Mải mê làm “cá mập”, VinaCapital không ít lần “mắc cạn”

(NTD) - Mải mê làm “cá mập” bằng cách chi tiền tấn thâu tóm doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng không phải lúc nào VinaCapital cũng thành công. Trước những lùm xùm với Ba Huân, VinaCapital không ít lần phải gánh những khoản thua lỗ khủng.

VinaCapital là một trong những quỹ đầu tư hoạt động đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự thành công và lớn mạnh của quỹ này là điều không thể phủ nhận. Một trong những động thái mang lại thành công cho VinaCapital là thâu tóm doanh nghiệp.

Thế nhưng, không phải lúc nào VinaCapital cũng được hưởng trái ngọt nhờ làm “cá mập”. Trước đây, VinaCapital từng chịu nhiều khoản thua lỗ lớn khi thâu tóm doanh nghiệp. Gần đây nhất, VinaCapital dính lùm xùm với nghi án thâu tóm Công ty Cổ phần Ba Huân.

vinacapital

VinaCapital là một trong những quỹ đầu tư ‘‘lâu đời ‘‘nhất và thành công nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mải mê làm “cá mập”

Trong suốt thời gian hoạt động của mình, VinaCapital đã có rất nhiều thương vụ mua bán doanh nghiệp. Nhưng gần đây nhất và “nóng” nhất là những đợt thâu tóm VinaWealth, khách sạn Metropole Hà Nội và nghi án Ba Huân. Còn với Kinh Đô, dù không thâu tóm nhưng VinaCapital đã nâng tầm ảnh hưởng của mình tại doanh nghiệp này.

Cách đây hơn 1 năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bất ngờ công bố thông tin ông Phạm Phú Trọng chuyển nhượng 43% vốn tại Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaWealth (VinaWealth) cho Asia Investment & Finance Ltd, một quỹ đầu tư thuộc VinaCapital.

Giá trị thương vụ không được công bố nhưng chắc chắn để thâu tóm thành công VinaWealth, VinaCapital phải chi ra hàng trăm tỷ đồng. VinaWealth hiện có 2 quỹ đầu tư gồm Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Thịnh (VFF) và Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF) với vốn điều lệ lần lượt là 138 và 190 tỷ đồng.

Cuối năm 2014, VinaCapital cũng gây xôn xao dư luận khi chi núi tiền để thâu tóm Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP). Cụ thể, quỹ VOF thuộc VinaCapital và Daiwa PI Partners, nhà đầu tư tài chính hàng đầu Nhật Bản liên kết đầu tư chiến lược và dài hạn vào IDP. Với tổng giá trị đầu tư 45 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng), VOF và Daiwa PI Partners trở thành cổ đông lớn nhất, nắm giữ 70% cổ phần IDP.

Sofitel Legend Metropole Hà Nội là một trong những khách sạn đẹp và sang trọng nhất Hà Nội. Không ai biết VinaCapital thâu tóm Metropole Hà Nội khi nào. Tuy nhiên, khi biết Metropole Hà Nội trở thành “con” của VinaCapital, dư luận rất quan tâm tới thông tin này.

Gần đây, VinaCapital đã nâng tầm ảnh hưởng của mình tại Kido Group. Liva Holdings Limited, công ty thuộc quyền quản lý của quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam - VinaCapital đã mua vào 190.000 cổ phiếu KDC ngày 26/4 nâng mức sở hữu lên 10,34 triệu cổ phiếu tương ứng với 5,03% lượng cổ phần của Kido.

Còn hiện tại, VinaCapital đang dính vào lùm xùm trong thương vụ hợp tác với Công ty Cổ phần Ba Huân. Lùm xùm lên mức đỉnh điểm khi Ba Huân có “bản báo cáo” thông tin cho Chính phủ về việc hợp tác với VinaCapital. Ba Huân lo ngại bị VinaCapital thâu tóm.

Ba-Huan

Tuy nhiên, không phải thương vụ đầu tư nào của VinaCapital cũng diễn ra suôn sẻ. Thương vụ với Ba Huân là một ví dụ điển hình.

Nghi án thâu tóm Ba Huân

Nghi án thâu tóm Ba Huân là lùm xùm lớn nhất mà VinaCapital gặp phải trong suốt thời gian dài hoạt động ở Việt Nam. Cái bắt tay giữa VinaCapital và Ba Huân gặp trục trặc chỉ sau nửa năm “nên duyên”.

Cụ thể, tháng 2, Quỹ VOF do VinaCapital quản lý đã thông báo đầu tư 32,5 triệu USD (khoảng 730 tỷ đồng) để mua 9,48 triệu cổ phiếu, tương đương 33,77% cổ phần của công ty sản xuất trứng và thịt gia cầm Ba Huân.

Thế nhưng, đầu tháng 7 vừa qua, Ba Huân đã có văn bản gửi Thủ tướng nhờ “hỗ trợ chấm dứt hợp tác với VinaCapital”. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Ba Huân nhận thấy thỏa thuận hợp tác đang có nội dung không đúng hoặc không có như trong trao đổi ban đầu của 2 bên.

Ví dụ, VinaCapital đã tự đưa tỷ suất hoàn vốn đầu tư (IRR) của mình quá cao là 22%/năm. Nếu Ba Huân không đạt được kết quả như trên sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22%/năm hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần của Ba Huân.

Quan trọng không kém đó là VinaCapital luôn yêu cầu đưa vào điều lệ quyền phủ quyết của VinaCapital đối với tất cả nghị quyết của Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông.

Không lâu sau khi lùm xùm này được đưa lên mặt báo, chiều tối ngày 7/8, VinaCapital cho biết đã quyết định dừng đầu tư vào Công ty Cổ phần Ba Huân. Lý do VinaCapital đưa ra là do “một số hiểu lầm giữa đôi bên”. Quỹ này cho biết thêm 2 bên đang tiến hành thảo luận nhằm kết thúc thương vụ này trên tinh thần tuân thủ pháp luật và hài hòa lợi ích 2 phía.

“Mắc cạn” vì thâu tóm

Có thể thấy, mối “lương duyên” giữa VinaCapital và Ba Huân đã kết thúc chóng vánh trong nhiều lùm xùm. Còn êm đẹp hay không thì phải chờ thêm nhiều thời gian nữa. Nhưng có thể thấy, thương vụ bạc tỷ này đã không diễn ra theo đúng ý của VinaCapital.

Đây không phải lần đầu tiên một thương vụ khủng diễn ra không theo đúng ý của VinaCapital. Trước đây, VinaCapital cũng từng “mắc kẹt” với quyết định làm “cá mập” của mình. Thương vụ đầu tư vào IDP là một trong những ví dụ điển hình nhất.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau khi VinaCapital trở thành cổ đông lớn tại IDP, hiệu quả đầu tư của thương vụ này mới được hé lộ. Năm 2016 IDP báo lỗ đột biến lên tới 260 tỷ đồng. Tổng cộng, đến cuối năm 2016, IDP đã lỗ hơn 320 tỷ đồng, con số này thậm chí còn lớn hơn vốn điều lệ của IDP.

Điều đáng nói, IDP lỗ thảm ngay cả khi có sự góp mặt của “phù thủy marketing” Trần Bảo Minh và dòng vốn khổng lồ từ IDP và Daiwa PI Partners. Trong báo cáo thường niên của VOF, đơn vị này nhận định quá trình tái cơ cấu của công ty sữa này đã ghi nhận sự chuyển biến nhưng vẫn còn chậm.

Trong khi đó, khoản đầu tư mới nhất của VinaCapital vào Kido cũng không khả quan. Ngày 26/4, VinaCapital mua vào 190.000 cổ phiếu KDC. Theo mức giá đóng cửa của KDC ngày 26/4, VinaCapital phải chi khoảng 6,8 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu kể trên.

Tuy nhiên, tới ngày 8/8, giá KDC giảm khoảng 2.000 đồng/CP khiến giá trị lượng cổ phiếu này giảm khoảng 380 triệu đồng. Còn nếu tính tổng các khoản đầu tư của VinaCapital vào Kido, quỹ này đã hao hụt 20,6 tỷ đồng.

Khi VinaCapital thâu tóm Metropole Hà Nội thì không ai hay nhưng khi bán Metropole Hà Nội, quỹ này đã khiến giới đầu tư “dậy sóng”. Thương vụ khủng nói trên không được công bố chính thức nhưng dựa vào số liệu tài chính của VOF có thể thấy VOF đã nhận khoảng 100 triệu USD từ việc “Bán tài sản”.

Đây được đánh giá là thương vụ “chốt lời” rất hời của VinaCapital. Song trên thực tế, VinaCapital không hề có ý định “buông” Metropole Hà Nội vì bên mua chính là Liên doanh mới VinaCapital - Warburg Pincus. Đây cái bắt tay giữa VinaCapital và Warburg Pincus. Liên doanh này có quy mô vốn ban đầu khoảng 300 triệu USD. Thế nên, rất khó để đánh giá về lãi lỗ của VinaCapital khi bán Metropole Hà Nội.

 Vy Vy

_NTD_So 459 460_In_Page_12
 

 

Bình luận

Nổi bật

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

sự kiện🞄Thứ bảy, 18/05/2024, 09:34

(CL&CS) - “Tôi tin rằng với chiến lược kinh doanh phù hợp, kế hoạch triển khai cụ thể, cùng với kinh nghiệm và bản lĩnh sẵn có, Gỗ Đức Thành sẽ lại “vượt bão” thành công”, đó là thông điệp của bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành trong năm 2024.

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:08

Tình trạng mất cân đối cung – cầu khiến tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ tại TP.HCM ngày càn trầm trọng hơn. Dự báo trong tương lai gần, giá nhà ở tại TP.HCM tiếp tục bị đẩy lên cao, người dân TP.HCM sẽ ngày càng khó tiếp cận nhà ở.

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:07

(CL&CS)- Vừa qua, Nutifood thông qua Quỹ Phát triển Tài năng Việt kết hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 đã trao tặng 1.000 lon sữa FAMNA với tổng giá trị hơn 450 triệu đồng cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và trẻ em khó khăn tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.