Thứ tư, 28/09/2022, 19:10 PM

Hà Nội quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

(CL&CS) - Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội, nhiều quận, huyện đã ra quân triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội cho biết, cộng dồn năm 2022 có 3.800 ca mắc SXH, 5 ca tử vong; số ca mắc tăng 1,8 lần so với số ca mắc trung bình 5 năm.

Trong đó, bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440 xã, phường, thị trấn. Một số đơn vị ghi nhận số mắc bệnh cao là: Thanh Oai (334 ca), Đống Đa (269 ca), Thanh Trì (247 ca), Đan Phượng (246 ca)… Trong những tuần gần đây, số ca mắc bệnh đang có dấu hiệu gia tăng nhanh, ở mức gần 800 ca bệnh/tuần.

2

Lực lượng y tế phường triển khai phun thuốc diệt muỗi tại Tổ dân phố số 22, phường Sài Đồng. Ảnh: P. Lịnh

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, đã có dấu hiệu vượt qua ngưỡng cảnh báo nguy cơ dịch và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo.

Đối với công tác phòng chống dịch bệnh SXH, tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người trên địa bàn TP Hà Nội, diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Y tế tiếp tục rà soát, đôn đốc các địa phương xây dựng đề án phòng chống SXH. UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn…

Tại quận Long Biên, Trung tâm Y tế quận cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn quận có 1.102 ca mắc, phân bố rải rác trên địa bàn 14 phường. Một số phường có nhiều ca mắc như: Sài Đồng, Phúc Đồng, Bồ Đề, Long Biên, Phúc Lợi, Đức Giang… Số ca mắc SXH hiện tại cao hơn số ca mắc trung bình 3 năm (2019 - 2021), 05 ổ dịch còn đang hoạt động.

Tình hình dịch đang ở tình huống 2 “có dịch quy mô phường” (trừ Ngọc Thụy, Gia Thụy, Việt Hưng). Nguyên nhân do thời tiết mưa nhiều cùng với đó là sự chủ quan của nhiều hộ gia đình trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. 

3

Tổ xung kích diệt bọ gậy ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân phường Long Biên thực hiện các biện pháp phòng dịch sáng 24/9. Ảnh: P. Linh

Xác định dịch SXH có nguy cơ bùng phát nên từ đầu tháng 6/2022 đến nay, quận Long Biên đã tổ chức được 05 chiến dịch vệ sinh môi trường (VSMT) diệt bọ gậy và muỗi vào thứ 7 hằng tuần.

Quận cũng đã xử lý môi trường, phun thuốc diệt muỗi chủ động đối với 25 địa điểm, khu vực sau khi giám sát có các chỉ số muỗi, bọ gậy ở mức độ nguy cơ cao.

Còn theo Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện còn 10 ổ dịch SXH tại các xã: Thanh Liệt; Hữu Hoà; Tam Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, thị trấn Văn Điển. Đặc biệt, tại ổ dịch tại thôn Vực, xã Thanh Liệt là ổ dịch đầu tiên trên địa bàn, đây là ổ dịch kéo dài và phức tạp nhất.

Tính đến ngày 20/9, số ca bệnh trong ổ dịch là 57 bệnh nhân, chiếm 65,5% ca bệnh toàn xã và 23,3% ca bệnh toàn huyện.

4

Tuyên truyền hướng dẫn người dân diệt bọ gậy tại hộ gia đình. Ảnh: T. Uyên

Để kiểm soát dịch bệnh, tại xã Thanh Liệt (Thanh Trì) đã triển khai 4 đợt VSMT diệt bọ gậy tại khu vực ổ dịch gồm 530 hộ gia đình. Qua đó, xử lý 3.598 dụng cụ chứa nước, trong đó có 98 dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Ngoài ra, Trạm Y tế xã cũng phối hợp với chính quyền tổ chức 3 đợt phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực ổ dịch.

Cùng với đó, xã đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng chống SXH qua nhiều hình thức. Đội ngũ cộng tác viên cùng với nhân viên y tế đã đến từng hộ gia đình phát tờ rơi, hướng dẫn gia đình có bệnh nhân cách phòng chống muỗi đốt, VSMT, lật úp các dụng cụ chứa nước…

Tại khu vực ổ dịch, đã phát 520 tờ rơi tuyên truyền về cách phòng chống SXH. Ngoài ra, sử dụng loa di động phát thanh bài tuyên truyền, thông báo tình hình ca bệnh và thông báo người dân về việc phun hóa chất xử lý ổ dịch...

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, hiện nay bệnh SXH chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng, chống bệnh SXH, người dân cần chủ động phòng chống, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ để muỗi không vào đẻ trứng; lật úp các dụng cụ không chứa nước; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Đặc biệt, khi sốt phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Dịch SXH bùng phát theo mùa, có tính chất chu kỳ. Thời tiết thời gian qua nóng ẩm, kèm nhiều mưa là điều kiện thích hợp để loăng quăng, bọ gậy phát triển.

Theo Nhà báo và công luận

Bình luận

Nổi bật

Hiến máu cứu người: Tất cả vì cộng đồng

Hiến máu cứu người: Tất cả vì cộng đồng

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu với chủ đề: “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống”.

Thúc đẩy mô hình đổi mới sáng tạo mở trong lĩnh vực y tế

Thúc đẩy mô hình đổi mới sáng tạo mở trong lĩnh vực y tế

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 08:36

(CL&CS) - Mới đây, Bệnh viện 199, Bộ Công an phối hợp tổ chức hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế” tại thành phố Đà Nẵng.

Chuyển giao kỹ thuật và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Điện Biên

Chuyển giao kỹ thuật và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Điện Biên

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 08:36

(CL&CS) - Vừa qua, Bộ Y tế tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 1.000 đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện biên, chuyển giao kỹ thuật và khám chữa bệnh từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn.