Dữ liệu cũ
Thứ ba, 29/10/2019, 10:57 AM

Hoa artichaut không phải làm đẹp mà là bài thuốc quý

(NTD) - Cây artichaut (tiếng Pháp artichaut, tiếng Anh artichoke) có tên khoa học cynara scolymus L., thuộc họ cúc (asteraceae). Cây artichaut có nguồn gốc từ miền nam châu Âu, được người Pháp đưa vào Việt Nam từ thế kỷ 19. Loại cây này chỉ trồng ở nơi có khí hậu lạnh mới ra hoa.

Hoa artichaut là cụm hoa hình đầu ở ngọn các nhánh của thân, gồm nhiều hoa hình ống màu lam tím dính trên một đế hoa nạc, được bao bởi nhiều lá bắc nạc ở gốc. Người ta thu hái cụm hoa chưa nở để làm rau ăn.

Trong hoa artichaut có chứa 3-3,15% protid, 0,1-0,3% lipid, 11-15,5% đường (gồm chủ yếu là inulin), 82% nước, các chất khoáng như vitamin A, B1, B2, vitamin C (10mg), 100g hoa artichaut cung cấp 50-70 calo.

Hoa artichaut nấu chín có tác dụng bổ dưỡng, tăng lực, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, bổ gan, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, giúp sự tiết sữa cho phụ nữ nuôi con nhỏ. Chất inulin có nhiều trong hoa artichaut có tác dụng tốt cho người bị đái tháo đường.

Ngoài ra, tính chất lợi tiểu của hoa artichaut còn giúp làm tăng sự bài tiết urê, cholesterol dư thừa và acid uric trong cơ thể.

a
Hoa artichaut thu hái để chế biến món ăn.

Do các tác dụng trên, hoa artichaut thường được dùng trong các trường hợp suy nhược, lao lực, đau dạ dày, thiểu năng gan, thiểu năng thận, sỏi đường tiết niệu, đi tiểu ít, thấp khớp, thống phong, cơ thể bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn đường ruột, đái tháo đường.

Ngày dùng 80-120g tươi, sắc nước uống hoặc hầm với xương, thịt heo, thịt bò để ăn cả cái lẫn nước. Nếu hoa khô, dùng 20-30g sắc nước uống trong ngày.

Khi chế biến món ăn, người ta chẻ cụm hoa artichaut theo chiều dọc thành 6-8 miếng nhỏ, cuống hoa được bóc bỏ lớp vỏ xanh ở ngoài để lấy phần lõi trắng ở trong, cắt từng đoạn ngắn.

Cần lưu ý là phải rửa nhiều lần với nước sạch để loại bỏ các chất có hại còn bám trên hoa, rồi mới đem nấu với các loại thực phẩm khác.

Hoa artichaut chế biến được nhiều món ăn khác nhau, từ hấp, nấu canh đến làm gỏi hay nấu súp.

Lá artichaut có chứa một loại glucosid gọi là cynarine có tác dụng lợi mật, giảm cholesterol trong máu.

Ngoài ra còn có các hoạt chất polyphenol có tác dụng bảo vệ gan, nhuận trường, lợi tiểu, thông mật.

a2
Phân tích thành phần của hoa artichaut.

Người ta ghi nhận các polyphenol có trong lá non nhiều gấp đôi lá già, ở trong phiến lá nhiều gấp 10 lần cuống lá, ở chóp lá nhiều hơn gốc lá, ở cây chưa ra hoa nhiều hơn cây đã ra hoa.

Lá và thân artichaut được dùng trong các trường hợp: Gan mật hoạt động yếu (thiểu năng gan), viêm gan vàng da, tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng urê máu, gout, thấp khớp, sỏi niệu đạo, phù thũng, tiêu hóa kém do giảm tiết mật.

Ngày dùng 12-16g lá khô hoặc 30-50g tươi, dạng sắc uống hoặc làm trà hãm nước sôi để uống. Ngoài ra, còn dùng dưới dạng cao lỏng, cao mềm.

a1
Thu hái hoa artichaut.

Sau đây là vài bài thuốc dùng lá artichaut:

- Viêm gan vàng da: Lá artichaut 16g, nhân trần 12g, thào quyết minh 12g, rau má 10g, lá mơ 8g, cỏ mần trầu 10g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

- Cholesterol máu tăng, xơ vữa động mạch, béo phì: Lá artichaut 16g, thảo quyết minh 12g, sơn tra 12g, lá sen 10g, trạch tả 10g sắc uống như trên.

Món ngon với hoa artichaut:

- Hoa artichaut hấp.

Hoa artichaut cắt bỏ bớt những cánh hoa già ở cuối bông, gần với phần cuống.

Rửa từng cánh hoa dưới vòi nước chảy đều vì bụi và sâu bọ có thể sẽ ẩn rất sâu bên trong. Sau khi để ráo nước, cho hoa vào nồi hấp rộng. Nấu nước sôi với ít lá hương thảo, vài lát chanh tươi và nguyệt quế để thêm hương vị cho món ăn. Dùng loại giỏ hấp bằng tre, hoặc có thể thay thế bằng xửng nhôm, cho hoa artichaut vào, đậy nắp kín, hấp nhỏ lửa trong vòng khoảng 25-45 phút.

Thời gian nấu phụ thuộc vào số lượng và trọng lượng của các hoa, canh sao cho hoa vừa chín tới, đừng để quá mềm, nhũn, sẽ không ngon.

Hoa artichaut chín, cùng lá hương thảo, nguyệt quế, sẽ tỏa mùi thơm rất hấp dẫn, dễ chịu. Hoa artichaut hấp có thể dùng nóng hoặc lạnh (bằng cách để nguội, cho vào tủ lạnh khoảng 2 giờ). Khi ăn, tách từng cánh hoa ra, nhúng phần cùi thịt trắng ăn với bơ hoặc sốt mayonnaise.

Sau khi ăn hết phần cánh hoa, người ta cắt phần vỏ cứng bên ngoài để sử dụng thêm phần tim hoa. Dùng muỗng nạo lấy lớp mềm bên trong. Lớp mềm này ăn rất ngon, có thể dùng để nấu tiếp thành món súp, cùng với bơ, tỏi tây, hẹ tây, khoai tây chín nghiền nát, thêm vào vài lá thảo mộc như húng, ngò tây, và hạt tiêu.

- Hoa artichaut hầm với chân giò heo (hoặc chỉ chọn móng giò).

Hoa artichaut loại non, rửa thật sạch, chẻ dọc, bỏ phần nhụy hoa bên trong. Phần cuống hoa giữ lại, cắt mỏng.

Giò heo (hoặc móng) rửa sạch, chặt miếng vừa ăn ướp nước mắm, bột nêm khoảng 30 phút cho ngấm, sau đó cho vào hầm với nước sôi.

Khi giò heo hơi mềm, thì cho hoa và cuống hoa vào, tiếp tục hầm đến khi giò heo mềm rục, nêm nếm lại vừa ăn, cho thêm hạt tiêu và ngò.

Món này dùng nóng cùng nước mắm sống với ớt sừng trâu cắt lát, rất thích hợp vào những ngày nắng nóng bức.

Lương y Đinh Công Bảy - Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.