Du lịch TP.HCM: Khi nào mới có bước đột phá?
(NTD) - Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong năm 2017, thu nhập du lịch tăng 12,6%, đạt 115,9 ngàn tỷ đồng. Là địa phương đi đầu trong cả nước, năm qua TP.HCM đón gần 6,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này tuy lớn so với các địa phương trong nước, nhưng vẫn kém xa các thành phố dẫn đầu khu vực ASEAN như Bangkok, Thái Lan (21,4 triệu lượt khách), Singapore (18 triệu lượt khách), Kuala Lumpur, Malaysia (15 triệu lượt khách)... Nguyên nhân vì sao?
Cần xác định rõ thị trường
Tại buổi tọa đàm “Công tác quản lý Nhà nước về du lịch của TP.HCM - 25 năm thành công và thách thức” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, thẳng thắn chia sẻ: “Du lịch TP.HCM cần phải xác định rõ thị trường thì mới định hướng đúng sản phẩm phù hợp. Ngoài ra, du lịch TP.HCM cần hợp tác với các địa phương khác để phát triển những sản phẩm du lịch vùng. Chẳng hạn, TP.HCM có thể hợp tác với Bà Rịa - Vũng Tàu để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, hợp tác với Tây Ninh để phát triển những sản phẩm về di tích lịch sử hoặc với đồng bằng sông Cửu Long để hướng đến du lịch xanh”.
Hiện tại, TP.HCM đang có 8 loại hình du lịch cơ bản gồm ẩm thực, mua sắm, sinh thái, y tế, MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm), du lịch đường thủy và vòng quanh thành phố. Mặc dù vậy, vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan, các loại hình du lịch này phát triển còn thiếu đồng bộ cũng như chiều sâu, dẫn đến ngành du lịch TP.HCM vẫn chưa có những bước đột phá trong thời gian qua.
Du lịch TP.HCM cần xác định rõ mục tiêu trong thời gian tới. |
Du lịch TP.HCM vẫn chưa có nhiều đột phá. |
Lĩnh vực ẩm thực, mua sắm và giải trí còn yếu
TP.HCM là một đô thị đa dạng về tôn giáo. Trên địa phận TP.HCM hiện nay có hơn một ngàn ngôi chùa, đình, miếu được xây dựng qua nhiều thời kỳ. Còn các nhà thờ xuất hiện chủ yếu trong thế kỷ 19 theo các phong cách Roman, Gothic… Với 11 viện bảo tàng, TP.HCM đứng đầu Việt Nam về số lượng bảo tàng trong đó bảo tàng lớn nhất và cổ nhất TP.HCM là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với 30 ngàn hiện vật. Cùng với những địa điểm du lịch quan trọng khác như địa đạo Củ Chi, rừng ngập mặn Cần Giờ, vườn cò Thủ Đức, công viên Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên… TP.HCM có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, ở những lĩnh vực ẩm thực, mua sắm, giải trí, ngành du lịch thành phố vẫn chưa phát huy được hết sức mạnh.
PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho rằng: “Khả năng quản lý du lịch yếu kém chính là “điểm nghẽn” khiến du lịch TP.HCM chưa thể phát triển mạnh trong thời gian qua”. Ông Lương đưa ra những trường hợp về các khu mua sắm như chợ Bến Thành, Diamond Plaza hoạt động thiếu chuyên nghiệp, quy củ dẫn đến sự thiếu hiệu quả, không thu hút được khách du lịch khi họ đến mua sắm.
Mức chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế đến TP.HCM cũng rất thấp (chỉ trung bình 3,7 triệu đồng/khách) kém xa con số này ở Bhutan (6 triệu đồng/khách). Lượng khách du lịch quay lại TP.HCM cũng hết sức khiêm tốn (chỉ khoảng 40%) trong khi con số này ở Bangkok là 82% và Singapore là 89%.
Cho đến nay, TP.HCM cũng chưa có một khu ẩm thực hoạt động quy mô và chuyên nghiệp kiểu như Charoenkrung (Bangkok, Thái Lan), Jalan Alor (Kuala Lumpur, Malaysia) hay Smith (Singapore). Địa điểm Vĩnh Khánh của TP.HCM bị chỉ trích là giống phố ăn nhậu hơn là khu ẩm thực.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel. |
TP.HCM từ lâu cũng bị coi là “trạm trung chuyển” đối với khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Bởi lẽ họ đến với thành phố nhờ cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng sau đó lại tỏa đi các tỉnh lân cận để tìm hiểu nét văn hóa, ẩm thực ở địa phương khác. Anh Bobby Kent, du khách người Mỹ chia sẻ: “Trước khi đến TP.HCM, tôi đã tìm hiểu khá kỹ nghệ thuật ẩm thực ở khu vực phương Nam. Cần Thơ nổi tiếng với món lẩu mắm, Bạc Liêu có bánh tằm bì, Cà Mau rất nhiều hải sản, Sóc Trăng có bánh pía… TP.HCM có rất nhiều khu vực ẩm thực đông đúc nhưng tôi vẫn khó tìm được những nơi ăn uống mà tôi muốn. Giá như, các khu ẩm thực ở TP.HCM được giới thiệu chi tiết và quy hoạch hệ thống tốt hơn thì điều đó thật tuyệt vời”.
Năm 2018, TP.HCM vẫn đang loay hoay với quá trình xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sở Du lịch vẫn chưa nỗ lực trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, có những đột phá để TP.HCM trở thành điểm đến “du lịch không ngủ” và tạo những sản phẩm đặc thù. Công tác xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, Sở Du lịch cũng chưa chủ động tham gia và thực hiện vai trò dẫn đầu trong liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng. Đó là những bất cập mà du lịch TP.HCM cần phải khắc phục trong thời gian tới để thành phố có những bước đột phá ở ngành kinh tế mũi nhọn này.
Thế Anh
Bình luận
Nổi bật
Khởi động chiến dịch 'JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết'
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:58
(CL&CS)- Ngày 21/11, tại Hà Nội, chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” chính thức được phát động.
Hà Nội vào mùa ô nhiễm không khí, nguy hại sức khỏe người dân
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:58
(CL&CS) - Chất lượng không khí (AQI) Hà Nội thời gian gần đây luôn ở mức cảnh báo đỏ, chỉ số bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép, điều này cho thấy hiện trạng ô nhiễm ở Hà Nội rất báo động
Viết về thầy cô và mái trường: Chất lượng các bài dự thi có sự thay đổi rõ rệt, nhiều bài viết tâm huyết, để lại cảm xúc sâu sắc
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57
(CL&CS) - Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.