Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 10/08/2018, 22:00 PM

Huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên: Doanh nghiệp xả thải, người dân gánh chịu

(NTD) - Là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Tùng đã bị không ít người dân phản ánh về hành vi xả thải ra môi trường, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của bà con địa phương.

Pháo đài “ma” bất khả xâm phạm?

Nhận được phản ánh của người dân, chiều ngày 08/08 và sáng ngày 09/08/2018, phóng viên (PV) báo Người tiêu dùng đã có mặt tại thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, hay còn được biết đến là làng nghề Minh Khai, nổi tiếng với việc tái chế nilon, đồ nhựa đã qua sử dụng. Khi đến đây, cảnh tượng đầu tiên mà PV được thấy chính là mức độ khổng lồ của rác thải chồng chất lên nhau, lên cả những vỉa hè, mái ngói hay thậm chí cao ngất đến 2, 3 tầng nhà.

Được biết, cho đến nay làng nghề đã có khoảng 1.000 doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh nghề tái chế nhựa. Hoạt động sản xuất tái chế nhựa tại đây đã thải ra môi trường không ít khí thải, nước thải, rác thải độc hại, tích tụ, kéo dài nhiều năm với mức ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nổi cộm lên trong số các doanh nghiệp lâu năm “có tiếng” tại đây là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Tùng (Công ty Sơn Tùng). 

Hiện tại, Công ty Sơn Tùng có trụ sở chính tại thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, ngay bên đường tỉnh 388 và chỉ cách UBND xã Lạc Đạo chưa đầy 1 km. Được biết đây là địa điểm mới mà công ty được chuyển ra từ trong làng nghề Minh Khai, nhưng với việc công ty xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã khiến người dân nơi đây phải bức xúc, phẫn nộ.

Sự "nổi tiếng" của Công ty Sơn Tùng có thể kể đến việc... hỏi ai cũng biết đến. Tuy nhiên, để tìm được chính xác vị trí của Công ty lại không hề dễ dàng. PV đã phải dành nhiều giờ đồng hồ tìm hiểu và được chỉ lối đến một “cơ sở” được quây kín lại bằng rào tôn công trình.

Để chắc chắn không bị nhầm lẫn, PV đã gặp và hỏi một nhân viên bảo vệ tại cửa ra vào của cơ sở này và được khẳng định đây là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Tùng, cho dù không có biển tên, bảng hiệu nào. Duy nhất chỉ có một tấm áp phích được dán lên hàng rào với dòng chữ “Tuyển công nhân nam, nữ phân loại nhựa”.

z1077637712666_229d0e95207371dc4b734cbf27ddc66b
Cổng chính của Công ty Sơn Tùng không hề gắn biển tên

Thoạt nhìn, nếu chỉ thấy hàng rào chắn trước cửa, không ít người cho rằng cơ sở này sẽ có diện tích chỉ vài trăm mét vuông. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn diện tích của cơ sở này đã được các hộ dân mặt đường tỉnh 388 che khuất. Chỉ khi đi men theo hàng rào tôn mới thấy diện tích nơi này rất rộng, với rất nhiều nhà kho, công xưởng và thêm 2 cổng lớn đủ cho các xe trọng tải lớn ra vào. Theo đo đạc từ vệ tinh quan sát của Google, thì diện tích của cơ sở này lên đến hơn 20.000 m2.

Nhằm đảm bảo “người ngoài” không thể quan sát những hoạt động bên trong, hàng rào bao quanh Công ty Sơn Tùng luôn được dựng cao hơn 2m và ngay dưới chân hàng rào là hào nước chạy dọc toàn bộ chu vi ngoài của công ty. Hào nước này đồng thời có cửa thoát thông với mương thoát nước của xã Lạc Đạo, biến nơi này thành một “pháo đài” vững chắc.

z1077741162874_ae2a48ae81635517b0913480365b4697
Xung quanh Công ty là rào chắn cao hơn 2m và hào nước bảo vệ

Với việc không có biển tên thì Công ty Sơn Tùng vốn đã vi phạm Luật Doanh nghiệp 2013, đồng thời địa chỉ không rõ ràng và được rào kín xung quanh khiến không ít người nghi ngờ có sự khuất tất trong hoạt động tái chế, sản xuất nhựa của công ty này. Thậm chí, nếu không phải là người dân bản địa, thì khó ai có thể chỉ ra Công ty Sơn Tùng “nằm” ở chỗ nào.

Nỗi khổ của người dân

Qua trao đổi với một người dân đang làm ruộng tại khu vực phía sau Công ty Sơn Tùng, PV được biết từ công ty có 3 đường ống thoát nước thải đổ thẳng ra hào nước vào mương, ngày ngày xả nước thải độc hại đầy hóa chất và mùi hôi thối. Đứng quan sát tại bờ mương, PV không khỏi choáng váng với mùi hôi bốc lên từ dòng nước đen nổi đầy váng bọt trắng đục kết lại với nhau thành từng mảng.

z1077637399377_e2d2718642a39499c740d943a7f45092
Nước xả thải từ Công ty Sơn Tùng bốc mùi hôi thôi khó chịu

 “Nước thải đổ thẳng vào mương, vào ruộng đất của chúng tôi. Những hộ dân quanh đây ai cũng bức xúc và đã phản ánh lên xã. Bản thân tôi từ khi có cái công ty này (Công ty Sơn Tùng) thì làm ruộng làm đồng đều bị ngứa ngáy chân tay, mũi cũng luôn đau rát vì hít phải hóa chất.” - người này cho biết.

Trao đổi với nhiều người dân sinh sống tại thôn Ngọc, thì kể từ khi Công ty Sơn Tùng chuyển về đây hoạt động, cuộc sống của bà con đã bị đảo lộn không ít. Từ chuyện ăn uống, cày cấy đến sinh hoạt thường ngày đều bị mùi hôi thối và nước xả thải của công ty này gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều người không khỏi lo ngại cho sức khỏe của những thế hệ con, cháu được sinh ra trong môi trường bị đầu độc như thế này.

z1077741163095_092802126b846ada94318f6957cae7f8
Nước xả thải thông với kênh, mương, đồng ruộng khiến người dân phải lo sợ

 Người dân thôn Ngọc còn thông tin thêm: khoảng thời gian 2 - 3 giờ đêm khi đa số các hộ gia đình đã yên giấc là lúc Công ty Sơn Tùng và một số doanh nghiệp khác tại đây xử lý rác thải sau sản xuất bằng cách thiêu đốt, khiến không khí bị ô nhiễm nặng nề. Với việc thiêu hủy rác thải, đổ trộm và xả thải vào ban đêm, việc kiểm soát những sai phạm tại đây là vô cùng khó khăn.

Khi được hỏi rằng Công ty Sơn Tùng có từng bị xử phạt về ô nhiễm môi trường hay chưa, một người dân lắc đầu ngao ngán: “Xử phạt thì hình như từng có rồi đấy, nhưng họ làm gì thì cứ làm thôi vì với họ xử phạt như thế có đáng là bao. Chúng tôi kêu lên xã, lên huyện rồi mà bao lâu nay họ vẫn hoạt động bình thường. Nghe đâu là nhà ông Cánh, cha đẻ của Giám đốc công ty ấy, quen biết rộng lắm ở “tuyến trên” nên không có động vào được đâu”.

Một cán bộ địa chính tại địa phương cho biết các loại nhựa được xử lý tại Văn Lâm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và nhiều địa phương khác. Hoạt động sản xuất, tái chế nhựa diễn ra liên tục, với khối lượng có thể lên tới 1000 tấn/ngày. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% nhựa có thể xử lý thành các sản phẩm như ống nhựa, túi ni-lông, hạt nhựa, ... còn lại 70% nhựa không thể xử lý mà các doanh nghiệp tại đây thường đổ lén, đổ trộm, thiêu đốt hoặc đem chôn.

Nghi vấn được đặt ra, là bằng cách nào mà Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Tùng vẫn điềm nhiên hoạt động bất chấp lời kêu than của bà con dân cư thôn Ngọc? Liệu rằng có hay không lợi ích nhóm từ các cơ quan địa phương hay cấp cao hơn nữa như người dân đồn đại? Cần có sự tham gia, vào cuộc của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, phòng tài nguyên môi trường huyện Văn Lâm để làm rõ những hành vi sai phạm của Công ty Sơn Tùng, giảm tải tình trạng ô nhiễm môi trường vốn đã ở mức báo động tại địa phương này.

Phía sau hoạt động của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Tùng còn những ẩn giấu, khuất tất gì chưa được công bố? Báo Người tiêu dùng sẽ sớm thông tin với bạn đọc.

Hải Minh

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.