Cổ phiếu HSG “ấm nóng” nhờ đòn bẩy xuất khẩu

(NTD) - Thông tin cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) bán ra một lượng lớn cổ phiếu đã khiến HSG đảo chiều giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo các công ty chứng khoán thì điều này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, còn trung và dài hạn cổ phiếu HSG sẽ lấy lại được “phong độ” và tạo đà bứt phá nhờ vào đường lối xuất khẩu đúng đắn.

Đầy triển vọng với cổ phiếu HSG

khoi cong nha may ton hoa sen o Nghe An
Nhờ chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu đón đầu TPP, HSG đã có được những kết quả kinh doanh ấn tượng.

 Ngay những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11, thông tin một số cổ đông lớn của HSG sẽ bán ra một lượng cổ phiếu khá lớn. Cụ thể, bà Hoàng Thị Xuân Hương thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu của người có liên quan đến cổ đông nội bộ HSG. Theo đó, bà Hoàng Thị Xuân Hương đã đăng ký bán toàn bộ 4,5 triệu cổ phiếu HSG đang nắm giữ (tỷ lệ 4,46%) để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch này dự kiến thực hiện từ 3/11 đến 2/12 theo phương thức thỏa thuận. Được biết, bà Hoàng Thị Xuân Hương là vợ ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG, đồng thời còn là em gái ông Hoàng Đức Huy, Phó Tổng giám đốc HSG.

Vào ngày 3/11, Red River Holding, cổ đông của HSG, đã bán ra 796.770 cổ phiếu HSG, làm giảm sở hữu từ 11.846.169 cổ phiếu (tỷ lệ 11,75%), về còn 11.049.399 cổ phiếu (tỷ lệ 10,96%).

Thông tin này ngay lập tức có ảnh hưởng đến cổ phiếu HSG trên sàn chứng khoán. Trong mấy phiên giao dịch gần đây, HSG có sự đảo chiều nhẹ. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán đều nhận định điều này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Còn về trung và dài hạn, HSG sẽ bứt phá trong thời gian tới.

Lý giải về điều này, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo: Với triển vọng kinh doanh tăng trưởng nhờ các dự án đầu tư mới, giá trị hợp lý của cổ phiếu HSG được xác định vào khoảng 52.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 14% so với mức giá đóng cửa ngày 28/10/2015. Dựa trên kết quả này, VDSC đã khuyến nghị nhà đầu tư nên tích lũy trong dài hạn đối với cổ phiếu HSG.

Đồng với quan điểm này, VPBS cũng tin rằng mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của HSG sẽ cải thiện xu hướng ngắn hạn của cổ phiếu sang tăng giá với ngưỡng kháng cự là 45.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, VPBS khuyên nhà đầu tư thay bằng trạng thái giữ thì nên mua thêm.

Lý giải nguyên nhân vì sao mà HSG sẽ tăng cao trong thời gian tới, các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định chung là do HSG đang có kết quả kinh doanh khả quan, đặc biệt là “đòn bẩy” xuất khẩu đang và sẽ được HSG sử dụng triệt để trong thời gian tới.

Không chỉ có chiến lược kinh doanh đúng đắn, Chủ tịch HĐQT, ông Lê Phước Vũ còn luôn đi trước đón đầu mọi cơ hội có được. Vào đầu năm 2014, khi TPP mới chỉ là cuộc đàm phán trên bàn giấy, nhiều người còn lo ngại về kết quả thuận lợi có được thì ông chủ của HSG đã có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, đón đầu TPP và đã có được kết quả ấn tượng sau đó.

Hoa Kỳ chính là thị trường chủ lực mà HSG nhắm đến. Lý giải điều này ông Vũ cho biết, “Hoa Kỳ sẽ là thị trường lớn và là tương lai phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có HSG.”

Nhận biết được thị trường tiềm năng, HSG đẩy mạnh xuất khẩu. Không chỉ thâm nhập được thị trường khó tính, HSG đang khẳng định được thương hiệu tại đây. Nói về kết quả đạt được, ông Vũ cho biết, “năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thép của Tập đoàn HSG sang Hoa Kỳ đạt 282 triệu USD”. “Dự kiến trong năm 2015 con số này còn lên tới 400 triệu USD”, ông Vũ nhấn mạnh. Nhất là khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng chống phòng vệ hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc thì đơn hàng sẽ ồ ạt đổ về HSG. Ông Vũ cho biết đây là cơ hội lớn để xây dựng thương hiệu thép HSG trị giá hàng tỷ USD.

Đây cũng chính là lý do mà HSG phải lấy ý kiến cổ đông để đầu tư xây dựng dự án nhà máy HSG Nghệ An có tổng số vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng. Hiện tại, HSG đang trong giai đoạn đầu tư mạnh với 2 nhà máy tôn ở Nghệ An và 1 nhà máy ống thép tại Bình Định với tham vọng chiếm lĩnh thị trường vật liệu xây dựng trong nước đồng thời khai phá tiếp tiềm năng của thị trường xuất khẩu.

Tìm cơ hội trong thách thức

ton hoa sen
Hình ảnh khởi công xây dựng nhà máy tôn HSG ở Nghệ An.

Theo đánh giá của VDSC, quyết định đầu tư mở rộng của HSG khá tương đồng với giai đoạn 2009-2010, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản hợp lý và nguồn vốn hiện có sẽ giúp công ty này triển khai nhanh và mạnh các dự án đầu tư. Cùng với đó, ưu đãi tại địa điểm đặt nhà máy cũng là một lợi thế đáng kể mà không phải doanh nghiệp trong ngành nào cũng có được.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh thị trường, VDSC quan ngại tiềm năng tăng trưởng của thị trường tôn mạ trong nước trong 5 năm tới có thể sẽ không cao bằng giai đoạn 2010-2015. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HSG đang phát triển mạnh mạng lưới chi nhánh ở khu vực miền Bắc và miền Trung.

Đối với thị trường xuất khẩu, sau một thời gian tăng trưởng mạnh mẽ trong sản lượng bán hàng, HSG đang đối mặt với khó khăn liên quan đến nhiều vụ kiện chống bán phá giá tại các thị trường chính trong khu vực Đông Nam Á. Trước khó khăn này, VDSC kỳ vọng thị trường xuất khẩu tại các nước phát triển, đặc biệt ở Hoa Kỳ, sẽ là cơ hội để HSG giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Dù vậy, lộ trình tìm chỗ đứng vững chắc tại thị trường Hoa Kỳ sẽ cần ít nhất một vài năm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ và sức ép từ nguồn cung dư thừa. Trong khi đó, Thái Lan và một số nước trong khu vực đang đẩy mạnh điều tra chống bán phá giá khiến lượng thép xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm mạnh. Trước tình hình chung này thì HSG cũng đang đối mặt với không ít thách thức.

Nói về những khó khăn đang gặp phải, ông Vũ cho rằng từ khi thành lập đến nay, HSG đã gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể vào thời điểm 2008 khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, HSG đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Chưa kịp giải quyết hết khó khăn này, HSG lại phải đối mặt ngay với việc thị trường bất động sản trầm lắng, lượng tiêu thụ tôn thép giảm trầm trọng… Thế nhưng nhờ có đường lối đúng đắn, HSG đã liên tiếp vượt khó và có được những thành quả kinh doanh ấn tượng. Chính vì thế ông Vũ cho rằng đứng trước mọi khó khăn cứ tìm cơ hội rồi bình tĩnh giải quyết.

Cũng theo ông chủ HSG thì tính đến cuối năm 2014, HSG có 150 chi nhánh trên cả nước, hầu hết là tài sản của HSG. Đây còn là lợi thế rất lớn bởi nhờ đó HSG chủ động được hàng hóa, giá cả và còn tạo ra năng lực cạnh tranh khi sản phẩm bán lẻ đến được tận tay người tiêu dùng.

Ông Vũ cho rằng: “Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra thì hệ thống phân phối chủ động này sẽ là cứu tinh của doanh nghiệp. Hiện nay, trong lĩnh vực tôn thép chưa có một doanh nghiệp nào xây dựng được hệ thống phân phối như HSG. Chỉ cần một email được gửi đi thì toàn bộ hệ thống phân phối trên toàn quốc đều được điều chỉnh”.

Bên cạnh đó, có thể là điều chỉnh về giá cả hoặc đẩy nhanh việc bán hàng tồn kho cũng được ông Vũ tính đến. Với quy trình kinh doanh khép kín từ nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, phân phối, bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, HSG đã tạo được ra một chuỗi giá trị gia tăng liên tục và tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu từ 15 - 25%, cao nhất ngành thép Việt Nam.

Mai Trinh

Bình luận

Nổi bật

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 07:24

(CL&CS) - CTCP Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) sẽ chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu nhằm thu về 1.300 tỷ đồng để mua nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại diện duy nhất Việt Nam được LĐBĐ Châu Á công nhận là Trung tâm y học thể thao xuất sắc

Đại diện duy nhất Việt Nam được LĐBĐ Châu Á công nhận là Trung tâm y học thể thao xuất sắc

sự kiện🞄Thứ bảy, 11/05/2024, 19:47

(CL&CS) - Với việc đạt chứng nhận cao nhất của AFC dành cho các cơ sở y tế và bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu cho các cầu thủ bóng đá Châu Á, Trung tâm chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Vinmec được kỳ vọng sẽ là “địa chỉ đỏ” cho các VĐV chuyên nghiệp và những người tham gia thể thao phong trào.