Thứ ba, 26/07/2022, 09:05 AM

ĐBSCL sẽ “cất cánh” nhờ hàng loạt dự án hạ tầng giao thông hàng chục tỷ USD

(CL&CS) - Với việc đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030 với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD sẽ giúp ĐBSCL phát triển mạnh trong thời gian tới.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Riêng nguồn vốn bố trí để đầu tư cho đường cao tốc lên tới 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% tổng mức đầu tư đường cao tốc trên phạm vi cả nước. Giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục tăng.

ĐBSCL sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới nhờ hàng chục tỷ USD đầu tư hạ tầng giao thông

ĐBSCL sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới nhờ hàng chục tỷ USD đầu tư hạ tầng giao thông

Trước đó, từ năm 2016 - 2020, nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng này chưa đến 33.000 tỷ đồng, chiếm 14% so với cả nước. Còn giai đoạn từ năm 2011 - 2015, kế hoạch vốn trung ương đầu tư hạ tầng giao thông vùng này cũng chỉ hơn 43.500 tỷ đồng, chiếm 17% so với cả nước.

Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2021- 2030 là thời kỳ mà khu vực ĐBSCL được Trung ương tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông với nguồn vốn đầu tư tăng cao nhất từ trước đến nay.

Hiện tại, khu vực ĐBSCL đang được đầu tư hàng loạt hơn 10 dự án hạ tầng giao thông quan trọng đường thủy, đường bộ và hàng không với tổng số vốn đầu tư hàng chục tỷ USD.

Cụ thể, cao tốc Bến Lức - Long Thành có mức đầu tư hơn 1,6 tỷ USD. Dự án này gồm 3 phân đoạn, dự kiến đi vào khai thác năm 2023. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có mức đầu tư 12.500 tỷ đồng, tổng chiều dài 51km gồm 4 làn xe đã khánh thành và đi vào sử dụng 4/2022, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Mỹ Thuận từ 3 tiếng nay chỉ còn 1 tiếng 45 phút.

Tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 80km gồm 4 làn xe, đi qua TP Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp đã chính thức đi vào hoạt động từ cuối 2021. Từ tháng 9/2022, tuyến này cũng đã được phê duyệt nâng cấp lên đạt chuẩn đường cao tốc với 6 làn xe, tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 22,97km, xây dựng 6 làn xe cao tốc, nền đường 32,25m. Giai đoạn 1 của dự án được khởi công tháng 1/2021, tổng mức đầu tư khoảng 4.826 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ và đưa vào khai thác vào tháng 4/2023.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau với tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng, chiều dài 111km, gồm 6 làn đường, dự kiến khởi công tháng 11/2022. Trong đó, đoạn qua Hậu Giang chiến 58% chiều dài toàn tuyến (63km). Đây được xem là tuyến đường trọng điểm trong kết nối kinh tế khu vực Tây Nam Bộ.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Tổng chiều dài trên 188km, trong đó, đi qua địa bàn tỉnh An Giang hơn 57km, TP Cần Thơ hơn 37km, tỉnh Hậu Giang gần 37km và tỉnh Sóc Trăng gần 57km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án đạt gần 44.700 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh với tổng chiều dài đoạn tuyến là 26.164 km, tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến 2022-2026. Khi dự án hoàn thành sẽ để kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL; hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Dự án cao tốc Hà Tiên - Bạc Liêu với chiều dài 225km đi qua các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 33.255 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2026.

Tuyến An Hữu - Cao Lãnh dài 28km đi qua Tiền Giang và Đồng Tháp có vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng cũng triển khai vào hoàn thành trong giai đoạn 2021 -2025.

Dự án cảng biển nước sâu Trần Đề có quy mô 550 ha, với cầu cảng vượt biển dài 16 km, khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha, cũng đã được thông qua. Dự án sẽ thu hút hàng xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng thuộc vùng sông Hậu và bán đảo Cà Mau, với khoảng 10 - 11,2 triệu tấn/năm, hàng container từ Campuchia thông qua khoảng 529.000 TEUs/năm.

Nổi bật nhất là dự án mở rộng sân bay quốc tế Cần Thơ lên thành phố sân bay quy mô hơn 10.000 ha nhằm thu hút lượt khách quốc tế và góp phần phát triển kinh tế xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL. Nâng công suất phục vụ dự kiến lên 3 triệu lượt khách/năm.

ĐBSCL được định hướng phát triển xanh và bền vững, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư với các dự án du lịch nghỉ dưỡng, các dự án khu đô thị phức hợp phục vụ nhu cầu nâng tầm chất lượng sống, dịch vụ du lịch cho du khách trong ngoài nước.

Chi Lê

Bình luận

Nổi bật

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:43

(CL&CS) - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 330/KH-UBND ngày 18/11/2024 về việc thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2025.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ kết nối với đường sắt liên vận Á - Âu

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ kết nối với đường sắt liên vận Á - Âu

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:54

(CL&CS) - Dự kiến, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ kết nối với hệ thống đường sắt liên vận quốc tế Á, Âu. Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam mở tuyến liên vận quốc tế để khai thác hiệu quả tuyến này.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: 'Chúng ta cần chủ động nắm bắt công nghệ, tự mình làm chủ dự án'

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: 'Chúng ta cần chủ động nắm bắt công nghệ, tự mình làm chủ dự án'

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 15:01

(CL&CS) - Thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sáng 13/11, giáo sư Hoàng Văn Cường (nguyên Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng thành công xây dựng đường dây 500kV mạch ba cho thấy để triển khai nhanh, hiệu quả bắt buộc phải làm chủ công nghệ.