Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 22/09/2019, 14:43 PM

Dự án Sonasea Vân Đồn: người dân thiệt thòi trong hỗ trợ tái định cư

(NTD) – Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City của Công ty CP Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn (Tập đoàn CEO Group) đang triển khai lấn biển, hút cát quy mô lớn, gây mất cảnh quan tự nhiên của vịnh Bái Tử Long mà người dân phản ánh trong thời gian qua, mới đây Báo Người tiêu dùng tiếp tục nhận được phản ánh của người dân đề nghị thanh tra dự án về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Trước đó, Báo Người tiêu dùng đã đang tải bài viết: "Dự án “khủng” của CEO Group đang tàn phá vịnh Bái Tử Long?",  nói về việc chủ đầu tư CEO Group trong quá trình triển khai dự án (DA) đã đổ đất đỏ, lấy đất rừng, hút cát, san lấn biển rầm rộ với quy mô lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; xe chở đất đá gây tai nạn; chia nhỏ thành nhiều phân khu; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường từng phần… khiến dư luận bức xúc.

Mức bồi thường quá thiệt thòi cho dân?

Đặc biệt, mới đây, người dân địa phương ở xung quanh DA tiếp tục phản ánh về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư không được thỏa đáng.

4a4a92f02521c27f9b30
DA Sonasea Vân Đồn Harbor City  bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường và đề nghị các cơ quan chức năng thanh tra làm rõ việc hỗ trợ tái định cư

 Ông Đoàn Văn Thang (thôn 2, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Người dân thiệt thòi quá nhiều, vì một số hộ dân trước kia người ta mượn đất, sau này được hưởng theo cấp đất. Có những hộ làm theo kiểu cách đền bù, xây dựng lên, còn riêng tôi, chẳng xây dựng gì cả mà đất của tôi được cấp từ lâu theo hộ khẩu, giờ cũng như nhau”.

Ông Thang bộc bạch thêm: “Có những hộ được 2 "lốt" tái định cư. Nhà tôi trước kia có 1 thế hệ, giờ có 3 thế hệ, để cho con cái đất xây nhà cũng diện tích nhỏ, chỉ đi ra đi vào được thôi. Xét cho cùng, tôi cũng đủ điều kiện nhưng cuối cùng chẳng được đáp ứng theo yêu cầu. Đất một bên mặt đường, người ta bán mười mấy, hai mươi triệu đồng, còn đền bù chỉ được 7 triệu đồng. Trong khi đất của tôi khai hoang bồi đắp lên từ lâu, chỉ được mấy chục ngàn đồng1 mét vuông, hỏi sao không thiệt thòi”.

Ngày 6/5/2019, ông Đoàn Văn Thang viết đơn với nội dung gửi: “Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Thanh tra Nhà nước tỉnh Quảng Ninh, Ban pháp chế HĐND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan báo chí, đề nghị thanh tra DA về việc “giao chủ đầu tư; phê duyệt DA; phê duyệt việc thu hồi đất; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong DA Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City , tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn”.

Theo đó, ông Thang là người bị thu hồi 1.289,7m2 đất để thực hiện DA. Từ năm 2012, UBND huyện Vân Đồn ra các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, nhưng ông Thang không hề biết, không hề nhận được tiền, nay mới thực hiện thu hồi đất của gia đình ông và chỉ giải quyết quyền lợi cho gia đình ông như những gia đình khác (đã nhận tiền) là không công bằng.

Mặc khác, việc thu hồi đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư từ năm 2002 theo Quyết định 4357/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh xác định là chưa đúng với quy định của pháp luật. Tại sao nay vẫn xác định bồi thường cho gia đình ông Thang 71.196.000 đồng, được lập phương án năm 2002 và trong phương án lập năm 2019 lại trừ đi số tiền này (số tiền mà gia đình ông hoàn toàn không biết, không nhận)?.

Ông Thang cho biết thêm, DA được giao cho nhiều chủ đầu tư, như: “Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ; Công ty CP Đầu tư phát triển Bảo Nguyên và đến nay DA thuộc về Công ty CP và Phát triển du lịch Vân Đồn. Từ ngày được phê duyệt DA - năm 2002, Công ty Việt Mỹ (chủ đầu tư đầu tiên) đã thực hiện DA như thế nào? Có đúng với tiến độ ?

Khi giao DA cho Công ty Bảo Nguyên, dù chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đã điều chỉnh thay đổi quy hoạch. Rồi khi Công ty này chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chuyển nhượng cho Công ty Du lịch Vân Đồn”…

Ngoài ra, trong đơn đề nghị ông Thang cũng nêu những thủ tục phê duyệt DA; giao chủ đầu tư; thay đổi chủ đầu tư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch DA…thực hiện trên diện tích đất gia đình ông sử dụng, mà ông hoàn toàn không được biết thông tin, không được công khai quy hoạch, không được nhận quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư năm 2002.

Những vấn đề liên quan đến DA khiến ông Thang cho rằng có những khuất tất, không minh bạch... Cũng theo ông Thang, mong rằng các cơ quan chức năng trên tỉnh Quảng Ninh tổ chức thanh tra lại toàn bộ DA, để đảm bảo quyền lợi công bằng cho các hộ dân xung quanh.

Về những vấn đề người dân phản ánh, PV đã gửi nội dung liên hệ làm việc với UBND huyện Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh. Nhưng sau một thời gian dài, nhiều lần liên hệ, PV chỉ nhận được câu trả lời chung chung từ một vị đại diện lãnh đạo của địa phương này: “Chúng tôi đang giao cho các đơn vị kiểm tra lại, có nội dung kết quả, sẽ thông tin lại với báo bằng văn bản”.

Dự án lấn biển được chia nhỏ để “lách” luật?

Ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long ký ban hành Quyết định 1138/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 DA Sonasea Vân Đồn Harbor City, có ranh giới bao trùm ranh giới quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Bái Tử Long (đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại bản vẽ quy hoạch chi tiết DA ngày 7/4/2004 và ngày 1/2/2005).

70238035_607343319798931_4600890141387522048_n
UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý với việc chia nhỏ DA của Tập đoàn CEO Group để xin cấp ĐTM - việc làm trái pháp luật

DA Khu du lịch sinh thái Bái Tử Long được tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2007, do Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ triển khai trên diện tích 100ha. Nhưng sau 8 năm triển khai ì ạch, Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ đã chuyển nhượng đất DA và tài sản gắn liền với đất cho Công ty Bảo Nguyên. Sau đó, Công ty Bảo Nguyên xin chấm dứt đầu tư và chuyển nhượng lại toàn bộ DA này cho Tập đoàn CEO Group đầu tư.

Sau khi "thâu tóm" thành công quỹ đất biển 100ha, Tập đoàn CEO Group tiếp tục xin tỉnh Quảng Ninh tăng quy mô đất làm DA lên tới 358,35ha, với định hướng phát triển Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và đô thị nhà ở. Do đó, Quyết định 1138/QĐ-UBND của tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 11/4/2018 là bước tiếp theo phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của DA Sonasea Vân Đồn Harbor City – được mở rộng quy mô gấp 3,5 lần so với diện tích đất nghiên cứu của chủ DA cũ đã bị chậm tiến độ chục năm qua.

Theo quy định, UBND tỉnh Quảng Ninh phải công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 của DA Sonasea Vân Đồn Harbor City trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, để nhà đầu tư và người dân trong phạm vi ảnh hưởng của DA được biết. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Quyết định 1138/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 của DA này đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh: https://quangninh.gov.vn, dường như đã “biến mất”, không thể tìm thấy?

Tương tự, Quyết định số 3026/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 8/8/2018 về việc cho thuê đất tại DA Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1, cũng không thể tìm thấy trên hệ thống dữ liệu công bố thông tin công khai của tỉnh Quảng Ninh.

Được biết, tại Phân khu 1, hiện người dân chưa chịu di dời, vì cho rằng không được đền bù thỏa đáng. Họ yêu cầu trực tiếp Tập đoàn CEO Group phải có phương án cụ thể để thỏa thuận đền bù với dân, chứ không thông qua UBND huyện, UBND xã, người dân mới chấp nhận.

Theo Nghị quyết 64 /NQ-HĐND, ngày 11/7/2012 của HĐND tỉnh Quảng Ninh viết rất rõ về “chủ trương hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển, không san đồi lấp biển. Đối với các DA đã và đang thực hiện, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch tổng thể, thiết kế kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của luật pháp”. Nhưng không hiểu sao, một DA lấp biển, san núi lớn của CEO Group vẫn được cấp phép?

Dư luận đang hết sức quan tâm tới DA lấn biển của CEO Group và tỏ ra hoài nghi, khi mà UBND tỉnh Quảng Ninh lại phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho CEO Group, trong khi thẩm quyền không phải của mình? Việc UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ĐTM cũng không phải toàn bộ DA, mà chỉ là phân khu với 67ha.

Theo nhiều chuyên gia về môi trường, nếu như Tập đoàn CEO Group triển khai việc chia nhỏ DA để xin cấp ĐTM là đi ngược lại nguyên tắc. Theo quy định,không được chia nhỏ DA và cấp riêng ĐTM cho từng DA thành phần, mà phải thẩm định và cấp ĐTM cho cả DA. Việc UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý với việc chia nhỏ DA của chủ đầu tư để xin cấp ĐTM là trái pháp luật.

Phải chăng, UBND tỉnh Quảng Ninh đang “cố tình” và  “lách luật”, để giúp chủ đầu tư thực hiện DA dù chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép? Lẽ nào, khi DA đang được triển khai, có "nhóm lợi ích" nào đó, đứng sau "bao che" cho sai phạm? Người dân rất khẩn thiết cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng làm rõ các sai phạm liên quan trong DA này.

Báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ở bài viết sau.

Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.