Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 14/04/2017, 07:07 AM

Góc khuất vủa RIAV - Kỳ 6: RIAV, Hanet và nhóm lợi ích

(NTD) - Nhằm làm rõ hơn về vấn đề 2.000 đồng phí quyền liên quan của bản ghi karaoke và cách tính phí của RIAV, trong vai quản lý cửa hàng karaoke chúng tôi liên hệ với ông Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm cấp phép trực thuộc RIAV, đồng thời là Giám đốc kinh doanh của Hanet, để tìm kiếm câu trả lời cho những khúc mắc xung quanh việc thu phí của Hiệp hội.

Xâm phạm quyền của người biểu diễn

Mặc dù giải thích rằng các cơ sở kinh doanh karaoke dù dùng bất cứ đầu máy karaoke nào cũng phải trả tiền, kể cả đầu máy của Hanet; nhưng ngay lập tức ông Dũng úp mở chuyện riêng Hanet đưa ra giải pháp sử dụng doanh thu quảng cáo qua đầu máy của Hanet để trả cho các chủ quán karaoke, nên các chủ quán không phải đóng tiền bản quyền 2.000 đồng như Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) đề nghị.

Hanet công bố trong đầu máy karaoke của mình bán ra có sẵn 40.000 bài hát tiếng Việt, trong khi đó RIAV xác nhận chỉ được ủy quyền từ khoảng 2.000-5.000 bài! Vậy thì trên 35.000 bài còn lại (và hàng chục ngàn bài hát nước ngoài) là của ai mà Hanet đang sử dụng trái phép để kinh doanh, họ đã trả tiền bản quyền cho tác giả hay chưa, có thông qua kiểm duyệt và xin giấy phép phát hành của Cục Nghệ thuật biểu diễn hay chưa? Và vì sao RIAV lại quá dễ dãi khi hợp tác với một đối tác đang xâm phạm quyền, lợi ích đồng nghiệp của minh (cả trong và ngoài nước). Đề nghị Thanh tra ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần làm rõ việc này.

Chiêu bài lợi dụng quyền lực của Hiệp hội để dọa dẫm người dùng, một lần nữa lại được đem ra sử dụng, giờ đây là để đảm bảo tạo lợi thế cạnh tranh, đã được chính Phó Giám đốc Trung tâm cấp phép kiêm Giám đốc kinh doanh Hanet thể hiện rõ ràng.

Karaoke
 

Trong khi đó, khúc mắc lớn về Quyền của nghệ sĩ đang nằm ở chỗ nào thì vẫn không được làm rõ. Như đã thông tin với bạn đọc, trong bảng giá thu tiền quán karaoke của RIAV bao gồm cả 2 quyền liên quan: quyền của nhà sản xuất bản ghi và quyền của ca sĩ, bất chấp trên thực tế là RIAV chỉ có thẩm quyền thu tiền thay mặt cho các nhà sản xuất bản ghi âm ủy quyền.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật SHTT)), Quyền của người biểu diễn là một trong những quyền liên quan được bảo hộ tại Điều 29. Theo đó, người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn, trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn. Quy định bảo hộ người biểu diễn nhằm đảm bảo lợi ích của các ca sĩ, nhạc công, vũ công, hay người tham gia biểu diễn ngăn chặn việc sử dụng bất hợp pháp sự trình diễn của họ.

Khi phân tích bản ghi âm kỹ hơn, chúng ta biết rằng: một bài hát mới được tung ra thị trường, nhà sản xuất ghi âm sẽ làm việc với chủ sở hữu của bài hát đó để có được quyền làm ra một tác phẩm phái sinh từ nó, tác phẩm phái sinh ở đây là bản ghi karaoke. Bản ghi karaoke là một sản phẩm được tạo thành bởi các ca sĩ, nhạc công và nhà sản xuất; hay nói cách khác, bản ghi karaoke là sản phẩm của những người biểu diễn và nhà sản xuất. Khi bản ghi karaoke được sử dụng để phục vụ việc kinh doanh, các cơ sở này không phải xin phép, nhưng phải trả tiền cho tác giả, những người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi.

Hành vi sử dụng quyền của người biểu diễn để cấp phép mà không được sự đồng ý của họ rõ ràng đã vi phạm khoản 1 Điều 35 Luật SHTT khi ngang nhiên chiếm đoạt quyền của họ. Điều đáng nói ở đây là việc xâm phạm đó chỉ nhằm mục đích tạo lợi thế kinh doanh cho một nhóm chủ thể, ở đây là lãnh đạo của RIAV và Hanet.

Điều dư luận bức xúc vào thời điểm này là việc RIAV bất chấp luật pháp, cấu kết với Hanet hình thành nhóm lợi ích cần được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý, kể cả những người đang tiếp tay cho hành vi sai trái này.

Ca sĩ đang mất rất nhiều tiền!!!

Quay lại với quyền của những nghệ sĩ biểu diễn mà RIAV đang thu lấn sân như trong bảng giá mà RIAV ban hành, những người biểu diễn đang bị cướp trắng những gì thuộc về họ. Và giờ đây, khi RIAV cùng Hanet quyết định cấp miễn phí cho những người dùng đầu máy Hanet, thì những nghệ sĩ biểu diễn này đang bị thiệt hại nặng nề từ việc RIAV sử dụng trái phép tài sản của họ.

Nếu chỉ tính riêng một bài hát thu 700 đồng trên mỗi lần được sử dụng tại karaoke mà RIAV đang tiếm quyền và không trả cho người biểu diễn, khi chỉ cần 1 bài hát được ưa chuộng có thể được hát đến hàng triệu lần trong hàng chục ngàn quán karaoke khắp cả nước, thì số tiền các nghệ sĩ bị thiệt hại chỉ cho một bài hát đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như chỉ một ca khúc karaoke “Duyên phận” đã có đến 60 triệu lượt sử dụng trên Youtube, nếu đem số lượng này chia đều vào các quán karaoke với mức giá nói trên, thì số tiền thiệt hại lên đến con số không tưởng: 42 tỷ đồng.

Vậy mà, RIAV đang nghiễm nhiên coi mình là chủ sở hữu quyền này, đồng thời cấp cho Hanet sử dụng không trả phí một đồng nào tại quán karaoke. Liệu những tài sản khổng lồ của các ca sĩ có đáng phải đưa ra làm công cụ cho những lợi ích nhóm vặt vãnh như vậy không?

Điều mập mờ nhất mà các nghệ sĩ cũng đến đau đầu với cách hành xử thiếu minh bạch của RIAV là câu hỏi: Tài sản của nghệ sĩ nào đang được sử dụng?

Trớ trêu thay, khi được hỏi danh mục bản ghi nào, RIAV sẽ dùng để cấp phép cho các nhà hàng karaoke, đại diện của Trung tâm cấp phép lại trả lời là không có!!!

Cụ thể hơn, khi hỏi về danh sách các bản ghi karaoke mà RIAV được ủy quyền để thu tiền quyền liên quan thì ông Dũng từ chối với lý do: Danh sách này dựa trên hợp đồng mua bán giữa đơn vị sản xuất đầu karaoke với RIAV nên ông không thể tiết lộ cho bên thứ ba biết số lượng và chi tiết các bài đã mua, RIAV không có trách nhiệm cung cấp danh sách. Ông bảo chúng tôi có thể liên hệ sale bán hàng của hãng karaoke mà chúng tôi mua để được cung cấp. Khi được hỏi có trang web nào để chúng tôi có thể tham khảo thêm thì ông Dũng viện cớ: “Bây giờ web của bên RIAV chưa tích hợp, chưa có, nên bây giờ buộc phải chuyển bằng đường truyền thống là telex mail xuống từng cơ sở karaoke”.

Đây là sự ngụy biện trơ tráo của lãnh đạo Trung tâm, hoặc đơn giản hơn là họ không hiểu biết tí gì về pháp Luật SHTT. Người được cấp phép là các quán karaoke, không phải là nhà sản xuất đầu máy. Việc các nhà sản xuất đầu máy ký hợp đồng với RIAV để sử dụng chương trình karaoke không hề liên quan đến nghĩa vụ đóng tiền bản quyền của quán karaoke bởi lẽ các quán này xin cấp phép cho những gì họ sử dụng chứ không phải đóng tiền thay cho nhà sản xuất đầu máy. Nếu muốn dấu giếm danh sách cấp phép, có lẽ Hiệp hội nên tìm cách khác, thay vì đưa ra lý lẽ trái khoáy như vậy!

Karaoke Hanet
 

Cũng cần nhắc lại, bản danh sách mà ông Dũng ám chỉ có lẽ chính là bản excel danh sách bản ghi có số lượng khiêm tốn mà trước đây RIAV đã từng chuyển nhượng cho các công ty khác để khai thác bản quyền, và tất cả các công ty này đều phải bỏ lại bản danh sách vì không chịu nổi thua lỗ nữa do có quá ít thứ để khai thác.

Quả là nực cười khi RIAV đi cấp phép sử dụng mà RIAV lại không có trách nhiệm cung cấp danh sách cấp phép, vậy họ cấp cái gì? Phải chăng là cấp một thừ "bùa hộ mệnh" để các chủ cơ sở vô tư xài “chùa”?

Nghệ sĩ, những người chủ thực sự của tài sản nói gì

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với NSND Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) và được bà chia sẻ: Cho đến nay APPA vẫn đang chờ đợi một quy chế rõ ràng về thu phí từ khi Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên chỉ đạo 3 đơn vị quản lý tập thể (gồm VCPMC, APPA và RIAV) ký thỏa thuận hợp tác trong việc thực thi quyền SHTT. Còn việc RIAV quy định thu 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke/năm (bao gồm cả quyền của ca sĩ) thì bà không biết.

NSND Thanh Hoa còn chia sẻ thêm: riêng APPA chưa có biểu giá riêng cho bài hát vì đang chờ chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Bản quyền tác giả. Hiện chỉ mới có một cuộc họp đầu tiên và vẫn đang chờ đi đến thỏa thuận cộng tác giữa 3 bên bởi vì vấn đề này thì chỉ một cuộc họp chắc chắn không thể giải quyết xong. Khi 3 bên đưa ra phương hướng thỏa thuận và được Bộ đồng ý, APPA cần phải ra được phương thức hoạt động, phải có ký kết hoạt động và phải có biểu giá cho tất cả mọi thứ, phần trăm cho từng bên VCPMC, RIAV và APPA. Những điều này NSND Thanh Hoa khẳng định không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.

APPA đến giờ vẫn đang chờ được Bộ hướng dẫn, vậy mà RIAV đã “hoàn thành” biểu giá chỉ trước cả khi ký kết 3 bên được thiết lập và tự tiện sử dụng quyền và lợi ích của họ để mua vui cho vở kịch “lợi ích nhóm” mà họ đang trình diễn.

Rất nhiều ca sĩ có giọng hát, hình ảnh trong các bản ghi karaoke đang sử dụng thịnh hành tại các quán karaoke, khi được hỏi thì cho biết chưa bao giờ ủy quyền cho RIAV thu tiền liên quan cho minh. Vậy RIAV thu tiền dựa trên cơ sở nào?

Rõ ràng là RIAV có vẻ nóng lòng muốn đi theo cách của VCPMC trong việc thu phí bản quyền đối với các cơ sở kinh doanh karaoke. Ý tưởng thu phí quyền liên quan đối với bản ghi karaoke nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bản ghi không sai, thậm chí là đáng hoan nghênh. Nhưng dù ý tưởng thoạt nghe có tốt đẹp đến đâu mà lại xuất phát từ âm mưu lợi ích nhóm thì khó mà đảm bảo tính minh bạch khi thực thi. Thậm chí, khi cố đấm ăn xôi, việc đạp lên các quy định của pháp luật, xâm phạm quyền của người khác và bất tuân chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước cũng là điều đương nhiên xảy ra.

Thay cho lời kết

Với loạt bài phân tích những góc khuất của RIAV, chúng tôi mong muốn chỉ ra những yếu kém của lãnh đạo Hiệp hội và bất cập trong việc thực thi pháp luật, từ đó có những góp ý thiết thực góp phần tạo dựng một môi trường bản quyền minh bạch, lành mạnh.

Bản thân RIAV cần thiết phải nhìn nhận và thay đổi cách hoạt động theo hướng minh bạch hơn, công bằng hơn và vì Hội viên hơn, đặc biệt là trong cách chia lợi nhuận giữa các bên, không thể cứ giữ mãi cách cào bằng dễ gây bức xúc và chán nản cho các Hội viên, họ không còn mặn mà với Hiệp hội và từ từ rời bỏ. Một tổ chức hoạt động với lợi ích chính đáng thì không có gì phải e ngại nguyên tắc hoạt động công khai, minh bạch.

Đối với Người biểu diễn và những chủ sở hữu khác, Hiệp hội phải tôn trọng quyền của họ, không lấn sân và tránh tuyệt đối việc chiếm đoạt quyền trái phép như đã từng làm.

Trong việc thu tiền 2.000 đồng này, vấn đề lớn nhất chính là biểu giá và cách thu. RIAV phải ngưng ngay việc áp dụng bảng giá ban hành ngày 14/7/2016, hủy bỏ ý định chia % cho các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nghiêm túc thực hiện thỏa thuận phối hợp thu phí đã ký kết giũa VCPMC-RIAV-APPA theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không để chồng chéo, dẫm chân và gây khó khăn, bức xúc cho xã hội.

Điều mấu chốt là RIAV phải tách bạch hoạt động của Hiệp hội với lợi ích của doanh nghiệp để duy trì nguyên tắc xung đột lợi ích. Hiệp hội được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà sản xuất bản ghi Việt Nam và cộng đồng, chứ không phải dành đặc quyền cho riêng cá nhân, doanh nghiệp nào như RIAV đã và đang cáu kết với Hanet.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc các diễn biến có liên quan.

Nhóm PV

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.