Dữ liệu cũ
Thứ hai, 29/10/2018, 20:22 PM

Lion Air – “sư tử bay” có quá nhiều vấn đề!

(NTD) – Lion Air – hãng hàng không vừa có máy bay rơi sáng 29/10 khi bay từ Jakarta đến đảo Sumatra với 189 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay – là hãng hàng không giá rẻ có tốc độ phát triển cực nhanh nhưng cũng có nhiều vấn đề về an toàn bay.

LionAir1
Lion Air đặt mua 50 máy bay Boeing mới trị giá hơn 6 tỷ USD vào đầu năm nhằm phục vụ cho kế hoạch mở các đường bay mới đến Nam Á từ cuối năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Vụ tai nạn ngày 29/10 là tai nạn chết người nghiêm trọng nhất của Lion Air kể từ năm 2004: Máy bay DC-9 của hãng bị rơi khi chuẩn bị đáp xuống sân bay ở Solo City, miền Trung đảo Java giữa trời mưa lớn, làm 25 người thiệt mạng.

Phát triển vũ bão

Hãng hàng không tư nhân này được thành lập năm 1999 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại bằng hàng không nối liền 17.000 hòn đảo của đất nước đông dân nhất Đông Nam Á. Với 183 tuyến bay nội địa và quốc tế trong khu vực, Lion Air là hãng hàng không lớn nhất của Indonesia về số lượng hành khách và là một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất của thế giới sau AirAsia của Malaysia. Hầu hết máy bay của Lion Air là Boeing 737.

Lion Air phát triển như vũ bão ở Đông Nam Á với hơn 600 triệu dân. Đầu năm nay, Lion Air xác nhận đơn hàng mua 50 máy bay Boeing mới (loại thân hẹp) trị giá 6,24 tỷ USD. Trước đó, Lion Air cũng nổi đình đám với hợp đồng mua 230 máy bay Boeing mới trị giá gần 22 tỷ USD nhân chuyến thăm của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào tháng 11/2011.

Hiện Lion Air đang bay hay hợp tác với các hãng con gồm Thai Lion Air, Malindo Air, Wings Air, Batik Air và Lion Bizjet. Thai Lion Air hiện có hai đường bay từ Bangkok, Thái Lan đến Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, Malindo Air cũng có hai đường bay tương tự từ Kuala Lumpur, Malaysia đến hai thành phố lớn nhất Việt Nam.

“Sư tử bay” có quá nhiều vấn đề!

Là một trong những hãng giá rẻ phát triển nhanh nhất châu Á và thế giới, Lion Air cũng nổi tiếng là hãng có rất nhiều “tổn thất thân máy bay” – hull losses – một thuật ngữ trong ngành hàng không.

Tháng 9/2018, hai máy bay của Lion Air đã quẹt cánh nhau trên đường băng ở sân bay Jakarta. Các nhà điều tra sau đó nói sự cố này là do có quá nhiều máy bay cất cánh cùng lúc tại sân bay này. Tháng 4/2018, máy bay Boeing 737-800 của hãng đã trượt đường băng tại sân bay Gorontalo trên đảo Sulawesi. Sau các sự cố trên, các nhà điều tra và Lion Air đã ra các khuyến cáo về nâng cao nhận thức và quy trình an toàn hàng không.

Năm 2017, một máy bay Boeing của hãng va chạm với máy bay của hãng Wings Air khi hạ cánh xuống sân bay Kualanamu trên đảo Sumatra. Không ai bị thương trong vụ va chạm này.

Tháng 5/2016, hai máy bay của hãng va chạm tại sân bay Soekarno-Hatta ở Jakarta. Trước đó một tháng, một máy bay của hãng Batik Air – hãng con thuộc Lion Group – va quệt mạnh với máy bay của hãng TransNusa.

Năm 2013, phi công mới, ít kinh nghiệm đã đáp máy bay chệch đường băng và rơi xuống biển Bali. Máy bay bị vỡ làm đôi, nhiều hành khách bị thương nhưng không có ai thiệt mạng.

Nhưng ngược dòng lịch sử của Lion Air, hãng này đã gặp những vấn đề về an toàn ngay những năm đầu tiên đi vào hoạt động.

Ba năm sau khi thành lập, tháng 1/2002, một máy bay Boeing 737-200 của hãng bị rơi ngay sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế ở Pekanbaru, đảo Riau. Không ai bị thiệt mạng. Vụ rớt máy bay làm 25 người thiệt mạng vào năm 2004 là tai nạn đầu tiên và duy nhất có người thiệt mạng của Lion Air cho đến sáng ngày 29/10.

LionAir2
Công tác cứu hộ chuyến bay JT 610 sáng ngày 29/10/2018 tại cảng biển Jakarta. 189 hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay được xem là không có khả năng sống sót. (Ảnh: AFP)

Indonesia có số vụ tai nạn máy bay gấp 3 lần thế giới!

Ngành hàng không Indonesia đang bùng nổ với lượng hành khách nội địa tăng chóng mặt trong thập niên vừa qua, nhưng cũng gặp nhiều tai tiếng vì quản lý yếu kém.

Năm ngoái, Hiệp hội Kiểm soát viên không lưu Indonesia nói rằng số chuyến bay cất cánh và hạ cánh ở sân bay quốc tế Jakarta đã vượt quá năng lực kiểm soát của công ty điều khiển không lưu AirNav. Vì thế khả năng tai nạn hàng không gia tăng.

Vụ tai nạn mới cũng là “cú đấm” mạnh vào thành tích an toàn hàng không của Indonesia sau khi Liên hiệp châu Âu (EU) và Hoa Kỳ vừa gỡ bỏ cấm vận bay trên bầu trời EU và Hoa Kỳ đối với các hãng hàng không nước này. Indonesia có số vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng gấp 3 lần tỷ lệ trung bình của thế giới.

EU cấm các hãng hàng không Indonesia bay đến châu Âu kể từ năm 2007 vì những lo ngại về an toàn bay. Lion Air được phép bay lại kể từ tháng 6/2016 và lệnh cấm các hãng bay khác chỉ được gỡ bỏ vào đầu năm 2018. Hoa Kỳ cũng gỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 10 năm vào năm 2016.

Đầu năm 2018, Lion Air thông báo hãng là một trong ba hãng hàng không chính của Indonesia – bao gồm hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia và Batik Air – được nâng lên mức an toàn cao nhất sau khi Indonesia vượt qua cuộc kiểm toán và sát hạch của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Ricky Hồ

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.