Thứ tư, 03/08/2022, 13:48 PM

Giá cả hàng hóa vẫn đắt đỏ dù giá xăng dầu giảm mạnh

(CL&CS) - Gần đây, dù giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn giữ ở mức cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, riêng tháng 7/2022, giá thực phẩm tăng 1,6% so với tháng 6, chủ yếu do giá thịt lợn tăng 4,29%, đẩy Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 0,15 điểm phần trăm. Tính đến ngày 25/7/2022, giá thịt lợn hơi trên cả nước dao động khoảng 65.000 - 72.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng 6. Giá thịt chế biến trong tháng 7 tăng khoảng 1,73% so với tháng 6.

100907Người dân đi chợ mua rau xanh1

Hình minh họa

Theo ghi nhận của PV, tại thời điểm ngày 1/8/2022, giá bán lẻ thịt lợn tại chợ dân sinh vẫn cao ngất ngưởng, ở mức 180.000 - 190.000 đồng/kg thịt ba chỉ (tăng 60.000 - 70.000 đồng/kg so với 2 tháng trước), sườn thăn có giá 250.000 - 260.000 đồng/kg. Bình quân, giá mỗi loại thịt đã tăng thêm 25 - 30%. Giá rau xanh, hải sản… không những giảm, mà còn tăng với lý do khan hiếm nguồn cung, cộng với phí vận chuyển tới tay tiểu thương vẫn rất cao.

Dù giá xăng dầu liên tục giảm trong những ngày qua, nhưng chi phí vận chuyển không được điều chỉnh giảm, nên giá hàng hóa giao đến tay nhà bán lẻ vẫn đứng ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ hàng hóa thiết yếu chưa thể điều chỉnh giảm. Đây là câu trả lời của hầu hết các nhà bán lẻ lẫn tiểu thương lúc này.

Chị Nguyễn Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Ngày nào chúng tôi cũng đi chợ nhưng hiện nay giá cả rau củ đắt đỏ quá, giá tăng hơn 16 % so với tuần trước. Các mặt hàng thịt cá cũng tăng giá chóng mặt, khiến những người nội trợ cũng hết sức lo lắng về vấn đề chi tiêu cho gia đình. Mong chính phủ sẽ có những điều chỉnh kịp thời để hàng hóa thị trường ổn định giúp người dân yên tâm hơn".

Thị trường hàng hóa trong nước thời gian qua chịu tác động mạnh mẽ của những biến động về địa chính trị, nguồn cung cũng như giá cả hàng hóa trên thế giới, đặc biệt, giá nguyên - nhiên liệu đầu vào tăng phi mã, trong đó có giá than, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, nguyên phụ liệu sản xuất của hầu hết các ngành, từ nông nghiệp đến công nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng của năm 2022 ước đạt gần 3,206 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 giảm 0,3%). Song phân tích kỹ, có thể thấy, mức tăng này chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm 2021 đạt thấp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá bán hàng hóa năm nay tăng khi giá nhiên liệu tăng cao.

Giá cả hàng hóa thiết yếu neo cao, trong khi thu nhập không tăng, hơn nữa, ảnh hưởng từ 2 năm dịch bệnh trước đó vẫn còn khá nặng nề, nên đại đa số người dân đều có xu hướng cắt giảm chi tiêu, giảm tối đa các chi phí không cần thiết. Danh mục chi tiêu của rất nhiều gia đình hiện nay chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống.

Lo ngại tình hình giá cả hàng hóa vẫn tăng cao, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ra công điện chỉ đạo làm rõ việc giá xăng đã giảm mạnh nhưng giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường vẫn neo cao, bởi điều này gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân lợi dụng biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa để thu lời bất chính; đồng thời yêu cầu cơ quan này kịp thời tổng hợp, báo cáo về biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế, qua đó có những đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá.

Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Tăng cường truy xuất nguồn gốc nông sản, đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi người dùng

Tăng cường truy xuất nguồn gốc nông sản, đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi người dùng

sự kiện🞄Thứ tư, 27/03/2024, 09:22

(CL&CS) - Khi sức khỏe được người tiêu dùng thông minh đặt lên hàng đầu và yêu cầu về bảo vệ môi trường trở nên cấp thiết, tính minh bạch khi áp dụng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm dần trở thành yếu tố không thể thiếu.

Bộ Y tế cảnh báo về Dược phẩm Kobayashi có nguy cơ tổn thương thận

Bộ Y tế cảnh báo về Dược phẩm Kobayashi có nguy cơ tổn thương thận

sự kiện🞄Thứ tư, 27/03/2024, 07:05

(CL&CS) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản có nguy cơ làm tổn thương thận.

Tịch thu 3 tấn thép không gỉ dạng tấm không rõ nguồn gốc

Tịch thu 3 tấn thép không gỉ dạng tấm không rõ nguồn gốc

sự kiện🞄Thứ tư, 27/03/2024, 07:05

(CL&CS) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thép không gỉ B.N số tiền 50 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.