Thứ tư, 01/12/2021, 23:31 PM

Khi nông dân là đòn bẩy phổ cập tài chính số

(CL&CS)- Chia sẻ tại Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”, ôngTrương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel , một trong 3 DN viễn thông được triển khai thí điểm Mobile Money, cho rằng chính những người nông dân- những người đang sinh sống tại vùng sâu vùng xa, những nơi chưa có đầy đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ số sẽ là đòn bẩy, là điểm tựa để Viettel phổ cập tài chính số…

Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm

Trong khuôn khổ chuỗi chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam 2021”, ngày 1/12 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”,

Toan canh hoi thao (1)

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Đề án đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm…

“Để đạt được mục tiêu nêu trên, với lực lượng đông đảo, việc triển khai chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới Người nông dân là vô cùng quan trọng…”- Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhẫn mạnh.

Đặc biệt, Chính phủ đã có Quyết định 316/QĐ-TTg Phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) và đã cấp phép cho 03 nhà mạng viễn thông gồm Vietel, VNPT và Mobiphone triển khai thí điểm dịch vụ này.

oDung

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, NHNN đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình TTKDTM ở khu vực nông thôn với 03 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng…

Báo cáo của NHNN cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị; Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020);

Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, trong đó, thanh toán qua di động tăng 50 - 80%/năm về số lượng; thanh toán qua internet tăng 35 - 40%/năm về số lượng; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.

Lấy nông thôn “bao vây" thành thị

Là một trong 3 nhà mạng viễn thông được cấp phép triển khai dịch vụ Mobile Money, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội Viettel bày tỏ: "Đối với Viettel, việc phổ cập tài chính số với Viettel Money cũng giống như câu chuyện phổ cập dịch vụ viễn thông cách đây hàng chục năm - lấy nông thôn bao vây lấy thành thị".

OViet

Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel

Theo đại diện Viettel, chính những người nông dân- những người dân đang sinh sống tại vùng sâu vùng xa, những nơi chưa có đầy đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ số sẽ là đòn bẩy, là điểm tựa để Viettel phổ cập tài chính số, mang dòng chảy thịnh vượng của công nghệ, kiến tạo cuộc sống mới - hiện đại, thông minh, tiện lợi…

“Đây cuộc cách mạng lớn nhất đối với họ. Cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi cách thức tác nghiệp của người nông dân. Và Mobile Money nói chung hay Viettel Money nói riêng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc mang lại cuộc sống thuận tiện hơn, khá giả hơn, đầy đủ hơn cho người dân vùng nông thôn…”- Ông Việt quả quyết.

Việc chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán bằng bằng các phương thức TTKDTM, trong đó có Viettel Money để mua sắm cây trồng, thanh toán các chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay những chi phí khác tạo ra một bản sắc kinh tế mới, một nông thôn mới với nhiều ưu thế trong việc giao thương, mua bán.

Bà con giờ đây sẽ được tiếp xúc với tất cả mọi dịch vụ tài chính số. Phạm vi mua bán, giao thương được mở rộng - người nông dân sẽ dễ dàng vay vốn để mua trâu bò, hạt giống, đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống.

"Câu chuyện về những lái buôn nước ngoài trục lợi sẽ chẳng còn nữa, vì bà con đã có thể trực tiếp quảng bá sản phẩm nông, lâm nghiệp của mình tới người dùng cuối mà không cần thông qua bất cứ kênh trung gian nào"- ông Việt kỳ vọng.

Ngoài ra, với hệ thống điểm giao dịch phủ đến từng bản làng, Viettel Money sẽ góp phần giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là giảm thiểu được rủi ro trong quá trình đi lại.

Cần đồng bộ nhiều chính sách…

Tại Hội nghị, nhiều nông dân chỉa sẻ kinh nghiệm TTKDTM của mình, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn.

Nông dân Lê Phước Thọ  (Vĩnh Long) cho rằng tập quán dùng tiền mặt như là một nét văn hóa, trong khi không phải người nông dân nào cũng có điện thoại thông mình. “Vậy làm thế nào để thay đổi? Họ phải thấy được lợi ích để họ không dùng tiền mặt nữa!”- Ông Thọ đề nghị.

Nông dân Lý Văn Bon (Càn Thơ) thẳng thắn: “Dùng Mobile Money có an toàn không? Mất điện thoại sẽ như thế nào? Có khi nào mất tiền trong Mobile Money không?”

oNam

Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam

Khẳng định những lợi ích to lớn mà TTKDTM đem đến cho người nông dân, Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho rằng, để thực hiện thành công Đề án TTKDTM giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ, theo ông Nam còn nhiều thách thức và khó khăn, nhất là với khu vực nông thôn.

“Điểm chấp nhận phương thức TTKDTM rất hạn chế và thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến việc triển khai TTKDTM gặp nhiều khó khăn"- Ông Nam băn khoăn.

Ngoài ra, những khó khăn về hạ tầng viễn thông, internet; cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý; thiếu cơ sở hạ tầng dữ liệu định danh điện tử; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trước rủi ro an ninh mạng, các hành vi lừa đảo; gian lận; đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân… cũng tác động tới hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Theo đại diện Hội Nông dân Việt Nam, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn.

"Ví như để TTKDTM được sử dụng rộng rãi ở khu vực nông thôn, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, Bộ Công Thương cũng cần phải vào cuộc với những chính sách khuyến khích các sàn thương mại điện tử về khu vực nông thôn, tạo điều kiện để cho các DN trên địa bàn cũng như người dân có nơi mua bán, thanh toán bằng phương thức hiện đại. Hay như Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần có chính sách về dịch vụ viễn thông đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng xa, khuyến khích người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông, như Internet, dịch vụ 3G, 4G..."- ông Nam đề nghị.

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam, muốn phát triển TTKDTM mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp.

BSen

Bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trường Vụ truyền thông NHNN

Đây cũng là giải pháp được Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đặc biệt lưu ý Khi triển khai Đề ánh TTKDTM.

Theo Vụ trường Vụ truyền thông NHNN, bà Lê Thị Thuý Sen, truyền thông cho  đối tượng người dân ở khu vực nông thôn phải quan tâm tới những vấn đề nông dân cần, sự thuận lợi, an toàn, dễ sử dụng của các tiện ích của TTKDTM. Tiếp đó là tuyên truyền rõ về các giải pháp an ninh an toàn bảo mật khi nông dân còn e dè..

“Chúng tôi sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường các tầng nấc bảo đảm an toàn để dân nông thông cũng có thể sử dụng dịch vụ TTKDTM tiện lợi nhất, an tâm nhất. Việc này các tổ chức tín dụng phải hướng dẫn bà con cách sử dụng…”- Vụ trưởng Vụ Truyền thông nhấn mạnh….

Nhị Thanh

Bình luận

Nổi bật

Saigon Co.op khởi động chương trình sinh nhật quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Saigon Co.op khởi động chương trình sinh nhật quy mô lớn nhất từ trước đến nay

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:05

(CL&CS) - Đánh dấu chặng đường 35 năm hình thành, phát triển và trở thành thương hiệu uy tín dẫn đầu ngành bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, Saigon Co.op tổ chức chuỗi hoạt động hướng đến khách hàng, cộng đồng và xã hội trong cả năm 2024.

Trứng gà, trứng vịt giá rẻ bán tràn lan khó kiểm soát nguồn gốc

Trứng gà, trứng vịt giá rẻ bán tràn lan khó kiểm soát nguồn gốc

sự kiện🞄Thứ hai, 08/04/2024, 15:57

(CL&CS) - Hiện nay, trứng gà, vịt giá rẻ đang được bán tràn lan trên xe đẩy, bán xô… nhưng nguồn gốc, chất lượng sản phẩm không được kiểm soát.

Hướng dẫn rút tiền bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip

Hướng dẫn rút tiền bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip

sự kiện🞄Thứ năm, 04/04/2024, 19:55

(CL&CS) - Sử ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip để thực hiện các giao dịch rút tiền tại máy ATM đã được một số ngân hàng được triển khai. Chỉ với vài thao tác đơn giản, khách hàng có thể rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip tại máy ATM khá dễ dàng.