Văn hóa và Đời sống
Thứ hai, 10/06/2024, 21:06 PM

Hà Nội đặt mục tiêu đón 30 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025, thu trên 130 nghìn tỷ đồng

(CL&CS) - TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành kế hoạch về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2024-2025.

2

Hà Nội đặt mục tiêu đón 30 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025, thu trên 130 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Đình Trung

Kế hoạch nhằm thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Nội; tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thành phố, giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.

Phấn đấu đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành Du lịch vào GRDP Thành phố phấn đấu đạt trên 8% và công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 60%.

Để đạt được kết quả như kỳ vọng UBND TP Hà Nội yêu cầu tập trung triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá TP Hà Nội trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế, trong nước; xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch của một số điểm đến, làng nghề, phố nghề; tổ chức các sự kiện, lễ hội, chuỗi hoạt động du lịch lớn thường niên; xây dựng kế hoạch và triển khai quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng số, mạng xã hội; triển khai các chương trình xúc tiến, giới thiệu điểm đến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng.

Thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư, quản lý, khai thác điểm đến di sản, văn hóa có tiềm năng về du lịch. Tổ chức điều tra, khảo sát nhằm hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê, cơ sở dữ liệu ngành Du lịch Thủ đô.

Đẩy nhanh việc lập và hoàn thiện quy hoạch xây dựng một số khu chức năng du lịch, dự án phát triển du lịch trọng điểm; phấn đấu sớm hình thành và phát triển được trung tâm mua sắm, công viên giải trí chuyên đề thương hiệu quốc tế, trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP.

Nâng cấp chất lượng điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản; hoàn thiện tuyến du lịch đường sông và tiếp tục mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông. Trong năm 2024, hoàn thiện 2 tuyến du lịch văn hóa - làng nghề và nâng cấp các dịch vụ du lịch tại các không gian, tuyến phố đi bộ.

Phối hợp, liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai áp dụng các tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch trong đào tạo, giảng dạy, tiến đến áp dụng các tiêu chuẩn nghề theo chuẩn quốc tế. Tổ chức các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng trong phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư làm du lịch kỹ năng nghề và tập trung phát triển kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm hình thành văn hóa của người làm du lịch, của cộng đồng dân cư làm du lịch.

Triển khai hiệu quả, thường xuyên công tác thông tin, hỗ trợ khách du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa đảm bảo môi trường hoạt động du lịch an toàn, thân thiện; tổ chức vinh danh, trao thưởng cho các tổ chức, cá nhân có hành vi tốt, có sự đóng góp cho sự phát triển du lịch Thủ đô.

Triển khai xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, bền vững gắn với chuyển đổi số, hình thành hệ thống tích hợp đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu điểm đến và gia tăng các trải nghiệm cho khách du lịch. Xây dựng bản đồ số du lịch TP Hà Nội; nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành Du lịch Thủ đô...

Theo Nhà báo và công luận

Bình luận

Nổi bật

Nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương chính thức được 'lên đời' thành Điểm du lịch

Nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương chính thức được 'lên đời' thành Điểm du lịch

sự kiện🞄Thứ hai, 24/06/2024, 18:10

Nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001.

Thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới được UNESCO tấm tắc 'độc đáo, bảo tồn tốt', di chuyển từ Việt Nam rất dễ

Thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới được UNESCO tấm tắc 'độc đáo, bảo tồn tốt', di chuyển từ Việt Nam rất dễ

sự kiện🞄Thứ hai, 24/06/2024, 17:02

Với vẻ đẹp riêng biệt, thị trấn cổ còn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994.

Hồ nước ngọt lớn nhất của Tây Nguyên đại ngàn, nằm ngay sát biệt điện của vị vua cuối cùng triều Nguyễn

Hồ nước ngọt lớn nhất của Tây Nguyên đại ngàn, nằm ngay sát biệt điện của vị vua cuối cùng triều Nguyễn

sự kiện🞄Thứ hai, 24/06/2024, 16:30

Đến đây, bạn sẽ được ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng, yên bình cũng như được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ.