Thứ ba, 05/02/2019, 08:52 AM

“Lơ lửng” kiếm sống giữa tầng không!

(NTD) - “Nếu không may gặp sự cố thì chúng tôi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh nên chúng tôi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề. Thắm thoắt mà cũng được 6 năm rồi!”. Đó là những chia sẻ của anh Nguyễn Duy Linh (30 tuổi, quê Phú Yên), một công nhân làm nghề lau kính cho những tòa nhà cao tầng ở TP.HCM cũng như các tỉnh, thành lân cận.

Chỉ đơn giản là sự gan dạ!

Là một vận động viên Taekwondo trẻ đầy tiềm năng của tỉnh Phú Yên, nhưng một tai nạn giao thông khoảng 10 năm trước đã cuốn bay tất cả những hoài bão, giấc mơ của chàng trẻ Nguyễn Duy Linh. Tuy chiến thắng được tử thần, nhưng sau đó là chuỗi ngày đầy tăm tối của anh.

“Thời điểm đó tôi rất bế tắc, suốt ngày chỉ loanh quanh ở nhà. Khi những vết thương đã gần như lành hẳn, tôi quyết định vào TP.HCM kiếm sống chứ không thể tiếp tục cuộc sống nhạt nhẽo như thế này. Tôi nhớ, đó là vào năm 2012”, Linh nhớ lại.

Đặt chân vào TP.HCM, nhờ sự giới thiệu của những người cùng quê, Linh đã quyết định thử sức với nghề “đu người” lau chùi kính cho những tòa cao ốc. Chỉ nghe qua thôi thì Linh cũng như bất kì ai khác đều mường tượng ra sự nguy hiểm của nghề này.

Linh kể: Những ngày đầu anh chỉ phải đứng dưới để hỗ trợ và “học lỏm” những người lành nghề. Sau đó khoảng một tuần thì anh chính thức được đu dây lau kính cho một ngôi nhà ba tầng. Thấy hợp với công việc này nên anh quyết định gắn bó với nghiệp “lơ lửng” làm đẹp cho những ô cửa kính của những tòa nhà giữa Sài thành hoa lệ.

Còn Tí – một đồng nghiệp của Linh nói thêm: “Tụi em được trả từ 400-500 ngàn đồng cho một ngày công. Theo tụi em tính thì trong này hơn một nửa là cho sự “gan dạ” rồi. Bởi, việc lau kính là khá nhẹ nhàng”.

Còn khi được hỏi “Cái khổ nhất của nghề này là gì?” thì Linh cho biết đó là “Nắng và bản thân”. Anh giải thích: Ánh nắng rọi vào kính rồi phản chiếu lại nóng rát cả người, mỗi khi “đu lên trời” chúng tôi đều trùm kín người nhưng vẫn không ăn thua. Còn “bản thân” ở đây ý tôi muốn nói đó là sự tập trung của mỗi người, phải chu đáo ngay từ khâu chuẩn bị, phải bình tĩnh khi gặp phải những sự cố nhỏ… chỉ như thế mới hi vọng giảm thiểu tối đa những rủi ro khi theo nghề này.

“Hôm đứng trên sân thượng của một tòa nhà cao 50 tầng nhìn xuống bên dưới, tôi bỗng lạnh run người khi nghĩ về những việc “không hay” có thể xảy ra. Nhưng cũng trong tích tắc tôi đã gạt đi suy nghĩ đó và tiến hành công việc”, Linh bùi ngùi.

Yêu – thấy có duyên với nghề là vậy, nhưng theo chia sẻ của những người mà chúng tôi tiếp xúc thì hầu như ai cũng có ý định tìm một nghề khác ổn định hơn, bớt nguy hiểm hơn để gắn bó trong tương lai. Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng âu đó cũng là những suy nghĩ chính đáng của họ – những con người dũng cảm, treo mình “lơ lửng” giữa không trung để làm đẹp cho những tòa cao ốc, góp phần làm đẹp cho bộ mặt thành phố, nhất là mỗi độ Tết đến Xuân về!

59
 
60
Lau kính hiện vẫn là một trong những công việc nguy hiểm nhất thế giới

Cuối năm là cơ hội để có tiền về quê ăn Tết!

Những tòa nhà cao tầng mỗi năm chỉ “trang điểm” lại mặt kính từ 1-2 lần và thường tập trung vào dịp cuối năm. Chính vì thế, những người làm nghề này như Linh và Tí thường xuyên rơi vào cảnh thất nghiệp, chạy việc triền miên.

“Sau Tết, thường chúng tôi phải sống trong cảnh “thất nghiệp” và khi đó mỗi người sẽ tự tìm cho mình một công việc tạm thời như chạy xe ôm công nghệ, phụ hồ… để kiếm tiền chi tiêu trong ngày. Đặc thù nghề này nó thế nên chúng tôi cũng quen rồi!”, Linh chia sẻ.

Cũng như bao nghề lao động phổ thông khác, những người làm nghề lau kính cũng được “hỗ trợ” thêm tiền công vào dịp cuối năm. Ngày thường dao động từ 400-500 ngàn đồng thì dịp này họ sẽ được tăng lên 600-700 ngàn đồng một ngày công.

Tiền ngày công tăng cộng với lượng công việc nhiều nên dịp cuối năm chính là cơ hội để cho Linh và đồng nghiệp kiếm tiền, bù lại cho khoảng thời gian “thất nghiệp” đầu năm để về quê ăn Tết.

Lau vội những giọt mồ hôi khi vừa tiếp đất, Linh chia sẻ: “Cuối năm công việc rất nhiều, anh em tụi mình hầu như không có ngày nghỉ. Rất mệt, nhưng phải cố thôi! Tết nhất đến nơi rồi, phải cố để năm nay “rủng rỉnh” về quê lo cho cho vợ con!”.

61
30 tuổi, nhưng Linh đã theo nghề được 6 năm.
“Chúng tôi biết vì sao công việc chúng tôi đang làm luôn luôn nằm trong top những công việc nguy hiểm nhất thế giới. Nhưng biết làm sao được, vì cuộc sống nên chúng tôi phải làm thôi. Vả lại, nếu ai cũng thấy nguy hiểm mà chối từ thì ai sẽ “làm đẹp” cho những tòa cao ốc đây!”, Linh bộc bạch.

Thanh Minh

 

Bình luận

Nổi bật

Lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Việt Nam có ‘siêu máy’ CT 1975 lát cắt tích hợp AI, giúp đánh giá nhanh đột quỵ chỉ trong 5 phút

Lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Việt Nam có ‘siêu máy’ CT 1975 lát cắt tích hợp AI, giúp đánh giá nhanh đột quỵ chỉ trong 5 phút

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 16:31

Hệ thống CT 1975 lát cắt có tốc độ chụp 0,23 giây/độ phân giải thời gian 19,5 mili giây, phát hiện được các tổn thương nhỏ chỉ 0,23mm.

Cách chống đọng nước gương hậu ô tô: Bí quyết an toàn khi lái xe dưới trời mưa

Cách chống đọng nước gương hậu ô tô: Bí quyết an toàn khi lái xe dưới trời mưa

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:09

(CL&CS) - Giữ cho gương chiếu hậu ô tô không bị đọng nước trong quá trình lái xe dưới trời mưa là một phần rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

Đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:09

(CL&CS) - Hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đã phát triển đúng định hướng, bám sát những yêu cầu thực tiễn và từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hướng tới những mục tiêu mới, KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ là một trong những trụ cột, động lực kiến tạo, đưa Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.