Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 21/10/2017, 12:47 PM

“Đại gia” nào bị tố thao túng đất vàng An Phú - An Khánh”?

(NTD) - Dù đã được giao đất gần 20 năm nhưng dự án khu dân cư An Phú - An Khánh (rộng 131ha) vẫn còn một phần diện tích lớn chưa được triển khai thi công và bỏ hoang. Phần đất này bị bỏ hoang do dính khiếu nại, khiếu kiện của 3 công ty liên quan đối với Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC), nơi mà “đại gia” Đinh Trường Chinh (chồng cũ của hoa hậu Diễm Hương) có đến 70% cổ phần.

Các lô đất CC07-1, CC06-1, CC06-2, E5 nằm trong khu dân cư rộng 131ha An Phú - An Khánh (quận 2, TP.HCM) hiện tại có giá cao ngất ngưỡng và là niềm mơ ước của nhiều người nhưng trước đây, nơi này từng là địa điểm thưa thớt dân và có giá rẻ “bèo”.

Đất vàng phải bỏ trống…

Ngay khi có chủ trương xây dựng dự án khu dân cư An Phú - An Khánh, Nhà nước đã giao đất cho Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà (Cty Nhà) theo quyết định 783/QĐ-TTG ngày 13/8/1999 để tiến hành triển khai. Tuy nhiên, do không đủ tiềm lực nên cty buộc phải huy động vốn. Theo đó, có đến 11 công ty khác nhau đã hùn vốn để triển khai dự án. Trong đó, có 10 công ty vốn Nhà nước và cùng chung Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV với Cty Nhà, công ty còn lại là Công ty TNHH Tân Long (Hà Nội).

anh2 - HDTC
Khu đất vàng bỏ hoang vì những tranh chấp nhập nhằng (Ảnh: NVHA)

Hầu hết các công ty đều đã tiến hành triển khai và hoàn thành các tiểu mục dự án, chỉ còn 3 đơn vị gồm: Công ty CP Địa ốc 8, Công ty CP đầu tư và địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn (SGCL) và Công ty Tân Long là không hoàn thành do chưa đền bù, giải phóng mặt bằng xong. Mà theo các đơn vị này, phần việc giải tỏa mặt bằng, đền bù cho dân do Cty Nhà chịu trách nhiệm chứ không phải các đơn vị này.

Cụ thể, giữa Cty Nhà và 3 đơn vị nói trên đã tiến hành thực hiện hợp đồng chuyển nhượng 4 phần đất lần lượt cho: Địa ốc 8 lô B33 (diện tích 3.569m2, ký ngày 3/11/2005, đơn giá 1.450.000 đồng/m2); SGCL lô D9 (diện tích 3.603m2, ký ngày 1/12/2005); Tân Long lô E (diện tích 5.494m2, ký ngày 7/10/2003, đơn giá 2.500.000 đồng/m2) và lô D7 (diện tích 3.459m2, ký ngày 8/9/2006, đơn giá 1.450.000 đồng/m2).

Tuy nhiên, Cty Nhà lại không thực hiện việc đền bù, giải tỏa dứt điểm, dẫn đến kéo dài thời gian bàn giao, thi công dự án. Vì vậy, để bù lại từ năm 2012, cả 3 công ty trên đều được ký phụ lục hợp đồng. Địa ốc 8 đổi lô B33 lấy lô CC07-1 (diện tích 4.920m2, ký ngày 2/12/2013, giá chuyển nhượng chênh lệch là 57.075.850.320 đồng); SGCL được đổi lô D9 lấy lô CC06-2 (diện tích 5.719m2, ký ngày 29/10/2012, tổng giá trị chuyển nhượng là 70.364.536.231 đồng); Tân Long được đổi 2 lô E và D7 lấy 2 lô CC06-1 và E5.

Ngay sau khi ký phụ lục hợp đồng, Cty Nhà đã bàn giao các lô đất trên cho đơn vị nhận chuyển nhượng quản lý.

Cty nào vi phạm hợp đồng, bội tín?

Đầu năm 2016, các lô đất trên đã được Sở TN&MT TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Tuy nhiên, Cty Nhà không chịu bàn giao cho các đơn vị nhận chuyển nhượng. Cùng thời gian này, “đại gia” Đinh Trường Chinh mua cổ phiếu của Cty Nhà và chính thức trở thành cổ đông lớn nhất công ty với 70% cổ phần. Sau đó, Cty Nhà được đổi tên thành Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (gọi tắt là Công ty HDTC).

anh1 - HDTC
Công ty Địa ốc 8 đang phản ứng gay gắt với các quyết định của đại gia Đinh Trường Chinh (Ảnh: NVHA)

Với vai trò là cổ đông lớn nhất, ông Chinh đã không đồng ý sang tên GCNQSDĐ cho một số đơn vị trước đó.

Trả lời báo chí, ông Đinh Trường Chinh - Chủ tịch HĐQT Công ty HDTC cho biết, 3 công ty trên (Địa ốc 8, SGCL và Tân Long – PV) đã vi phạm hợp đồng vì nhiều lần thanh toán tiền chậm tiến độ. Riêng, Công ty Địa ốc 8 và SGCL còn thêm việc không đủ năng lực do vốn điều lệ thấp nên ông không thể bàn giao dự án.

Tuy nhiên, đại diện Địa ốc 8 khẳng định, việc ông Chinh không bàn giao, sang tên sổ đất cho Địa ốc 8 như hợp đồng đã ký năm 2005 và phụ lục hợp đồng 2013 là điều không thể chấp nhận vì Địa ốc 8 đã thanh toán đủ 100% tiền hợp đồng. Đây là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và HDTC đã bàn giao đất cho Địa ốc 8 vào năm 2013. Hơn nữa, ông Chinh cũng đã khẳng định khu đất CC07-1 thuộc sở hữu của Địa ốc 8 tại các buổi làm việc. Còn về năng lực thì Địa ốc 8 không có nghĩa vụ phải chứng minh với HDTC. Trong khi đó, Địa ốc 8 có nhiều nguồn lực khác để thực hiện dự án đã theo đuổi, ấp ủ gần 15 năm qua và sẽ nộp đầy đủ hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền khi triển khai dự án.

Đại diện SGCL cho rằng, theo hợp đồng ban đầu thì đơn vị thanh toán 20% tổng giá trị lô đất cũ. Sau đó, có thêm phụ lục hợp đồng năm 2012, giá đất thay đổi và để bù đắp phía Công ty Nhà đã làm bản thỏa thuận chấp nhận khoản phạt trả chậm của SGCL, hiện SGCL đã thanh toán xong khoản phạt trả chậm này. Như vậy, Cty Nhà đã chấp nhận khoản nợ và trả chậm của SGCL trước đó.

anh3 - HDTC
Đã có nhiều đơn thư xin cứu xét được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền (Ảnh: NVHA)

Riêng đối với trường hợp Công ty Tân Long, ông Đinh Trường Chinh nhấn mạnh, đã thỏa thuận với đơn vị này về việc đồng ý trả khoản tiền 100 tỷ để lấy lại 3 hợp đồng, trong đó có Hợp đồng kinh tế và 2 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của Công ty Tân Long. Sau đó, HDTC có lập vi bằng về việc ghi nhận thực trạng các lô đất, đồng thời lập vi bằng về việc có thư từ trao đổi qua email về việc thỏa thuận đưa 100 tỷ để lấy lại 3 hợp đồng của Công ty Tân Long.

Tuy nhiên, việc này bị ông Nguyễn Hoài Phương - Giám đốc Công ty Tân Long phản ứng gay gắt. Ông Phương cho rằng, việc đưa ra email về thỏa thuận không loại trừ khả năng giả mạo. Trong khi đó, thỏa thuận chỉ thể hiện việc chồng 80 tỷ thì Tân Long giao cho HDTC 1 hợp đồng kinh tế, còn 2 lô đất thương lượng sau. HDTC chuyển 80 tỷ, sau đó 2 lần chuyển mỗi lần 10 tỷ để thực hiện việc trả lãi với khoản trả trước 5 tỷ của Tân Long.

Ông Chinh khẳng định, nếu Địa ốc 8 không đạt được thỏa thuận về giá cả thì chúng HDTC sẽ kiện đơn vị này ra tòa vì vi phạm hợp đồng và có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Về phía SGCL và Tân Long, ông Chinh cũng giữ quan điểm không chuyển nhượng đất.

Lãnh đạo 3 công ty trên cho rằng, ông Chinh làm khiến họ rất thất vọng và lo lắng dự án sẽ kéo dài thời gian thực hiện, kéo theo những rắc rối liên quan dẫn đến lãng phí, tốn kém. “Điều này là “bội tín”, vi phạm các thỏa thuận của hợp đồng kinh tế đã ký kết, và vi phạm đạo đức trong kinh doanh, đi ngược với chủ trương xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của Đảng và Nhà nước”, đại diện Địa ốc 8 nhấn mạnh.

Hoàng Anh

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.