Dữ liệu cũ
Thứ hai, 14/10/2019, 10:12 AM

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và heo khổng lồ tại Trung Quốc

(NTD) - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch tả heo châu Phi đã làm thịt heo trở nên khan hiếm tại Trung Quốc, tạo cơ hội cho các hãng chế biến thực phẩm lớn của châu Âu bước vào thị trường này. Trong khi đó, các nhà chăn nuôi tại Trung Quốc đang tìm cách nâng trọng lượng của heo xuất chuồng, có những con heo đạt số cân tới 750kg.

Bắt đầu quen với thịt sạch đóng gói

Châu Âu từng chinh phục thị trường Trung Quốc với các thương hiệu xe sang, chất lượng cao. Nay thì đến lượt các hãng chế biến thịt heo tiến chiếm thị trường khổng lồ khi mà ngành chăn nuôi heo của nước này bị dịch tả heo châu Phi càn quét.

Danish Crown, hãng chế biến thịt heo lớn nhất châu Âu, vừa khai trương nhà máy đầu tiên ở gần Thượng Hải vào tháng 9 rồi. Các sản phẩm được chế biến từ heo nhập từ Đan Mạch và sẽ cung cấp độc quyền cho một hãng thương mại điện tử thuộc Tập đoàn Alibaba trong 5 năm tới.

“Sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đã làm người dân có xu hướng chọn an toàn thực phẩm và các sản phẩm uy tín” - Phó Chủ tịch Danish Crown Soren Tinggaard nói với Nikkei Asian Review - “Trước đợt dịch tả, chúng tôi đã nhận thấy người tiêu dùng Trung Quốc chuyển từ các loại thịt không thương hiệu, không đóng gói bán ở các chợ sang các loại thịt bán qua hệ thống bán lẻ hiện đại”.

Trong khi đó, hãng đối thủ Tonnies Group công bố các kế hoạch đầu tư 550 triệu USD vào liên doanh ở tỉnh Tứ Xuyên với công ty con của Tập đoàn New Hope Group, một tập đoàn nông nghiệp lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, liên doanh đầu tiên của Tonnies Group ở bên ngoài lãnh thổ châu Âu có vẻ không sáng sủa cho lắm bởi tranh cãi ngay trong tập đoàn gia đình này về đường hướng hoạt động của họ, bao gồm kế hoạch mở rộng hoạt động ở Trung Quốc.

Không giống Danish Crown, Tonnies sử dụng heo nội địa. Liên doanh xây lò mổ với tỷ lệ góp vốn 50/50 sẽ khởi công vào năm tới với công suất ban đầu là 2 triệu con và có thế nâng lên 6 triệu con.

“Chúng tôi mang đến công nghệ chế biến thực phẩm với tiêu chuẩn của Đức và giúp củng cố chất lượng và an toàn cho chuỗi cung cấp ở Trung Quốc. Nhu cầu thịt heo ở Trung Quốc và các nước châu Á rất lớn và tiếp tục tăng nhanh trong những thập niên tới”.

Trung Quốc tiêu thụ phần lớn lượng thịt heo trên thế giới và nước này từng có đàn heo chiếm 50% số lượng heo toàn cầu. Nhưng dịch tả heo châu Phi đã khiến đàn heo ở Trung Quốc giảm một nửa trong năm qua, phần chết vì dịch và phần vì kế hoạch tiêu hủy của chính phủ. Toàn bộ các tỉnh thành ở nước này đều có các ca dịch bệnh. Chính sự sụt giảm nguồn cung trong nước đã khiến giá thịt heo tăng 46,7% và nhập khẩu tăng 76% trong tháng 8 vừa rồi so với năm trước. Châu Âu chiếm tỷ lệ cao nguồn cung thịt cho Trung Quốc.

Chính phủ nước này bắt đầu thực hiện “chiến lược cung cấp thịt” để giảm căng thẳng nhưng không để kho trữ phải trống rỗng. Giữa cơn khủng hoảng, họ bắt đầu sử dụng bí quyết và công nghệ tiên tiến để nâng chất lượng của ngành chế biến thịt trong nước.

a1
Thịt heo trở nên khan hiếm tại Trung Quốc và tăng giá trung bình 50% trong năm nay. (Ảnh: Reuters).

Xu hướng heo nặng từ nửa tấn...

Thịt heo đang trở thành mặt hàng khan hiếm và có giá ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc nói nạn khan hiếm thịt sẽ kéo dài đến giữa năm 2020 và Trung Quốc cần ít nhất nguồn cung khẩn 10 triệu tấn trong năm nay.

Trong một chuyến thăm mới đây đến các tỉnh nuôi heo chính như Sơn Đông, Hồ Bắc và Hồ Nam, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa đã thúc giục chính quyền địa phương sớm gầy dựng lại đàn heo càng nhanh càng tốt, với mục tiêu trở lại sản lượng thịt như trước trong năm tới.

Tết Nguyên đán gần kề cũng thúc đẩy các nhà chăn nuôi và trang trại ở Trung Quốc tìm mọi cách nâng trọng lượng mỗi con heo xuất chuồng, bởi thời gian gầy đàn quá lâu và giá thịt heo vào thời điểm Tết có thể tăng 60-80% so với bình thường.

Một trang trại ở thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hồ Nam đã trở thành điểm thu hút du khách khi những con heo ở đây xuất chuồng thường đạt trọng lượng 500kg trở lên. Cá biệt, có những con đạt hơn 750kg.

Những con heo nặng hơn nửa tấn đang được nhân đàn để trở thành giống heo khổng lồ, như tại trang trại của ông Pang Cong ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Tại các lò mổ, những con heo to lớn này được bán với giá 10.000 nhân dân tệ mỗi con, tức khoảng hơn 32 triệu đồng, hơn ba lần thu nhập bình quân của người dân địa phương.

Những con heo của trang trại ông Pang Cong là ví dụ rõ nét cho ý tưởng “càng bự càng tốt” ở đất nước đang thiếu thịt heo trầm trọng, vốn là nguồn đạm chính trong mỗi bữa ăn bình thường và dịp lễ tết ở Trung Quốc.

Giá heo cao ở tỉnh Cát Lâm thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc cũng thúc đẩy người dân nuôi vỗ béo heo đến trọng lượng 175-200kg, cao hơn so với trọng lượng bình thường 125kg. “Càng bự càng tốt” là suy nghĩ của một chủ trang trại tên Zhao Hailin.

Xu hướng này không chỉ phổ biến ở các trại nuôi nhỏ mà còn lan đến các công ty lớn của Trung Quốc. Các công ty chế biến thịt heo hàng đầu ở nước này Wens Foodstuffs Group, Cofco Meat Holdings và Beijing Dabeinong Technology Group nói họ đang cố gắng nâng trọng lượng heo xuất chuồng. Ông Lin Guofa, một nhà phân tích thuộc hãng tư vấn Bric Agriculture Group, nói rằng các trang trại lớn đang cố đẩy trọng lượng đàn heo lên ít nhất 14%.

Trọng lượng trung bình của heo tại các trang trại lớn hiện đã lên đến 140kg mỗi con, so với số cân bình thường 110kg trước đây. “Điều này có thể tăng lợi nhuận hơn 30%” - ông Lin nhận định.

Dù chính phủ kêu gọi dân gầy dựng lại đàn heo, người dân vẫn cảm thấy không an tâm khi dịch tả châu Phi vẫn đang hoành hành. Heo giống và giá chăn nuôi vẫn đang tăng, khiến việc gầy đàn trở lại tốn kém nhiều hơn. Việc tăng trọng đàn heo sẵn có vẫn là “giải pháp” tốt nhất vào lúc này tại Trung Quốc, dù rằng đây là “biện pháp tuyệt vọng trong tình thế tuyệt vọng” - như bình luận của hãng tin Bloomberg.

a
Du khách cỡi chú heo nặng 750kg tại Trịnh Châu, tỉnh Hồ Nam. (Ảnh: AP).

 Ricky Hồ

 

_NTD_So 204_581-582 print_Page_26
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.