Dữ liệu cũ
Thứ năm, 18/10/2018, 11:45 AM

Hiểm họa từ bệnh dại và những điều cần biết

(NTD) - Bệnh dại là căn bệnh nguy hiểm, người nhiễm bệnh sẽ chết sau khi lên cơn dại vì căn bệnh này hiện chưa có liệu pháp hay phương thuốc nào để điều trị dứt điểm. Để ngăn ngừa bệnh dại, người dân cần phải hết sức lưu ý, chủ động tiêm ngừa vắc xin phòng dại cho thú cưng của mình.

Mắc bệnh dại 100% là chết

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM thì bệnh dại gây ra bởi một loại vi rút có trong nước bọt của vật nuôi nhiễm bệnh. Vi rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể con người, hoặc niêm mạc mắt của người.

Đa số bệnh dại ở người là do chó cắn, tuy nhiên cũng có một số ít là do mèo, chó rừng, cáo, chó sói… và kể cả các loại động vật ăn cỏ như ngựa, lừa, trâu, bò… Đặc biệt, người mắc bệnh dại khi cắn người khác hoặc do cấy ghép giác mạc, nội tạng cũng có thể bị lây bệnh.

Người nhiễm bệnh dại sẽ tử vong sau 7-10 ngày vì sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương, phá hủy các mô thần kinh tủy sống và não, gây nên những kích động ở người bệnh.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, những biểu hiện dễ nhận biết của bệnh dại là người bệnh sẽ sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng hoặc có trường hợp bị liệt dẫn tới hôn mê. Sau đó, người bệnh sẽ tử vong trong vòng vài ngày sau khi lên cơn dại.

Đặc biệt, những vết cắn ở đầu và cổ, bộ phận sinh dục, ngón tay, thường có thời kỳ ủ bệnh ngắn và diễn biến nhanh chóng, tử vong chỉ sau 2-3 ngày.

0
Vi rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể con người.
2
Chó, mèo phải được rọ mõm, đeo xích và có người dắt khi đến nơi công cộng.

Khống chế bệnh dại là cần thiết

Ngày 5/10, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có tiếp nhận bệnh nhân T.T.H.Y. Cháu H.Y được người nhà đưa vào viện trong tình trạng bị nhiều vết thương ở vùng mặt do bị chính chó nhà tấn công.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thì, tổn thương của cháu H.Y là rất nghiêm trọng. Vết thương vùng quanh mắt trái sâu, mất hết tổ chức. Vết thương trán sâu sát xương. Nhiều vết thương khác ở đầu và mi mắt phải... Hiện tại, chưa xác định chó có tiêm vắc xin dại hay chưa.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết, từ năm 2008 đến nay TP.HCM chỉ có 2 ca tử vong do mắc bệnh dại. Năm 2012 cơ quan thú y ghi nhận một ca tử vong tại Q.12, cho đến tháng 5/2017 tiếp tục có thêm một ca tử vong khác tại Q. Gò Vấp.

Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã tham mưu với UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thanh toán và kiểm soát bệnh dại từ năm 2017-2021. Mỗi năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM tổ chức tiêm phòng, chẩn đoán, tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM thì chó bị bệnh dại sẽ có biểu hiện như: Lừ đừ, bỏ ăn, sợ nước, sợ ánh sáng, thay đổi tập tính, cắn xé vật cứng, hung dữ, liệt dần và chết. Đáng sợ hơn chó, mèo và cả người một khi đã mắc bệnh dại thì tử vong, không có bất cứ phương thuốc nào để đều trị.

Hiện tại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã có trạm thú y đặt tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố, thường xuyên tổ chức tiêm phòng bệnh dại trên chó, mèo. Nhưng số người dân đem chó, mèo đến tiêm phòng chỉ chiếm khoảng 20%.

Theo Chi cục chăn nuôi và Thú y TP.HCM, hiện tại chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh dại nào trong số chó thả rông bị bắt. Nhưng chó thả rông, không được rọ mõm vẫn là yếu tố nguy cơ vì nó có thể cắn người, mất an toàn giao thông, phóng uế bừa bãi… Chó thả rông bị bắt sẽ được cơ quan thú y giữ lại 48 giờ theo quy định. Trong thời gian này chủ chó sẽ liên hệ với cơ quan thý y để nhận chó về, đồng thời phải đóng mức phạt từ 600.000-800.000 đồng, theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM khuyến cáo: “Người nuôi chó, mèo phải tiêm phòng dại hằng năm, phải rọ mõm, có đeo xích cho vật nuôi khi đến nơi công cộng, khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu nghi là bệnh dại phải báo ngay cho cơ quan thú y để có những biện pháp xử lý, tránh tiếp xúc gần với vật nuôi bị nhiễm bệnh dại”.

1
Người dân cần phải hết sức lưu ý chủ động tiêm ngừa vắc xin phòng dại cho thú cưng của mình.

Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM khuyến cáo, cách xử lý vết cắn đơn giản nhất là rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt và phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Nếu chó đi mất, hoặc bị ốm, bị chết, bị giết thịt, bị bán… thì báo ngay cho cán bộ y tế biết để thay đổi cách xử trí cho người bệnh phù hợp hơn. Tiêm vắc xin càng sớm thì hiệu quả càng cao.

Phan Định

_NTD_So166_In_Page_36
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.