Văn hóa và Đời sống
Thứ năm, 14/03/2024, 11:17 AM

Đền ông Hoàng Mười - ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ

(CL&CS) - Hằng năm, cứ vào dịp tháng 10 Âm lịch, những người con xứ Nghệ trên mọi miền đất nước lại cùng nhau về xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An để chiêm bái và tham dự Lễ hội đền ông Hoàng Mười.

Nơi thờ vị tướng tài

Đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) nằm ở vị trí cảnh quan đẹp với phong cảnh non xanh nước biếc hữu tình. Trước mặt là dòng sông Lam như một dải lụa xanh trải rộng, ôm ấp quanh Đền là sông Cồn Mộc quanh co, uốn khúc. Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử.

Chính cảnh quan thiên nhiên của vùng sông nước, mây núi vốn được coi là một trong những đại danh thắng ở hạ lưu sông Lam đã tạo nên cảm giác vô cùng thoải mái cho du khách khi đến đền chiêm bái, vãn cảnh. Ngoài cảnh đẹp kỳ thú, từ lâu, đền ông Hoàng Mười đã nổi tiếng linh thiêng và có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.

1

Đền ông Hoàng Mười là ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ.

Tương truyền ngôi đền được xây dựng từ thời Hậu Lê (1634), thờ các vị phúc thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của Việt Nam. Trong đó, nhân vật được thờ chính là ông Hoàng Mười. Ngoài ra trong Đền còn thờ các vị phúc thần: Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung, Song Đồng Ngọc Nữ và hệ thống đạo Mẫu tứ phủ, mà người đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Theo truyền thuyết dân gian, ông Hoàng Mười (còn gọi là ông Mười Nghệ An), là con của Vua cha Bát Hải Động Đình - thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh của Vua cha, Ông giáng trần để giúp dân, phù đời, được giao trọng trách trấn thủ Nghệ An về mặt tâm linh, được đặc cách toàn quyền kiểm soát khâm sai ở xứ Nghệ.

Tại đền còn lưu truyền sự tích về người như: Quan Hoàng Mười là người văn võ toàn tài, có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng. Đặc biệt, ngài luôn quan tâm, giúp đỡ những người dân nghèo khó; là một vị tướng tài có công lớn trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn. Ngài bị thương nặng, phi ngựa về đến quê nhà thì mất, dân làng chưa kịp mai táng, mối đã đùn đất lên quanh thi hài thành một ngôi mộ. Triều đình và nhân dân thương tiếc lập đền thờ bên cạnh ngôi mộ để làm nơi tưởng niệm Ngài. Công lao của Quan Hoàng Mười đã được các triều đại phong kiến ghi nhận và ban các thần hiệu “Khâm Sai Tiết Chế Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa Đẳng Xứ, Kiêm Thủy Bộ Chư Dinh, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Thái Úy, Vị Quốc Công”.

2

Người dân đến Đền ông Hoàng Mười vãn cảnh, cầu công danh, sự nghiệp.

Theo tìm hiểu, đền ông Hoàng Mười được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh. Trải qua lịch sử, đền bị phá huỷ. Năm 1995 đền được xây dựng theo quy mô truyền thống, gồm tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu. Khu đền chính gồm ba tòa điện, là Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Công trình này mang kiến trúc đền chùa thời nhà Nguyễn. Vật liệu dựng đền sau này đều làm bằng gỗ, được chạm trổ công phu với các hoạ tiết long, lân, quy, phụng.

Dù trải qua nhiều thăng trầm của thời gian và qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, đền vẫn lưu giữ được kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, phản ánh tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ thời bấy giờ.

Hiện tại đền cũng đang lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật đồ tế khí quý hiếm; trong đó có 21 sắc phong, bản thần tích chữ Hán, hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử, thẩm mỹ.

Lan tỏa giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia

Các cao niên trong xã cho biết, Lễ hội Đền ông Hoàng Mười được hình thành và tồn tại với lịch sử của Đền. Trước đây, Lễ hội đền ông Hoàng Mười được tổ chức vào ngày 15/3 (âm lịch) hàng năm.

Từ năm 1995, sau khi ngôi đền được phục dựng lại, Lễ hội được chuyển vào ngày 9, 10/10 (âm lịch) hàng năm - ngày hóa của Quan Hoàng Mười, dịp tết cơm mới/tết Trùng thập/tết Hạ nguyên, ngày lễ của những người thực hành nghi lễ hầu đồng; ngày mà người dân tin là ngày tròn trịa, viên mãn, mang lại nhiều điều tốt đẹp, còn ngày 15/3 hàng năm chỉ tổ chức thắp hương, dâng lễ.

Lễ hội đền ông Hoàng Mười được tổ chức theo các nghi lễ truyền thống trang nghiêm, gồm: Lễ khai quang/mộc dục, Lễ rước sắc, Lễ yết cáo, Lễ đại tế, Lễ tạ.

3

Lễ đại tế tại Lễ hội đền ông Hoàng Mười.

Lễ rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn về đền ông Hoàng Mười, diễn ra vào chiều ngày 9, do từ thời Phong kiến, sắc phong thần của đền được giao cho dòng họ Nguyễn trông coi, lưu giữ. Khi làng tổ chức hội thì rước sắc ra đền, xong hội lại rước về nhà thờ.

Nét đặc sắc của Lễ hội đền ông Hoàng Mười là các hoạt động được gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là diễn xướng nghi lễ hầu đồng, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng giao tiếp, biểu đạt những ước muốn, khát vọng của du khách với thần linh (tín ngưỡng thờ mẫu một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận).

Ngoài việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tâm linh trong các dịp lễ, Tết, vọng... hàng tháng thì lễ giỗ ông Hoàng Mười ở phần hội được tổ chức quy mô như bóng chuyền Nam, bóng chuyền nữ đến từ 18 xã, thị trấn thì còn có hoạt động đua thuyền trên sông Mộc với sự sự tham gia của vận động viên 3 xã Xuân Lam, Long Xá và xã Hưng Lợi thì còn có sự tham gia của các huyện bạn như Đô Lương, Nam Đàn và Thị xã Hoàng Mai.

4

Lễ rước sắc đường thuỷ tại Lễ hội đền ông Hoàng Mười.

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền ông Hoàng Mười, theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Hoài Thanh (Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hưng Nguyên, Trưởng ban Quản lý di tích đền ông Hoàng Mười), huyện Hưng Nguyên đã tập trung đầu tư mở rộng, xây dựng và nâng cấp các hạng mục từ khu vực tâm linh đến khu dịch vụ bằng nguồn công đức và nguồn xã hội hoá hơn 110 tỷ đồng.

Huyện cũng xác định đây là điểm văn hóa tâm linh quan trọng của tỉnh, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hoạt động và quản lý nhằm phát huy tốt giá trị của di tích. Cùng với đó, các hoạt động Lễ hội đền ông Hoàng Mười được huyện Hưng Nguyên nghiên cứu đổi mới theo từng năm nhằm dần nâng tầm quy mô đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, thưởng ngoạn của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Với sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với quan Hoàng Mười và sự đặc sắc về cảnh quan môi trường cũng như giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, đền ông Hoàng Mười là điểm du lịch văn hóa tâm linh của nhân dân, của du khách thập phương trong hành trình tìm về xứ Nghệ. Bảo tồn, tôn tạo và mở rộng di tích đền Ông Hoàng Mười để xứng tầm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nhiệm vụ đã và đang được Hưng Nguyên quan tâm, góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.

Đền ông Hoàng Mười được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2002; được công nhận điểm du lịch văn hóa tâm linh năm 2018. Năm 2019, Lễ hội đền ông Hoàng Mười đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo Lao động thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Về đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á khám phá khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm duy nhất còn tồn tại

Về đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á khám phá khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm duy nhất còn tồn tại

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 10:37

Nơi đây không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ, khoáng đạt của tự nhiên mà còn gây ấn tượng bởi vẻ đẹp cuộc sống, làm say đắm lòng người.

Nữ phát thanh viên phim Việt giờ vàng khiến khán giả ức chế, trong phim bị 'chồng cắm sừng', ngoài đời hôn nhân kín tiếng với ông xã chưa từng lộ mặt

Nữ phát thanh viên phim Việt giờ vàng khiến khán giả ức chế, trong phim bị 'chồng cắm sừng', ngoài đời hôn nhân kín tiếng với ông xã chưa từng lộ mặt

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 10:24

Trải qua gần 2 thập kỷ bên ông xã, nữ diễn viên sinh năm 1983 vẫn quyết tâm giấu kín tên tuổi và diện mạo của ông xã.

Người S'tiêng ở Bình Phước có thêm hai di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Người S'tiêng ở Bình Phước có thêm hai di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 08:59

(CL&CS) - Trong quá trình sinh sống, cộng đồng người S’tiêng ở Bình Phước đã tạo cho mình bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc, trong đó có nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm.