Thứ hai, 31/10/2022, 07:40 AM

Gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với việc nâng cao năng suất lao động xã hội

Quan tâm đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động ước không đạt mục tiêu trong năm 2022, thậm chí thấp hơn năm 2021, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị, cần nâng chỉ tiêu tăng năng suất lao động trong năm 2023, đi cùng với đó cần nhấn mạnh một số giải pháp để thực hiện, nhất là giải pháp gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Năm 2021, chỉ tiêu tăng năng suất lao động đạt 4,71% trong khi GDP chỉ tăng 2,8%. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga chỉ rõ, khoảng cách giữa ước thực hiện và mục tiêu khá xa, khi ước thực hiện trong năm 2022 đạt 3,8 – 4,3%, trong khi mục tiêu đặt ra là 5,5%. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa phân tích nguyên nhân không đạt chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị, cần bổ sung về vấn đề này.

Tăng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng, mà nhìn vào đó chúng ta có thể đánh giá được hiệu suất làm việc của lao động là yếu tố cơ bản, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Trong Báo cáo của Chính phủ tăng trưởng năng suất lao động năm 2022 không đạt, trong khi các chỉ tiêu khác để đảm bảo cho tăng trưởng năng suất lao động đều đạt và vượt. "Điều này chứng tỏ chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp và ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt", ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Một vấn đề đáng suy nghĩ được đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra là, trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm, chúng ta đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng, chuyển đổi số và khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất lao động, nhưng chỉ số tăng năng suất lao động lại ngày càng tỉ lệ nghịch với nỗ lực đó. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020 năng suất lao động tăng bình quân là 5,8%. Năm 2021 do ảnh của của dịch bệnh Covid-19 GDP chỉ tăng 2,8%, năng suất lao động tăng 4,71%, thì sang năm 2022 GDP ước tăng 8%, năng suất lao động chỉ ước tăng từ 3,8 - 4,3%.

Nhấn mạnh tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 được đặt mục tiêu trên 6,5%/năm, đại biểu cũng nhận thấy, việc Chính phủ đặt mục tiêu năm 2023 từ 5 – 6% sẽ khiến chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của giai đoạn. Hơn nữa, biên độ dao động trong chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội của năm 2023 được đề ra trong Báo cáo có độ chênh rất lớn, từ 5 đến 6%. Dù đây là một chỉ tiêu có thể dễ dàng đạt được, song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, nên đặt chỉ tiêu tăng năng suất lao động trong năm 2023 từ 6 đến 6,5%, vì thống nhất với Nghị quyết số 31/2021 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, chương trình hành động của Chính phủ và điều kiện thực tiễn nước ta hiện nay.

“Chúng ta cũng đã xác định là phải đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số. Khi đã xác định quyết liệt chuyển đổi số và tiến bộ khoa học công nghệ thì chỉ tiêu về năng suất lao động đề ra phải tương xứng bởi đầu tư và tiến bộ công nghệ, khoa học chính là cách thức quan trọng, là mấu chốt để nâng cao năng suất lao động”, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Đại biểu cũng nhận thấy, hệ thống nhiệm vụ, giải pháp được đề ra cho năm 2023 trong Báo cáo của Chính phủ mang tính tổng thể, an toàn hơn là những giải pháp có tính đột phá xuất phát từ kết quả thực tế năm 2022 và mục tiêu năm 2023. Hệ thống nhiệm vụ, giải pháp của năm 2023 cũng không có khác biệt nhiều với hệ thống nhiệm vụ, giải pháp của năm 2022, 2021 và một số năm trước đó. Do vậy, Chính phủ cần rà soát và xem xét để bổ sung vào mục tiêu tổng quát thêm mục tiêu cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội. Đi cùng mục tiêu này cũng cần nhấn mạnh một số giải pháp như: đặc biệt nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng lao động; nâng cao kỷ luật, kỷ cương lao động; nâng cao năng lực tư duy của lao động để theo kịp với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật; gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động xã hội.

P.Thủy

P.Thủy ( Đại biểu nhân dân)

Bình luận

Nổi bật

Cải tiến hệ thống quản lý môi trường cho tổ chức, doanh nghiệp với bộ tiêu chuẩn ISO 14001

Cải tiến hệ thống quản lý môi trường cho tổ chức, doanh nghiệp với bộ tiêu chuẩn ISO 14001

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:17

(CL&CS) - Áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 14001 giúp nâng cao năng lực quản lý các khía cạnh môi trường thông qua chương trình hành động vì môi trường được triển khai trong toàn doanh nghiệp…

Vai trò của tiêu chuẩn ISO 13485 trong sản xuất vật tư y tế

Vai trò của tiêu chuẩn ISO 13485 trong sản xuất vật tư y tế

sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 08:32

(CL&CS)- Tiêu chuẩn ISO 13485 cho phép dễ dàng xác định quy trình sản xuất, các bước kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, giám sát hiệu suất quá trình và giám sát hiệu suất của thành phẩm.

Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động

Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động

sự kiện🞄Thứ ba, 05/11/2024, 14:23

(CL&CS) - Năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Do đó, Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua việc tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp mũi nhọn bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, đầu tư, đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề cho nguồn lao động; hoặc chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn quốc gia.