GD&ĐT: Tư tưởng phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực
(CL&CS) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo giáo dục và đào tạo là phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.
Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay, trong đó, có đóng góp rất quan trọng của ngành giáo dục. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu quan trọng và quá trình lớn mạnh của ngành giáo dục, trong đó có những thành tích được đánh giá là cao hơn nhiều so với mặt bằng phát triển chung của nền kinh tế.
Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương đã được ngành giáo dục tích cực triển khai và đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Hệ thống giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học ngày càng được hoàn chỉnh. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ rệt, đang từng bước được hiện đại hóa. Chúng ta tự hào và phát huy có hiệu quả truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; sự ủng hộ của các gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục... để không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đến nay, Việt Nam đã có 4 trường đại học trong tốp 1.000 trường hàng đầu thế giới, 11 trường đại học trong tốp 650 trường hàng đầu châu Á... và thường xuyên có nhiều học sinh đạt giải quốc tế hằng năm.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả tích cực nêu trên, ngành giáo dục còn những tồn tại, hạn chế như: Chất lượng giáo dục và đào tạo còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng tầm mức; kỷ luật, kỷ cương quản lý trường, lớp ở nhiều nơi còn buông lỏng; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng; một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp; cân đối bố trí ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách tài chính để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập, chậm đổi mới.
Để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương, chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 51-KL/TW và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đồng thời lưu ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, Bộ trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo điều hành, tiếp tục đổi mới toàn diện tư duy giáo dục, phát huy trước hết tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực cùng ngành giáo dục vươn lên mạnh mẽ; khắc phục bằng được bệnh phô trương, thành tích để đi vào thực chất, lấy hiệu quả và sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà tập thể lãnh đạo Bộ cần dành thời gian nhiều hơn, trong đó lưu ý đồng chí Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo lĩnh vực này. Các quy định, cơ chế và chính sách hiện hành đang còn nhiều bất cập. Bộ cần bám sát yêu cầu thực tiễn, chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan để thảo luận, thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn với tinh thần vướng cấp nào thì trình cấp đó xử lý, nhất là cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập; việc gì mới chưa có quy định hay quy định không còn phù hợp nhưng chưa kịp sửa đổi, bổ sung thì mạnh dạn đề xuất cho thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện và mở rộng dần; tinh thần là không nóng vội nhưng cũng không quá cầu toàn mà làm cản trở phát triển.
Thứ ba, tư tưởng chỉ đạo giáo dục và đào tạo là phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực. Bộ phải bám sát chỉ đạo này để hoạch định chính sách, xây dựng thể chế phù hợp để làm rõ và vận hành có hiệu quả mối quan hệ "nhà trường, học sinh, và giáo viên"; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.
Thứ tư, tăng cường công tác xây dựng Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước và trong quản trị cơ quan Bộ. Hầu hết các trường hợp bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua đều có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ tại cơ quan, đơn vị. Đây là bài học sâu sắc cần được các cấp uỷ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng cùng tập thể lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự Đảng Bộ cần phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, thống nhất chỉ đạo và làm tốt công tác xây dựng Đảng, tuân thủ đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, phương thức lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý các trường đại học theo hướng phân cấp mạnh hơn để Hội đồng trường nâng cao trách nhiệm tập thể và cá nhân, phát huy tính chủ động sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực ngoài Nhà nước vào quản lý, đầu tư, phát triển trường, nhất là đối với các trường tự chủ hoàn toàn hoặc một phần. Bộ rà soát, kiểm tra để bảo đảm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về việc Chủ tịch Hội đồng trường đồng thời là Bí thư Đảng ủy trường.
Thứ sáu, để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, bên cạnh việc chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... Bộ cần chủ động thiết kế, xây dựng và ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình phù hợp làm cơ sở để tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho địa phương và đơn vị, đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những vi phạm làm ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng của ngành như "chạy trường, chạy lớp", "học giả, bằng thật", “chạy chức, chạy quyền” trong ngành giáo dục; tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu ở ngay trong cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục.
Thứ bảy, những vấn đề mà xã hội quan tâm, bức xúc cần được Bộ quan tâm đúng mức và giải quyết kịp thời. Ngành giáo dục có khoảng 1,2 triệu giáo viên, 24 triệu học sinh, sinh viên (khoảng 25% dân số). Như vậy, gần như gia đình nào cũng có học sinh, sinh viên; khi có bức xúc liên quan đến ngành thì dễ lan nhanh, tạo hiệu ứng tiêu cực. Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được quy định, phân công, phân cấp rõ ràng giữa Bộ, địa phương và các đơn vị liên quan, nhưng vẫn tiếp tục rà soát đổi mới, kiện toàn để phân cấp quản lý tốt hơn nữa.
Thứ tám, trong bối cảnh toàn thế giới đang chịu tác động mạnh mẽ và sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều loại dịch bệnh mới và khó lường, Bộ cần chủ động, tích cực hợp tác quốc tế để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động dạy và học ở nước ta.
Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Bộ cần chủ động chỉ đạo địa phương có kế hoạch giảng dạy và học tập cho phù hợp với yêu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh và xã hội, cũng như yêu cầu phòng, chống dịch.
Thứ chín, đề xuất cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hơn nữa công tác tổng kết, nghiên cứu khoa học và ngày càng hoàn thiện lý luận của ngành giáo dục; khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp nhiều hơn nữa trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và phục vụ sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương xây dựng cơ chế thành lập quỹ sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên.
Thứ mười, Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông để xã hội, nhân dân hiểu, có nhiều chia sẻ, thông cảm và đóng góp nhiều hơn cho ngành về những chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Hồng Liên
- ▪Bộ Giáo dục và Đào tạo: Yêu cầu công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ
- ▪Ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục hiện hành
- ▪Bản tin Chất lượng và cuộc sống: Giáo dục kỹ năng sống, sáng tạo cho học sinh từ trải nghiệm thực tế
- ▪Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giáo dục nhằm nâng cao quan hệ Việt - Pháp
Bình luận
Nổi bật
Viết về thầy cô và mái trường: Chất lượng các bài dự thi có sự thay đổi rõ rệt, nhiều bài viết tâm huyết, để lại cảm xúc sâu sắc
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57
(CL&CS) - Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024.
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:54
(CL&CS) - Qua gần 2 năm triển khai, đến nay phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu, góp phần nâng chất lượng, giảm khoảng cách giữa các trường học trên địa bàn.
Hơn 2.100 ý tưởng sáng tạo tranh tài tại cuộc thi “Tiếng nói Xanh” mùa 2
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 15:01
(CL&CS) - Sau hơn một tháng phát động, cuộc thi hùng biện – tranh biện “Tiếng nói Xanh” mùa 2 do Quỹ Vì tương lai xanh - Tập đoàn Vingroup tổ chức đã thu hút hơn 2.100 đơn đăng ký.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.