Thứ sáu, 03/11/2023, 09:12 AM

Huyện Mê Linh phát triển có hiệu quả các vùng sản xuất chuyên canh

(CL&CS) - Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mê Linh đã và đang chú trọng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đây cũng là giải pháp của huyện nhằm đưa công cuộc xây dựng nông thôn mới trở nên thiết thực, hiệu quả, gắn với quá trình đô thị hóa.

Hiệu quả kinh tế lớn từ các vùng sản xuất chuyên canh

Với lợi thế diện tích tự nhiên trên 14.000ha, trong đó đất nông nghiệp trên 8.000ha, huyện Mê Linh đã và đang chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.

Đến nay, huyện Mê Linh đã quy hoạch được các vùng chuyên canh quy mô lớn như: Vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh; vùng sản xuất rau tại các xã Tráng Việt, Văn Khê, Tiền Phong, Tiến Thắng; vùng trồng chuối tiêu, tây hồng tại các xã Hoàng Kim, Chu Phan; vùng sản xuất lúa cốm tại xã Tam Đồng…

1

Huyện Mê Linh chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, vùng chuyên canh tập trung.

Đáng chú ý, hiện Mê Linh cũng là vùng trồng hoa, rau củ quả lớn của miền Bắc với nhiều mô hình cho sản lượng và giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua, HTX hiện có trên 900 hộ thành viên. Trong đó, trên 600 hộ đang sản xuất nông nghiệp và canh tác chuyên canh cây củ cải trắng và các chủng loại rau màu khác. Hàng năm, HTX cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 20% rau củ quả các loại phục vụ người dân, còn lại là các tỉnh bạn. Cụ thể, khu vực thâm canh rau củ quả như Đồng Ta và Bãi Non có trên 200ha, năng suất gần 40.000 tấn/năm.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sinh, thành viên HTX Đông Cao, từ khi chuyển trồng dâu, nuôi tằm sang trồng rau sạch, kinh tế của gia đình ông đã ổn định hơn. Trên diện tích 1ha, mỗi ngày gia đình ông cung cấp ra thị trường từ 35 - 40kg rau các loại, thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Với nguồn thu này, gia đình ông Sinh đã xây được nhà mới khang trang, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đức, cũng là thành viên HTX Đông Cao phấn khởi chia sẻ: "Trồng rau, củ theo hướng sạch, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Vì thế, để tăng thu nhập cho gia đình, hai vợ chồng tôi quyết tâm thuê thêm hơn 7 sào đất tiếp tục trồng các loại rau ăn lá các loại, như: Củ cải, cải xanh, cà chua… Tính trung bình, gia đình tôi chỉ bỏ vốn đầu tư 2 - 3 triệu đồng/sào nhưng thu được 6 triệu đồng/sào/vụ".

Còn tại xã Hoàng Kim, những năm gần đây, vùng chuyên canh cây chuối với quy mô hàng chục ha đã mang lại nguồn thu ổn định cho người dân. Ông Sái Công Triệu, nông dân xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh cho biết, nhận thấy tiềm năng lớn của vùng đất bãi ven sông Hồng, ông Triệu đã bắt tay với nông dân trong xã đầu tư, phát triển vùng canh tác chuối rộng hàng chục hecta. Không chỉ thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, mô hình kinh tế còn mang lại thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương.

Đáng chú ý, trong quá trình phát triển cây chuối, ông Triệu cũng áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao chất lượng cũng như năng suất cho cây trồng. Với diện tích canh tác hơn 70ha, gia đình ông Triệu đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, bảo quản. Các sản phẩm chuối của gia đình ông Triệu đã xây dựng được mối liên kết tiêu thụ với nhiều thương lái. Mỗi năm có hàng trăm tấn chuối đã được ông xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tập trung nguồn lực phát triển vùng chuyên canh gắn với du lịch sinh thái

Để hình thành các vùng sản xuất tập trung, thời gian qua, huyện Mê Linh đã tập trung quy hoạch, quản lý và triển khai quy hoạch vùng sản xuất tập trung; chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đến nay, 13 quy hoạch sản xuất cho các xã trọng điểm phát triển sản xuất nông nghiệp đã được huyện phê duyệt. Trên địa bàn huyện đã hình thành 135 vùng sản xuất tập trung với 43 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 92 vùng sản xuất tập trung để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế trang trại.

2

Mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh.

Cùng với đó, huyện từng bước chú trọng triển khai huy động nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các vùng chuyên canh, phát triển sản xuất tập trung gắn với du lịch sinh thái. Trên địa bàn huyện hình thành nhiều mô hình tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình sản xuất hoa lan Hồ Điệp công nghệ cao tự động hóa; sản xuất giống hoa cúc bằng phương pháp nuôi cấy mô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; mô hình hoa ly chất lượng cao định hướng xuất khẩu; mô hình hoa hồng thế, bonsai....

Ngoài ra, huyện Mê Linh cũng tăng cường chỉ đạo kết nối hỗ trợ liên kết sản xuất, sơ chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngày càng bền vững; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện bằng nhiều hình thức. Điển hình như Lễ hội hoa Mê Linh lần đầu được tổ chức vào năm 2022 đã thu hút trên 100.000 lượt người thăm quan, tạo hiệu ứng mạnh mẽ lan tỏa, quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh của huyện.

Phát huy những kết quả đạt được trong việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái hiệu quả và bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ cao gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng: "Kinh tế xanh - nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh".

Theo Lao động thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Đang trong đà bứt tốc, thị trường địa ốc Việt có bao nhiêu dự án bất động sản đang xây dựng?

Đang trong đà bứt tốc, thị trường địa ốc Việt có bao nhiêu dự án bất động sản đang xây dựng?

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 17:31

Số lượng dự án đang triển khai xây dựng tăng 115,22% so với quý IV/2023 và bật tăng 140,97 % so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường địa ốc đón tin vui, nhận ngay 1,1 triệu tỷ đồng trong vài tháng đầu năm

Thị trường địa ốc đón tin vui, nhận ngay 1,1 triệu tỷ đồng trong vài tháng đầu năm

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 17:30

Khoản tiền 1,1 triệu tỷ đồng đến từ dư nợ tín dụng của hoạt động kinh doanh bất động sản.

'Siêu sân bay' Long Thành có hạng mục 3.500 tỷ: Là khối óc của đại dự án, ý tưởng thiết kế độc nhất thế giới

'Siêu sân bay' Long Thành có hạng mục 3.500 tỷ: Là khối óc của đại dự án, ý tưởng thiết kế độc nhất thế giới

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 17:30

Dự án có tổng vốn 3.500 tỷ đồng đã thành hình và được quyết liệt thực hiện để đưa dự án cán đích theo đúng thời hạn.