Văn hóa và Đời sống
Thứ năm, 01/02/2024, 08:36 AM

Lễ cúng ông Công ông Táo ở 3 miền Bắc-Trung-Nam

(CL&CS) Lễ cúng ông Công ông Táo là một phong tục truyền thống của người Việt Nam vào ngày 23 tháng Chạp mỗi năm. Tuy người miền nào cũng làm lễ nhưng sẽ có những sự khác biệt theo tín ngưỡng của từng vùng miền.

Lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp được coi là ngày lễ mở đầu cho Tết Nguyên đán của người Việt. Theo truyền thuyết, vào ngày này, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế về những chuyện đã xảy ra trong năm qua của gia chủ để luận công thưởng, phạt. Ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) sẽ định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. 

Với mong muốn Thần Bếp sẽ phù hộ cho gia đình mình được nhiều may mắn nên mọi nhà thường dọn dẹp nhà cửa, bếp núc thật sạch sẽ và làm một mâm cơm tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách trang trọng.

Miền Bắc

Người miền Bắc thường cúng ông Công ông Táo từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là vào trưa 23 tháng Chạp. Dân gian quan niệm rằng, sau thời gian này, các Táo lên chầu trời nên không còn ở dương gian để nhận lễ được.

Lễ vật cúng ông Công ông Táo của người miền Bắc sẽ gồm ba bộ mã, 2 bộ là dành cho hai Táo ông, 1 bộ dành cho Táo bà. Ngoài ra, còn có các loại vàng mã khác cùng hương, hoa, oản, quả, cau, trầu. Những đồ vàng mã sẽ được hóa sau lễ cúng.

Mâm cơm cúng ông Công ông Táo là các món ăn truyền thống của người miền Bắc như xôi, gà, giò, canh măng, nem... Ở nhiều địa phương của Bắc Bộ còn cúng xôi chè, thường là chè bà cốt, nấu bằng nếp cái, xôi vò, đường nâu và gừng.

Phần lớn các gia đình miền Bắc thường dùng cá chép để làm đồ cúng lễ ông Công, ông Táo, có thể cúng cá chép sống hoặc cá chép giấy. Cá chép sống được đặt cạnh mâm lễ vật, sau khi lễ xong thì được đem thả phóng sinh ở ao hồ, sông suối gần nhà với ý nghĩa cá chép hoá rồng, làm phương tiện đưa các Táo trở về thiên đình. Bên cạnh đó, việc phóng sinh cá chép vào ngày này còn thể hiện tấm lòng nhân hậu và đức độ của gia chủ.

Miền Trung

Lễ tiễn Táo Quân về trời thường được cúng vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Thay vì cúng cá chép như miền Bắc, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy có đủ bộ yên cương.

Mâm cỗ cúng phải có cá thu hoặc cá ngừ, hoa tươi, trái cây và đặc biệt là bộ tượng Táo quân cũ cùng bộ tượng Táo quân mới đặt cạnh nhau.

Một số vùng như Huế và Hội An có tục dựng cây nêu trước nhà hay sân đình vào sáng ngày 23 tháng Chạp để xua đuổi ma quỷ khi các ông Táo “đi vắng” và làm lễ hạ cây nêu vào mùng 7 tháng Giêng.

Tượng ông Công ông Táo bằng đất nung

Tượng ông Công ông Táo bằng đất nung

Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ hạ tượng ba ông Táo cũ bằng đất nung trên bàn thờ bếp xuống và rước tượng ba ông Táo mới lên bàn thờ để bắt đầu một năm làm việc tiếp theo. Tượng các ông Táo cũ sẽ được đặt cạnh các miếu ở đầu xóm hay ở dưới gốc cây cổ thụ ở ngã ba đường.

Miền Nam 

Các gia đình miền Nam thường cúng Táo quân vào buổi đêm, trong khoảng thời gian từ 20 giờ đến 23 giờ ngày 23 tháng Chạp. Họ quan niệm rằng lễ cúng ông Táo chỉ được thực hiện khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không phải dùng đến bếp núc để nấu nướng, không phiền đến các Táo thì mới là lúc thực hiện nghi lễ tiễn Táo quân lên chầu trời. Tuy nhiên, do có sự giao thoa văn hóa nên giờ đây, nhiều nhà làm lễ tiễn ông Táo từ sáng sớm 23 tháng Chạp tại khu vực đặt bếp nấu.

Mâm cỗ cúng ngoài những món mặn chủ đạo như nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc... còn có thêm những chén chè trôi nước, đĩa kẹo được làm từ mè đen và đậu phộng. Lễ vật cúng ngoài nhang đèn, 3 chung nước nhỏ, đặc biệt phải có bộ "cò bay, ngựa chạy" dùng để hóa sau khi xong lễ.

Bộ vàng mã

Bộ vàng mã "cò bay ngựa chạy"

Bộ "cò bay, ngựa chạy" là những tấm giấy vàng mã in hình một con ngựa đang phi nước đại và một con cò với đôi cánh dang rộng, không có khung tre và gồm 2 phần khác nhau, một phần dùng trong lễ cúng tiễn và một phần dùng trong lễ rước ông Táo trở về gia chủ vào ngày 30 Tết.

Theo sách “Đặc khảo về Tín ngưỡng thờ Gia thần,” người dân Nam Bộ dùng bộ giấy "cò bay ngựa chạy" theo ý nghĩa ngựa chở Ông Táo đi đường bộ rồi cò chở Ông Táo bay về Trời.

Tục dùng ngựa và cò làm vật cưỡi trong miền Nam bắt nguồn từ nghi thức "xá mã, xá hạc" theo nghi thức của Đạo giáo và của Phật giáo. Đây là nghi thức được tiến hành sau cùng trong các buổi cúng tế. Người ta gom tất cả các tờ sớ nhét vào ngựa giấy và hạc giấy để sẵn trong lễ cúng rồi đem đốt với ý nghĩa nhờ ngựa và hạc mang sớ đến những nơi cầu cúng trong Tam giới.

Ngọc Ánh

Bình luận

Nổi bật

2 loại thực phẩm sẵn ở chợ Việt là ‘báu vật’ cho sức khỏe tim mạch, giúp gìn giữ tuổi xuân

2 loại thực phẩm sẵn ở chợ Việt là ‘báu vật’ cho sức khỏe tim mạch, giúp gìn giữ tuổi xuân

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 21:15

Chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi đầy đủ và thái độ sống tích cực là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Nữ bác sĩ tâm lý giật chồng của bạn thân 'gây sốt' màn ảnh Việt, khiến khán giả phẫn nộ nhưng ngoài đời lại hoàn toàn trái ngược

Nữ bác sĩ tâm lý giật chồng của bạn thân 'gây sốt' màn ảnh Việt, khiến khán giả phẫn nộ nhưng ngoài đời lại hoàn toàn trái ngược

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 21:14

Hóa thân xuất sắc vào vai nữ bác sĩ tâm lý mưu mô, tính toán, Lương Thu Trang nhận về làn sóng chỉ trích của khán giả. Không ít người vào tran Facebook cá nhân của nữ diễn viên để lại những bình luận tiêu cực, kém duyên.