Dữ liệu cũ
Thứ hai, 10/06/2019, 13:17 PM

Khi chủ đầu tư đại học tạo hệ thống giáo dục khép kín

(NTD) - Không sôi động như thị trường chuyển nhượng các trường đại học (ĐH) tư thục, công cuộc đầu tư và mua bán các trường từ mầm non đến trung học diễn ra thầm lặng hơn. Tuy chưa được chú ý nhiều, nhưng đây là xu hướng mà các nhà đầu tư giáo dục đang theo đuổi để tạo ra hệ sinh thái khép kín cho giáo dục liên cấp của mình, đồng thời để tăng lợi nhuận.

Đầu tư “xuôi”, đầu tư “ngược”

Chính thức trở thành chủ đầu tư của ĐH Quốc tế Hồng Bàng vào năm 2015, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) coi như đã hoàn tất việc sở hữu các trường học ở khắp các cấp học của mình. Trước đó, tập đoàn này đã sở hữu trong tay hệ thống Trường Mầm non Saigon Academy, hệ thống trường liên cấp iSchool tại các tỉnh. Người ta không khó để nhận ra tham vọng “phủ sóng” giáo dục các cấp rất mạnh mẽ của người chủ NHG khi bắt đầu bước vào lĩnh vực giáo dục đại học.

Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Sau Hồng Bàng, liên tiếp các trường đại học như Hoa Sen, Gia Định, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành viên của NHG. Ở các cấp học khác, NHG cũng nhanh chóng bổ sung thành viên. Đó là hệ thống trường quốc tế Bắc Mỹ, trường quốc tế song ngữ UK Academy.

Hướng đi từ mầm non, phổ thông đến đại học cũng diễn ra tương tự ở Tập đoàn Thành Thành Công (TTC). Ban đầu sở hữu hệ thống các trường phổ thông tư thục trên khắp cả nước, sau đó TTC có thêm ĐH Yersin. Thậm chí, tập đoàn này nắm luôn Trường Cao đẳng Sonadezi ở tỉnh Đồng Nai.

Hướng đầu tư “ngược” này có lẽ làm cho các ông chủ sở hữu các trường ĐH “động tâm”. Những trường ĐH thành lập khoảng 20 năm trở lại đây và có sự phát triển nhất định bắt đầu tìm kiếm một nguồn sinh viên tương lai cho mình. Năm 2017, Trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS) được thành lập trực thuộc Tập đoàn Giáo dục Văn Lang (chủ đầu tư ĐH Văn Lang), giảng dạy chương trình song ngữ từ tiểu học, THCS đến THPT. Tháng 4/2019, hệ thống giáo dục Hutech (có hai thành viên là ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) chính thức giới thiệu Trường Song ngữ Quốc tế Hoàng Gia (Royal School) với mô hình giáo dục song ngữ tiêu chuẩn quốc tế liên cấp từ mầm non, tiểu học đến trung học.

Các ông chủ của ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Hiến cũng không ngồi yên và ráo riết tìm trường phổ thông để đầu tư. Trong đó, Tập đoàn Hùng Hậu (chủ đầu tư Trường ĐH Văn Hiến) trong thời gian gần đây đã trở thành chủ của Trường CĐ Vạn Xuân và Trung cấp Vạn Hạnh. Chỉ cần chờ trường phổ thông, hệ sinh thái giáo dục của họ sẽ trở nên hoàn chỉnh.

Đầu tư xuôi, đầu tư ngược, nhưng cũng có những chủ đầu tư tính toán đến việc đào tạo song song ngay từ ngày đầu thành lập. Trường ĐH Tân Tạo được mở cùng Trường THPT Năng khiếu ĐH Tân Tạo là một ví dụ. Xa hơn, năm 1999, khi thành lập Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, người chủ trường đã cùng lúc mở Trường Quốc tế Á Châu. Tân Tạo đã không thành công, nhưng những nhà đầu tư của ĐH Quốc tế Sài Gòn đang hưởng “hoa thơm quả ngọt”.

giaoduc
Tiến sĩ Troy VanAken, Hiệu trưởng Elmhurst College (đứng giữa), trong buổi lễ ký thỏa thuận hợp tác với Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus và Đại học FPT. (Ảnh: R.H.).

“Không bao giờ quên lợi nhuận”

Khi sở hữu các trường phổ thông, chủ đầu tư của các trường ĐH đều tuyên bố về mục đích của mình. Đó là mang lại những giá trị về giáo dục đẳng cấp quốc tế cho học sinh Việt Nam. Đó là nền giáo dục tiên tiến của Anh và Hoa Kỳ từ NHG. Giáo dục theo tiêu chuẩn Cambridge ở mạng lưới của Hutech. Hay đẳng cấp của giáo dục Phần Lan tại Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan mà Trường ĐH Tôn Đức Thắng mở ra và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 9 năm nay.

Nhưng mục đích sâu xa hơn của các bước đầu tư này là gì? Một tiến sĩ kinh tế, cũng là người trực tiếp điều hành một số trường ĐH, CĐ cho rằng dù là đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, một nhà kinh doanh không bao giờ quên chuyện lợi nhuận. Việc đầu tư vào các trường phổ thông sau khi thành công với trường ĐH của họ chắc chắn sẽ có lý do chuyển hướng đầu tư. Mặc dù vừa qua việc chuyển nhượng trường ĐH diễn ra sôi động nhưng đến nay đã bắt đầu bão hòa. Lý do là những người chủ sở hữu đều đang rất mạnh về tiềm lực tài chính, khó có thể chuyển nhượng lại cho người khác ít nhất trong vòng 5 năm sắp tới.

Vị tiến sĩ cũng cho biết, việc thành lập trường mới hiện nay cũng là bất khả thi. Ngoài yêu cầu phải có 1.000 tỷ đồng còn là chủ trương siết chặt không cho thành lập trường ĐH vì lợi nhuận của Chính phủ. Ngay cả doanh nghiệp mạnh như Vin Group cũng phải thành lập Trường ĐH VinUni không vì lợi nhuận, vốn dĩ không có lợi thế kinh doanh bằng các trường vì lợi nhuận. Chuyển hướng đầu tư sang cấp phổ thông, mầm non sẽ khả thi hơn và cũng có ít đối thủ cạnh tranh mạnh hơn.

Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng là nếu như sở hữu các trường phổ thông, các nhà đầu tư giáo dục sẽ không phải quá lo lắng về nguồn sinh viên tương lai đầy tiềm năng của các trường CĐ và ĐH trong hệ thống. Trường phổ thông càng mạnh, sẽ càng có nhiều học sinh vào học trường cao hơn trong cùng một hệ thống. Các trường ĐH lúc này sẽ tiết giảm được nhiều công sức, thời gian, tiền bạc hơn cho chi phí tuyển sinh, vốn dĩ chiếm khoảng 10% doanh thu mỗi năm của các trường.

giaoduc2
Một cơ sở của Trường Mầm non Saigon Academy tại TP.HCM. (Ảnh tư liệu).

Trường phổ thông hợp tác với ĐH nước ngoài

Với các trường ĐH, việc liên thông đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài không là chuyện hiếm và đã hình thành từ rất lâu bởi các nhà đầu tư giáo dục trường tư thục ngay từ đầu đã muốn tạo dựng uy tín và thương hiệu của mình. Với các trường phổ thông, đây là xu hướng mới toanh! “Các chương trình hợp tác giữa ĐH Elmhurst College với các trường Việt Nam sẽ giúp việc chuyển tiếp của du học sinh Việt Nam tại các trường ở Hoa Kỳ nhanh chóng và dễ dàng hơn, không cần qua bước đánh giá bảng điểm độc lập” - tiến sĩ Troy D. VanAken, Hiệu trưởng Elmhurst College, cho biết.

Trong chuyến công tác tại TP.HCM vào cuối tháng 4/2019, tiến sĩ VanAken nói với Báo Người Tiêu Dùng rằng hiện Elmhurst đã ký các thỏa thuận hợp tác với ba trường trung học chất lượng cao và quốc tế tại Việt Nam, bao gồm: Trường phổ thông Chuyên ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) tại Hà Nội, và Trường Quốc tế Singapore (SIS) thuộc Tập đoàn Kinderworld Group. Ông VanAken hy vọng rằng số trường trung học hợp tác với Elmhurst sẽ nhiều hơn trong năm nay.

“Chúng tôi vừa tiếp đoàn gồm 13 vị hiệu trưởng các trường trung học Việt Nam. Họ đánh giá cao chất lượng giảng dạy tại Elmhurst và mong muốn sớm đạt thỏa thuận hợp tác. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển tiếp của học sinh các trường Việt Nam tại Elmhurst College cũng như các đại học trường khác” - ông VanAken nói.

Bên cạnh thỏa thuận hợp tác với ba trường trung học Việt Nam, Elmhurst College cũng hợp tác với Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus trong chương trình đào tạo ngành du lịch khách sạn và Đại học FPT trong đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA).

giaoduc1
Việt Nam có trên 22 triệu học sinh từ cấp tiểu học đến trung học. Trong ảnh, học sinh hệ phổ thông của một đại học tại TP.HCM. (Ảnh tư liệu).

An Thư - Ricky Hồ

NTD_So_190_Noi trang (32-33)
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.