quyền lợi bồi thường bảo hiểm. Cho nên, NTD chỉ nên mua bảo hiểm ở trụ sở DN bảo hiểm, chi nhánh hoặc các đại lý bảo hiểm có giấy chứng nhận hành nghề để đảm bảo quyền lợi cho mình.

 

Nguyễn Tuấn

Theo PL&XH

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.