Dữ liệu cũ
Thứ hai, 16/05/2016, 16:53 PM

Doanh nghiệp khốn đốn vì không được bù trừ lãi kinh doanh

(NTD) - Nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) than trời, bởi không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ.

doanh nghiệp khốn đốn
Doanh nghiệp BĐS nản lòng vì bị đối xử như con ghẻ.

Để phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho bổ sung quy định một số điều của các Luật thuế (cuối năm 2014). Theo đó, doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh".

Tuy nhiên khi Quốc hội phê duyệt đã bỏ sửa đổi nêu trên khiến doanh nghiệp BĐS than trời, bởi không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ.

Lãnh đạo Công ty Đất Lành cho rằng quy định tréo ngoe này đã kéo dài nhiều năm, khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi. Thực tế, nhiều doanh nghiệp BĐS kinh doanh đa ngành và đầu tư từ nguồn vốn của họ thì họ phải được quyền cân đối tài sản, cân đối thu chi. Trong kinh doanh có công ty thành công nhờ BĐS nhưng nhiều công ty cũng sụp đổ vì BĐS. Doanh nghiệp đã trả giá vì lỗ BĐS thì họ cũng phải được đối xử công bằng như doanh nghiệp các ngành nghề kinh doanh khác.

Cùng suy nghĩ đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết hiện công ty kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có BĐS và siêu thị. Tuy nhiên, siêu thị của công ty mấy năm nay lỗ liên tục do mới xâm nhập thị trường. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh BĐS của công ty mang lại lợi nhuận cao nhưng cơ quan thuế không cho phép lấy lợi nhuận của BĐS bù cho mảng siêu thị, dẫn đến lãi BĐS vẫn phải đóng thuế còn lỗ của siêu thị thì phải “ôm sô”.

Về bức xúc này, trong Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp ở TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố (HoREA) Lê Hoàng Châu đã phải tha thiết khẩn cầu Chính phủ cho phép doanh nghiệp được bù trừ lỗ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác bằng lợi nhuận từ kinh doanh BĐS.

Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính từng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng nhưng sau đó gặp khó khăn về tài chính, không trả được nợ nên phải bán BĐS. Tuy nhiên, quy định hiện hành dẫn đến một bất cập là khi bán BĐS có lãi thì doanh nghiệp phải nộp thuế ngay mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang thua lỗ. Nhiều trường hợp doanh nghiệp nộp thuế xong, số tiền còn lại cũng không đủ để trả ngân hàng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, phân tích: Theo Luật Doanh nghiệp 2014, một doanh nghiệp không bị giới hạn ngành nghề đăng ký. Những doanh nghiệp đa ngành khi báo cáo trước đại hội cổ đông là báo cáo tổng thể lãi lỗ bù trừ giữa các ngành nghề, tổng hợp hoạt động các công ty con hay thành viên, chứ đâu thể báo cáo cổ đông là lãi BĐS, phần khác lỗ nhưng không bù đắp được. Điều này cũng có thể đánh giá sai lệch hiệu quả quản trị điều hành của doanh nghiệp. Hơn nữa, nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty là mua mọi hoạt động kinh doanh của công ty đó, chứ không thể mua riêng một mảng kinh doanh nào mà buộc doanh nghiệp phải hạch toán riêng một phần lãi. Quy định đối với các ngành nghề đã thông thoáng đến mức như vậy, trong khi doanh nghiệp BĐS vẫn còn bị bó buộc là quy định bất hợp lý, không công bằng.

Theo tổng giám đốc một công ty địa ốc, trong luật doanh nghiệp và các luật liên quan đến BĐS như luật đất đai, nhà ở... không gọi BĐS là ngành nghề đặc biệt, thì việc quy định thuế phân biệt đối xử như trên là không có căn cứ pháp lý.

“Hơn 20 năm qua, BĐS có vị thế lớn trong đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng, tạo dựng nhà ở, đô thị, cao ốc văn phòng, bệnh viện, khách sạn, BĐS công nghiệp... BĐS làm ra nhiều của cải lại bị phân biệt đối xử như “con ruột, con ghẻ” khiến doanh nghiệp nản lòng”, ông này nói.

Khảo sát của một công ty kiểm toán cho thấy, các nước như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc... đều quy định lãi lỗ của các hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng BĐS được bù trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chỉ có ở Việt Nam và Malaysia vẫn áp dụng "van thuế một chiều", không cho phép bù trừ lãi BĐS cho các hoạt động kinh doanh khác. Chuyên gia kinh tế Phạm Quang Vinh (Viện trưởng Viện Kinh doanh Quốc tế IBM) cho rằng đây là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa tạo ra nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh.

Trong bối cảnh BĐS đang chững lại, tồn kho khoảng 60.000 căn hộ, 189 dự án ngưng thi công hoặc chưa triển khai do vướng giải tỏa và do gói 30.000 tỷ đồng đã hết giải ngân, lại thêm quy định tréo cẳng ngỗng như trên đã khiến đại đa số các doanh nghiệp BĐS đều chỉ còn biết... than trời.

Bích Phượng

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.