Giá USD tăng vùn vụt: EVN, Vietnam Airlines, Masan có hụt hơi?

(NTD) - Giá USD đang tăng vùn vụt trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do. Vì vậy, EVN, Vietnam Airlines, Masan có lý do để đứng ngồi không yên.

Tỷ giá tăng vùn vụt

Tỷ giá USD/VND thay đổi chóng mặt trong những tháng đầu năm 2018, trong đó tăng vùn vụt là xu hướng chủ yếu. Những ngày gần đây, đồng bạc xanh lại một lần nữa “lên đồng” và dễ dàng vượt qua mốc 23.000 đồng/USD ở thị trường tự do.

Trong 1 tuần trở lại đây, đồng USD trên thị trường tự do lập kỷ lục chưa từng có khi vượt “mốc lịch sử” 23.000 đồng/USD. Tới ngày 26/6/2018, tại “phố vàng” của Hà Nội như Hàng Bạc, Hà Trung, tỷ giá giao dịch phổ biến ở mức 23.030 đồng/USD – 23.080 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng đáng kể so với hôm qua.

Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá chưa đạt tới mức 23.000 đồng/USD nhưng cũng vươn tới mức cao kỷ lục sau khi tăng mạnh so với hôm qua.

ty gia 1
Đồng USD đang tăng vùn vụt trên cả thị trường ngân hàng lẫn thị trường tự do.

Cụ thể, tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết ở mức: 22.875 đồng/USD – 22.945 đồng/USD, tăng 25 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Tại Eximbank, giá USD giao dịch ở mức: 22.880 đồng/USD – 22.970 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD.

Tại Techcombank, tỷ giá cũng được neo ở mức rất cao: 22.855 đồng/USD – 22.955 đồng/USD, tăng 25 đồng/USD. TPBank niêm yết tỷ giá ở mức: 22.888 đồng/USD – 22.968 đồng/USD, tăng 14 đồng/USD chiều mua vào và tăng 36 đồng/USD chiều bán ra.

Hiện tại, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của tỷ giá tại các ngân hàng đứng ở mức rất cao, đạt gần 100 đồng/USD. Trong khi đó, chênh lệch này trên thị trường tự do chỉ là 50 đồng/USD.

Mức giá bán ra đang được đẩy cao chứng tỏ tỷ giá tăng là do nhu cầu mua vào của doanh nghiệp tăng cao. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, đây là thời điểm nhiều công ty phải thanh toán đơn hàng nhập khẩu cũng như trả lãi vay bằng đồng USD.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết thêm khi điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo về lâu dài, tới cuối năm nay, tỷ giá có thể tăng tới 3% vì có rất nhiều yếu tố (bao gồm cả trong nước và ngoài nước) đang trực chờ đẩy đồng USD “nóng” lên.

Loạt đại gia hụt hơi?

Các chuyên gia đều nhận định đồng USD tăng mạnh, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng nặng. Thế nhưng, không  chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu, các doanh nghiệp sở hữu nợ vay bằng đồng USD lớn cũng có lý do để đứng ngồi không yên.

Vietnam airlines ty gia
Sở hữu nợ vay bằng đồng USD lớn nên Vietnam Airlines có lý do để lo lắng khi tỷ giá tăng mạnh.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có rất nhiều đại gia Việt sở hữu những khoản nợ khổng lồ. Nhưng sở hữu khoản nợ khổng lồ bằng đồng USD thì không quá nhiều. Một số gương mặt tiêu biểu có thể kể đến như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Côn ty cổ phần đầu tư địa ốc No Va (Novaland),…

Trong đó, đứng đầu là Vietnam Airlines. Tại thời điểm 31/3/2018, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines là 70.415 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, tổng nợ đạt 46.143 tỷ đồng, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu quá cao là một trong những vấn đề của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, vấn đề này càng lớn hơn khi Vietnam Airlines nợ bằng đồng USD chiếm tỷ trọng không hề nhỏ trong tổng nợ vay. Đặc biệt, khi tỷ giá đang tăng vùn vụt, vấn đề này càng trở nên đáng chú ý hơn.

Trong quý 1/2018 – khi tỷ giá tăng chưa quá “nóng” như hiện tại, tỷ giá đã khiến Vietnam Airlines “thâm hụt” hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, trong kỳ, Vietnam Airlines có được khoản lãi chênh lệch tỷ giá là 176 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vietnam Airlines phải đối mặt với khoản lỗ tỷ giá là 343 tỷ  đồng. Như vậy, tỷ giá khiến Vietnam Airlines âm 167 tỷ đồng. Trong quý 1/2017, tỷ giá còn “hành” Vietnam Airlines nhiều hơn khi lỗ tỷ giá lên tới 516 tỷ đồng.

Masan từng nằm trong Top các ông lớn nợ vay bằng USD nhiều nhất. Điều này đúng cho tới tận đầu năm 2018. Tuy nhiên, trong quý 1 năm nay, Masan đã nỗ lực giảm nợ vay bằng USD. Dù vậy, nợ USD của Masan vẫn còn rất cao.

EVN ty gia
EVN mới bị tỷ giá "hành" nhiều nhất.

Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2018, nợ vay ngắn hạn bằng USD của Masan giảm từ mức tương đương 1.916 tỷ đồng xuống còn 807 tỷ đồng. Trong khi đó, Masan tăng nợ vay bằng tiền đồng từ 5.358 tỷ đồng lên 7.036 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn bằng USD ổn định ở mức tương đương 799 tỷ đồng.

Masan giảm nợ vay bằng USD và tăng nợ vay bằng tiền đồng không nằm ngoài khả năng giảm thiểu tác động của việc tăng tỷ giá. Vì nhanh tay giảm tỷ lệ vay bằng USD nên lỗ tỷ giá trong quý 1/2018 của Masan chỉ còn gần 12 tỷ đồng.

Trong khi đó, EVN có “thâm niên” đau đầu vì tỷ giá. Trong giai đoạn 2014 – 2016, EVN gây sốc khi liên tục thua lỗ vì tỷ giá. Tổng khoản thua lỗ này đã “tích lũy” lên tới 9.000 tỷ đồng.

EVN chưa công bố công khai báo cáo tài chính năm 2017 như các ông lớn nhà nước khác nên không rõ tỷ giá còn “hành” EVN khủng khiếp không. Nhưng với tình hình tỷ giá có diễn biến sốc như hiện tại, nhiều khả năng, EVN vẫn có lý do đau đầu vì tỷ giá.

Vy Vy

Bình luận

Nổi bật

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:08

Tình trạng mất cân đối cung – cầu khiến tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ tại TP.HCM ngày càn trầm trọng hơn. Dự báo trong tương lai gần, giá nhà ở tại TP.HCM tiếp tục bị đẩy lên cao, người dân TP.HCM sẽ ngày càng khó tiếp cận nhà ở.

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:07

(CL&CS)- Vừa qua, Nutifood thông qua Quỹ Phát triển Tài năng Việt kết hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 đã trao tặng 1.000 lon sữa FAMNA với tổng giá trị hơn 450 triệu đồng cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và trẻ em khó khăn tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Chưa hết khó, ngày bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi vẫn còn xa?

Chưa hết khó, ngày bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi vẫn còn xa?

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:07

Những khó khăn về điều kiện pháp lý, nguồn vốn, niềm tin của nhà đầu tư đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi những phân khúc khác đã phát đi những tín hiệu tích cực thì riêng phân khúc này vẫn “nằm im”.