Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai tăng giá nhờ cây ăn trái

(NTD) - Cổ phiếu HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đang được giao dịch ở mức cao nhất so với thời kỳ rớt giá thảm vào những tháng giữa năm 2016 nhờ thông tin tích cực từ việc đầu tư vào nông nghiệp là cây ăn trái.

“Lửa thử vàng - gian nan thử sức”

Câu nói này khá phù hợp với hoàn cảnh của HAGL khi trải qua một năm đầy sóng gió. Lúc ấy dường như cả thị trường quay lưng lại với HAGL, giá cổ phiếu từ mức 11.300 đồng/cổ phiếu (12/1/2016) xuống chỉ còn 4.930 đồng/cổ phiếu (16/9/2016), tương ứng giảm tới 56,3%. Nguyên nhân là khoản nợ khổng lồ vẫn không ngừng tăng lên của HAGL trong năm 2016, hơn 33.000 tỷ đồng.

Đối mặt khó khăn, nhưng HAGL đã may mắn khi nhận được sự hỗ trợ của các chủ nợ thực hiện chuyển đổi các khoản nợ thành vốn cổ phần. Đồng thời, giá cao su phục hồi đã giúp HAGL đứng vững trước “cơn sóng” lớn từ thị trường.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo của HAGL đã nhanh chóng đưa ra những kế hoạch mới nhằm giảm nợ vay cho tập đoàn. Cụ thể, trong năm 2016, HAGL thực hiện chuyển nhượng dự án mía đường, dự án thủy điện Nậm Kông 2. HAGL cũng đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar và dự án thủy điện Nậm Kông 3 để giảm thêm nợ vay. Riêng về dự án mía đường, vào tháng 5/2017, HAGL đã chuyển nhượng cho CTCP Tập đoàn Thành Thành Công và thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2016, tổng các khoản nợ vay phải trả của HAGL đã giảm từ 27.099 tỷ đồng xuống 26.542 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn giảm 3.100 tỷ đồng và vay dài hạn tăng 2.643 tỷ đồng do đã thực hiện tái cơ cấu nợ phù hợp với tình hình đầu tư của công ty. Vay ngắn hạn chủ yếu để tài trợ vốn lưu động trong lĩnh vực chăn nuôi bò và vườn cây ăn quả.

Vay dài hạn chủ yếu để đầu tư xây dựng cơ bản tại các đơn vị trong lĩnh vực trồng và chăm sóc cây cao su, cọ dầu và đầu tư dự án HAGL Myanmar. Bên cạnh đó, nợ phải trả tăng lên một phần do khoản mục người mua trả tiền trước tăng 2.018 tỷ đồng, khoản này công ty không phải trả trong tương lai.

Với hệ số vay trên tổng tài sản giảm từ 0,56 lần vào cuối năm 2015 xuống 0,5 lần vào cuối năm 2016 và hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu giảm từ 1,69 lần vào cuối năm 2015 xuống 1,6 lần vào cuối năm 2016 cho thấy tuy giảm không nhiều nhưng khả năng thanh toán nợ của công ty có sự chuyển biến tích cực.

ĐOÀN-NGUYÊN-ĐỨC
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HAGL, cho rằng phát triển cây ăn trái sẽ là quyết sách hợp lý trong bối cảnh HAGL cần có một hướng đi đột phá.

Cây ăn trái sẽ là chủ lực của HAGL

Bước sang năm 2017, HAGL đang đón một luồng gió mới khi CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã HNG), công ty con của HAGL đề ra mục tiêu lớn là vận dụng những lợi thế về đất đai và hạ tầng nông nghiệp để trồng cây ăn trái.

Dự kiến trong năm 2017, công ty đã có được nguồn thu khả quan từ thanh long, chuối và chanh dây. Cụ thể, doanh thu 3 loại trái cây này sẽ đem về 2.600 tỷ đồng cho HAGL Agrico trong năm nay, trên tổng số doanh thu 4.558 tỷ đồng đã đề ra. Với 56.250 tấn chanh dây, mang lại doanh thu 1.050 tỷ đồng; 17.000 tấn thanh long, mang lại doanh thu 680 tỷ đồng và thu hoạch 50.000 tấn chuối, mang lại doanh thu 843 tỷ đồng cho công ty. Bên cạnh đó, HAGL Agrico sẽ thành lập công ty phân phối trái cây tại TP.HCM để bán trái cây trong nước.

Điều này đã tác động tích cực tới giá cổ phiếu của HAG và HNG trong thời gian gần đây. Cụ thể, cổ phiếu HAG đạt mức 9.060 đồng/cổ phiếu (20/6), tăng hơn 70,9% so với giá ngày 3/1/2017 (5.300 đồng/cổ phiếu). Cổ phiếu HNG tăng từ mức 6.330 đồng/cổ phiếu lên 10.250 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 61,9%.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HAGL, đây là quyết sách hợp lý trong bối cảnh HAGL cần có một hướng đi đột phá và mang tính chiến lược để vượt qua khó khăn và bảo đảm cạnh trong dài hạn.

Bên cạnh phát triển sản phẩm mới, HAGL vẫn tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi là chăn nuôi bò, cao su và cọ dầu. Trong năm qua, giá cao su thế giới và trong nước có dấu hiệu phục hồi tốt từ mức 1.100 USD/tấn trong năm 2015 lên đến 2.200 USD/tấn. Vì vậy, trong niên vụ 2017 công ty đẩy mạnh khai thác bằng việc mở rộng diện tích cạo mủ. Cũng trong năm qua, sản phẩm bò thịt HAGL chỉ cung cấp vào các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Sắp tới, HAGL sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh trong cả nước.

HAGL tin tưởng rằng kể từ năm 2017 khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của ngành nông nghiệp sẽ được cải thiện tốt hơn so với các năm trước.

hình-bổ-sung-HAG
 

 Khánh Hoa

 

_NTD_So 100_xem10
 

Bình luận

Nổi bật

Giá chung cư tại Đà Nẵng: Cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2?

Giá chung cư tại Đà Nẵng: Cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2?

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:59

Theo dữ liệu của DKRA cho thấy giá căn hộ mới ở Đà Nẵng vẫn neo cao và tiếp đà tăng nhẹ. Giá sản phẩm cao nhất lên đến gần 150 triệu đồng mỗi m2 tại quận Hải Châu.

Giải pháp giúp doanh nghiệp bất động sản đỡ “khát vốn”

Giải pháp giúp doanh nghiệp bất động sản đỡ “khát vốn”

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:59

Theo nhiều ý kiến đánh giá, Luật Đất đai năm 2024, dự kiến có hiệu lực từ 1/7, có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều. Đây cũng được coi là giải pháp giúp các doanh nghiệp bất động sản đỡ khát vốn hơn.

Đẩy mạnh hệ sinh thái số đa dạng trong lĩnh vực ngân hàng

Đẩy mạnh hệ sinh thái số đa dạng trong lĩnh vực ngân hàng

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:55

(CL&CS) - Vừa qua, tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại đã không ngừng đầu tư công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối vào hoạt động nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho khách hàng.